Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Mất an toàn trên công trình xây dựng
Ngày cập nhật 25/07/2016
TTH - Nhu cầu xây dựng hạ tầng, nhà ở gia tăng nên lao động tự do phát triển mạnh. Lo ngại nhất vẫn là vấn đề an toàn lao động khi công tác quản lý, kiểm tra thả nổi...

Đùa với tử thần

Huế đang vào mùa xây dựng. Lao động làm trong ngành này chủ yếu làm việc thời vụ. Thực tế, rất ít công trình được trang bị giàn giáo bằng khung thép, có nơi chỉ sử dụng gỗ tạp, tre, lót thêm vài tấm ván làm chỗ đi lại. Tại công trình xây dựng ở xã Phú Thượng (Phú Vang), một tốp thợ  đặt thanh gỗ dài bước từ đầu này sang đầu kia trên bức tường mới xây. Họ thản nhiên cười đùa, người xây, người tô, người tung gạch. Những viên gạch bay vèo vèo qua lại giữa không trung, không ai trong số đó có bảo hộ lao động.

Vật liệu để ngổn ngang trên các công trình xây dựng

Các công trình xây dựng hầu hết không che chắn, không phủ lưới bảo vệ. Trên sàn, vô số mảnh ván đinh đóng lởm chởm vương vãi. Khi chúng tôi đặt vấn đề về an toàn lao động, một chủ thầu đang chỉ đạo thi công công trình ở xã Phú Thượng (Phú Vang) cho rằng: “Nếu thực hiện đúng theo yêu cầu nghiêm ngặt về bảo hộ lao động, chúng tôi lấy gì trả lương cho công nhân và các khoản chi phí khác? Chưa kể, họ làm được vài bữa lại nghỉ việc, biết tìm lao động ở đâu mà đòi lại bảo hộ nên chúng tôi chỉ biết nhắc họ cẩn thận trong khi làm việc”.

Tình trạng chủ thầu muốn tiết kiệm chi phí trong xây dựng nên không mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân, không xây dựng nội quy, hướng dẫn quy trình sử dụng máy móc, thiết bị trở nên phổ biến. Trong khi đó, các ngành chức năng thiếu sự kiểm tra, giám sát ở các công trình xây dựng. Bản thân người lao động cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo hộ lao động, xem thường nội quy, không có ý thức bảo đảm an toàn cho bản thân trong quá trình lao động. Anh Trần  Hải, một công nhân đang làm việc tại công trình ở đường Trần Phú (TP. Huế) cho biết: “Chủ thầu không trang bị bảo hộ lao động, nhưng nếu có tôi cũng không muốn mang vì vướng víu, khó làm việc”.

Khó kiểm soát

Theo quy định, những công trình xây dựng cao tầng phải được trang bị dàn giáo với đầy đủ các thiết bị như thang, chòi nâng, sàn treo, lưới bảo hộ… Công nhân làm việc trên cao phải đủ từ 18 tuổi trở lên, có giấy chứng nhận đã học tập và kiểm tra đạt yêu cầu về an toàn lao động do giám đốc đơn vị xác nhận, được trang bị và hướng dẫn sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân khi làm việc như: dây an toàn, quần áo, giày, mũ bảo hộ…Thế nhưng, hầu như các công trình chưa đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn trên.

Công trình không có lưới bảo vệ để đảm bảo an toàn cho lao động

 

Theo đoàn kiểm tra liên ngành, các công ty xây dựng lớn, có uy tín thì việc ký kết hợp đồng lao động cũng như thuê nhân công diễn ra minh bạch. Người lao động phải đạt được một số yêu cầu khắt khe do công ty đưa ra mới được ký hợp đồng, kèm theo chế độ bảo hiểm lao động. Trong khi đó, các chủ thầu tư nhân lại thuê công nhân theo thời vụ và không đòi hỏi gì ngoài tay nghề, không có hợp đồng lao động cùng các chế độ kèm theo. Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, nguyên nhân chính để xảy ra tai nạn lao động chết người chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động vì không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, thiết bị lao động không đảm bảo, không huấn luyện an toàn lao động. Ngoài ra, do người lao động không thực hiện đúng quy trình lao động, không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động. Đặc biệt, lực lượng lao động tự do chưa qua đào tạo về an toàn lao động, chưa học kỹ năng cơ bản trong nghề, quy trình thi công an toàn nhưng vẫn  tham gia các công trình xây dựng. 

Ông Phan Quang Trung, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động TB&XH cho rằng: Hiện rất khó xử lý những trường hợp mất an toàn lao động xảy ra với lao động trong ngành xây dựng. Đa phần các doanh nghiệp sau khi nhận thầu công trình thường hợp đồng lại với các cai thầu nhỏ. Những người này lại thuê lao động tự do bên ngoài, không có hợp đồng lao động nên gây khó khăn cho việc quản lý số lượng lao động cũng như công tác bảo hộ lao động ở các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Nếu xảy ra tai nạn, họ cũng không báo ngành chức năng hay chính quyền mà chủ thầu và người lao động tự thoả thuận, đền bù trên cơ sở tự nguyện.

 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định, bắt đầu từ 1/7, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền được làm việc trong điều kiện an toàn; được  huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt; tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện; khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật. Luật bảo vệ người lao động đã có, tuy nhiên, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt theo luật định để  bảo đảm an toàn cho người lao động trên các công trường.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, tai nạn lao động có chiều hướng gia tăng, với 27 vụ tai nạn, khiến 27 người bị thương và 3 người thiệt mạng. Các ngành nghề gặp rủi ro dẫn đến tai nạn là khai thác mỏ và chế biến. Theo Sở Lao động TB&XH, trong số gần 17.000 lao động thời vụ, công nhân thi công ở các công trình xây dựng chiếm ưu thế. Tuy nhiên, số lao động bị tai nạn lao động các đơn vị báo cáo chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 10%, nên quyền lợi của họ bị thiệt thòi.

Bài, ảnh:  Huế Thu

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 667
Chung nhan Tin Nhiem Mang