|
Cạo mủ cao su ở Hương Bình
|
Một đặc điểm tạo thế mạnh cho khu vực này là diện tích đất chưa đưa vào khai thác lớn và màu mỡ tạo điều kiện để phát triển cây cao su và cây tràm. Năm 2013, toàn thị xã trồng mới 111 ha cao su nâng tổng diện tích cao su lên 2.304 ha. Trong đó, diện tích cao su đã khai thác mủ là 1.681 ha. Theo kế hoạch, đến năm 2015 hình thành vùng tập trung chuyên canh cây cao su 2.500 ha. Năm 2012, để khắc phục nhược điểm của địa phương là thường xuyên chịu ảnh hưởng nhiều bởi mưa bão, thị xã chủ trương đưa giống mới VF ngắn ngày chống bão vào địa bàn. Với diện tích chủ yếu là đất vùng đồi, khả năng mở rộng cây cao su có thể lên đến 2.800 ha, nếu được đầu tư thâm canh đúng mức cây cao su sẽ là cây làm giàu cho nông dân vùng đồi, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đối với việc phát triển rừng, trong năm 2013 tiến hành chăm sóc 2.850 ha rừng trồng, trồng 135.000 cây phân tán; dự kiến sẽ trồng mới 1.200 ha rừng tập trung vào năm 2013. Độ che phủ rừng hiện nay đạt 58,5%. Nhờ phát triển cây cao su và trồng rừng mà nhiều xã đã thoát được khó khăn, phấn đấu đạt thành tích cao trong phát triển kinh tế.
Hương Bình là xã điển hình. Hơn 10 năm trước, Hương Bình là xã có nhiều khó khăn của thị xã Hương Trà. Sau khi có dự án hỗ trợ cây giống và kỹ thuật trồng cây cao su và trồng rừng, kinh tế của xã có bước chuyển mình.
Ông Dương Văn Bi, thôn Hương Lộc, xã Hương Bình, nhớ lại: “Ngày đầu mới đưa cây cao su và cây tràm vào trồng bà con ai cũng bán tín bán nghi, không biết đưa 2 loại cây này vào trồng hiệu quả kinh tế có cao không. Một điều khiến nhiều hộ nản chí là thời gian trồng và thời điểm thu hoạch kéo dài 5 đến 7 năm. Trong khi đó, đời sống của bà con thiếu thốn đủ đường, không biết làm gì để đợi đến ngày thu hoạch, nhiều hộ không đợi được nên bán hết đất rừng vào Nam sinh sống. Có thể khẳng định những người còn bám trụ trên mảnh đất Hương Bình đến thời điểm này chính là người có bản lĩnh nhất. Họ vượt qua được khó khăn đợi ngày hái quả ngọt. Đến thời điểm thu hoạch, mỗi ha rừng cho thu nhập trên 50 triệu đồng, 1 ha cao su mỗi ngày thu được gần 500 ngàn tiền mủ, lúc đó nhà nào cũng thấy sướng, cầm trong tay đống tiền mà vẫn nghĩ đó chỉ là giấc mơ”.
Nhờ cây cao su mà rất nhiều hộ dân có thu nhập từ 1 triệu đến 5 triệu đồng mỗi ngày. Từ đây, đời sống được nâng lên, nhà cửa được xây dựng mới khang trang. Chính điều này tạo động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phuơng này. Đến nay, Hương Bình hoàn thành 15/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thoát nghèo nhờ cây cao su và cây tràm
Ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cho biết: “Những năm tới, cây cao su và cây tràm được xác định là cây chủ lực của địa phương, là mũi nhọn giúp các xã vùng đồi vươn lên làm giàu và tăng độ che phủ của rừng. Để cây cao su đứng vững và phát huy hiệu quả, thị xã có những đề xuất đối với tỉnh như sau: tiến hành rà soát và bổ sung cây cao su vào quy hoạch toàn tỉnh; tiếp tục triển khai chương trình đa dạng hóa nông nghiệp mà trọng tâm là hỗ trợ kỹ thuật thâm canh, tổ chức thu mua mủ cao su, đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất; dành ngân sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho vùng tập trung chuyên canh cao su.
Trồng rừng cũng cho thu nhập rất cao. Mỗi ha rừng trồng sau 5 đến 6 năm, thu hoạch lãi từ 40 đến 50 triệu đồng/ha. Trồng rừng không tốn nhiều thời gian chăm sóc lại có thể xen canh một số loại cây trồng ngắn ngày như sắn, dưa hấu…giải quyết vấn đề thu nhập ngắn hạn cho bà con. Rừng sau khu thu hoạch còn góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Trung bình mỗi ngày người làm công việc bóc vỏ tràm có thu nhập từ 200 đến 300 ngàn đồng/ mỗi ngày.
Nhìn lại hơn 10 năm trước, vấn đề giao thông đi lại các xã vùng gò đồi rất khó khăn. Muốn đến được các xã vùng đồi Hương Trà phải đi mất vài tiếng đồng hồ, đi qua đò Tuần rồi băng qua những con đường đất đỏ sình lầy. Người dân lúc đó cũng chỉ mong đủ ăn chứ không ai từng nghĩ tới sẽ có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang như ngày nay. Giờ đây, vùng đồi đã khoát lên mình “bộ cánh” mới với đường sá khang trang, cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng. Thu nhập của người dân tăng cao, đời sống dần ổn định.
Hồng Tiến là một xã nghèo nhất của thị xã Hương Trà, đa phần dân số là người dân tộc thiểu số, di cư từ A Lưới và người dân tái định cư khu vực thủy điện Hương Điền, với tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm trên 20% dân số toàn xã, có thôn 100% là hộ nghèo và cận nghèo. Những năm trở lại đây nhờ mở rộng diện tích rừng nên người dân có nguồn thu nhập ổn định. Ông Lê Văn Mưu, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến cho biết: Hiện diện tích rừng toàn xã là 587 ha, trong những năm tới sẽ tập trung vận động người dân mở rộng diện tích rừng và cây cao su. Hiện nay, Hồng Tiến tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng với việc đưa cây tràm và cây cao su vào trồng đã góp phần cải thiện đời sống của người dân. Nhiều hộ có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng mỗi năm gấp nhiều lần so với mặt bằng chung của xã.
Hiện nay, kinh tế vùng đồi Hương Trà tập trung chính vào phát triển cây cao su và trồng rừng. Hướng đi này đã và đang trở thành hướng đi tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn, nhất là các xã có hoàn cảnh khó khăn. Để đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp trong việc định hướng và có cơ chế hỗ trợ kịp thời về vốn, giống tạo điều kiện cho người dân tập trung sản xuất. Đặc biệt, việc người dân mạnh dạn thay đổi tư duy ít phụ thuộc trông chờ ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước là 1 trong những tiền đề cho kinh tế vùng gò đồi Hương Trà phát triển nhanh chóng và bền vững.