Sở Tư pháp và UBND huyện Phú Lộc là 2 đơn vị dẫn đầu
Năm 2015 là năm thứ 2 Thừa Thiên Huế tiến hành xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) với 21 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố và việc đánh giá, xếp loại được xây dựng thành 2 bộ tiêu chí khác nhau theo đặc thù 2 nhóm đối tượng trên. Theo đánh giá của hội đồng thẩm định, mặc dù là năm thứ 2 triển khai, song một số cơ quan, địa phương vẫn còn lúng túng trong việc tự đánh giá chấm điểm và nộp tài liệu kiểm chứng; chưa coi trọng và chưa có những giải pháp thích hợp đẩy mạnh CCHC, dẫn đến điểm số còn thấp.
Điểm bình quân chung của 21 sở, ban, ngành cấp tỉnh theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác CCHC năm 2015 là hoàn thành 57,22% tổng số điểm có nhiệm vụ được giao. Sở Tư pháp đạt điểm số cao nhất với 71,65/96 điểm (tương ứng 74,64 % tổng số điểm có nhiệm vụ được giao). Có 05/21 sở, ban, ngành đạt được trên 65 xếp vào nhóm khá, chiếm tỷ lệ 23,8% trong tổng số sở, ban, ngành cấp tỉnh, gồm các Sở: Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Tài chính. Có 10/21 sở, ban, ngành đạt được từ 50 đến 65 điểm, xếp vào nhóm trung bình, chiếm tỷ lệ 47,6%. Có 06/21 sở, ban, ngành đạt dưới 50 điểm, xếp vào nhóm thấp, chiếm tỷ lệ 28,5% gồm Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Sở Ngoại vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Thanh tra tỉnh và Ban Dân tộc.
So sánh với năm 2014, một số đơn vị có chỉ số và xếp hạng cải thiện đáng kể như: Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ (cùng tăng hạng 1 bậc); Sở Tài chính từ vị trí thứ 14 lên vị trí thứ 4...
Với nhóm UBND các huyện được hội đồng đánh giá tương đối đồng đều, với điểm trung bình 64,28%. Điểm số tương đối đồng đều ít có sự chênh lệch giữa các huyện, thị xã, thành phố. UBND huyện Phú Lộc dẫn đầu với số điểm là 72,8/95 số điểm có nhiệm vụ được giao (tương ứng với 76,63 % số điểm). Có 03/9 huyện, thị xã đạt được từ 65% đến 70% số điểm, xếp vào nhóm khá, chiếm tỷ lệ 33,3% trong tổng số huyện, thị xã, là huyện Phú Lộc, huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền. Có 06/8 huyện, thị xã đạt được từ 50% đến 65% số điểm, xếp vào nhóm trung bình, chiếm tỷ lệ 66,7%. Không có đơn vị đạt điểm thấp.
Trong bản sếp hạng năm nay, UBND huyện Phong Điền là địa phương có điểm chỉ số cải thiện đáng kể so với 2014, từ thứ 8 lên thứ 2. Riêng huyện A Lưới do thấp điểm ở các tiêu chí cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa TTHC nên từ vị trí 2 “rơi” xuống vị trí cuối cùng trên bảng xếp loại.
Trong các tiêu chí đánh giá, đáng chú ý, tiêu chí thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông với điểm số lớn nhất (20 điểm), tuy nhiên, số điểm đạt được ở các sở, ban, ngành khá thấp, thành viên hội đồng thẩm định cho hay. Nguyên nhân, do chưa thực hiện tốt quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế 1 cửa và chưa có tài liệu kiểm chứng thuyết phục.
Qua đánh giá, xếp loại công tác CCHC 2015 cho thấy, đa số những sở, ban, ngành đạt điểm cao là những đơn vị có đầy đủ tài liệu kiểm chứng, coi trọng công tác chỉ đạo, điều hành, nghiêm túc trong xây dựng các kế hoạch và có sự kiểm tra, báo cáo thống kê đầy đủ, có chất lượng về các nội dung CCHC. Đánh giá, xếp loại công tác CCHC 2015 cũng cho thấy nhiều đơn vị đạt chỉ số thấp trong lĩnh vực chỉ đạo, điều hành CCHC đã dẫn đến kết quả chỉ số tổng hợp thấp.
Tăng cường nhận thức về CCHC
Chia sẻ về kinh nghiệm là đơn vị 2 năm liền dẫn đầu khối UBND các huyện về chỉ số PAR index, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, kết quả này là sự kiên trì của cả hệ thống chính trị, của người đứng đầu, là sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất thông qua các “kênh”. “Quan điểm của Phú Lộc là làm tốt trước rồi “xin” hỗ trợ sau nên đến nay ngoài cơ sở vật chất khá hoàn thiện, chúng tôi còn gần như xử lý 100% các vấn đề trên mạng từ huyện đến xã, nhất là ưu tiên giải quyết hồ sơ, thủ tục qua bộ phận 1 cửa. Do đó, trong tổng số 3.725 hồ sơ qua bộ phận 1 cửa năm 2015, Phú Lộc đã giải quyết xong 93,7% hồ sơ: Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh nói.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp Đào Chuẩn, trong công tác CCHC, để có kết quả, sản phẩm cụ thể về CCHC, sở quan tâm và coi trọng đến yêu cầu về thời gian, nội dung và chất lượng của việc xây dựng kế hoạch thực hiện CCHC. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, có thể lặp đi lặp lại ở những bộ phận còn hạn chế để tạo chuyển biến thực sự. Chính việc thực hiện công tác chấm điểm đánh giá, xếp loại CCHC đã tạo động lực làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình, kết quả CCHC tại đơn vị, ông Đào Chuẩn cho biết.
Về nhiệm vụ xếp hạng chỉ số cải cách hành chính trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị căn cứ bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại công tác CCHC năm 2015 để tổ chức triển khai, phổ biến, tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác CCHC. Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về quá trình triển khai và kết quả đánh giá, xếp loại năm 2015 để tìm nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác CCHC. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, biện pháp cần thiết trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC hằng năm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC của cơ quan, đơn vị mình. Phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ trong triển khai kế hoạch đánh giá, xếp loại công tác CCHC hàng năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao phát biểu kết luận tại hội nghị Công bố kết quả xếp hạng chỉ số CCHC
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đánh giá quá trình triển khai PAR index, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Tuy nhiên, ngoài thành tích đã đạt được, qua chỉ số PAR index, có thể thấy, công tác CCHC vẫn chưa được quan tâm đầy đủ và thực hiện một cách quyết liệt. Nhận thức về vấn đề này vẫn còn xem nhẹ và chưa nhân rộng trong bộ máy. Do đó, cần xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể phù hợp với từng ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả CCHC. Các đơn vị đã làm tốt tiếp tục duy trì, những địa phương “đội sổ” phải phấn đấu để thay đổi, khắc phục những điểm yếu, những tiêu chí chưa đạt.
Nhiệm vụ sắp tới, Chủ tịch Nguyễn Văn Cao yêu cầu các ban ngành, địa phương phải nhận thức một cách cụ thể, rõ ràng, đồng bộ về công tác CCHC, quyết liệt trong giải pháp, chỉ đạo, triển khai. Đồng thời, cần xem lại những tiêu chí thành phần, cách tính điểm, đánh giá có hợp lý không để điều chỉnh. Quan trọng là biết mình đang ở đâu, như thế nào, cần phải làm gì để CCHC tốt hơn.