Việt Nam đang được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn nhất trong khu vực châu Á và trên thế giới. Với sự mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập (FTA, TPP,…), với sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới tại Việt Nam, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng tăng đối với doanh nghiệp Việt.
Thị trường đầy tiềm năng
Chỉ 3 năm sau khi vào WTO (năm 2007), Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Với quy mô trên 90 triệu dân, trong đó gần 40% dân thành thị, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 2.109 USD/người/năm vào 2015, tăng 57 USD so với năm 2014; đặc biệt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong giai đoạn 2007-2015 tăng trung bình gần 22%/năm, tăng gần 7 lần từ khi Việt Nam vào WTO.
Thị trường bán lẻ VN nhiều tiềm năng (Ảnh minh họa: KT)
Sự tăng trưởng nhanh của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong những năm qua cho thấy tiêu dùng trong nước luôn là một động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Mặc khác, tốc độ tăng tiêu dùng cao chính là yếu tố quan trọng đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng.
Còn nhớ năm 2014, một nghiên cứu của tập đoàn tư vấn AT Kearney của Mỹ về chỉ số xếp hạng thị trường bán lẻ của 30 quốc gia đang phát triển thì Việt Nam nổi lên là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu năm 2008. Xét về quy mô, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn nhỏ so với các nước khối ASEAN, nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh giai đoạn 2011-2015 và được dự báo vẫn đạt tốc độ hấp dẫn trong 3 năm tiếp theo.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, bán lẻ chiếm khoảng 15% GDP Việt Nam năm 2013. Tính chung cả năm 2015, Tổng cục Thống kê đánh giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014).
Về thị trường bán lẻ Việt Nam nửa đầu năm 2016, Chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt của Ngân hàng Thế giới đánh giá, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang có con số tăng trưởng rất tốt, khoảng 8%, nhờ tiêu dùng nội địa mạnh với một môi trường lạm phát thấp trong khi thu nhập và lương thưởng cũng được cải thiện.
Đánh giá triển vọng của thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới, ông Sebastian Eckardt cho rằng, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam hiện đang tăng tốc giữa bối cảnh nhu cầu nội địa và tiêu dùng tiếp tục đà khởi sắc từ năm ngoái. Xu hướng đi lên của lĩnh vực bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn hạn và ước tính thị trường này sẽ tăng trưởng khoảng 8-9% trong năm 2016. Về trung hạn, ông Sebastian Eckardt nhìn nhận triển vọng của ngành bán lẻ Việt Nam vẫn rất lớn vì đang trong quá trình tăng trưởng nhanh.
Theo TS. Đinh Lê Hải Hà, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thị trường bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại vì quy mô thị trường hấp dẫn với hơn 90 triệu dân, trong đó khoảng 70% dân ở độ tuổi dưới 64; tốc độ đô thị hóa nhanh (năm 2014 đã đạt 33,1% dân sống ở thành thị; thu nhập bình quân và quyền lực mua sắm tăng nhanh (chi tiêu cho mua sắm hàng hóa của hộ gia đình tăng nhanh từ 70 tỷ USD năm 2008 lên tới 154 tỷ USD năm 2015).
Cạnh tranh ngày càng tăng
TS. Đinh Lê Hải Hà cho hay, Việt Nam đã cam kết mở cửa gần như hoàn toàn thị trường bán lẻ trong nước cho các nhà cung cấp nước ngoài. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế đất nước, nhưng cũng đặt ra cho Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ trong nước những thách thức to lớn trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh, sử dụng các công cụ được phép để bảo vệ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của các kênh phân phối hàng Việt và sự tồn tại của các khu chợ truyền thống, của hàng triệu hộ kinh doanh trong nước.
Ở Việt Nam có khoảng 700 siêu thị và trung tâm mua sắm, trong đó các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm 40%, trong 125 trung tâm thương mại thì khu vực FDI có 31, chiếm khoảng 25%. Theo Bộ Công thương, đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.200 – 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. |
Giải thích rõ hơn về những thách thức, TS. Đinh Lê Hải Hà cho hay: Từ khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, một làn sóng nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam dưới hình thức thập lập cơ sở bán lẻ hoặc mua lại và sáp nhập…. Điều này tạo nên sức ép cạnh tranh lớn trên thị trường, nhất là khi nhà doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp Việt về: vốn, mặt bằng; công ty mẹ là những đại gia bán lẻ toàn cầu, họ trường vốn và có chiến lược chịu lỗ nhiều năm để xây dựng mạng lưới, đội ngũ uy tín, thương hiệu trước khi kiếm lời tại Việt Nam. Doanh nghiệp bán lẻ ngoại còn có mức độ chuyên nghiệp, có sự tin cậy từ nhà cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước; có phương thức thanh toán linh hoạt.
“Có thể nói, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam ngày càng gia tăng khi các nhà phân phối nước ngoài ồ ạt đầu tư vào thị trường VN để giành thị phần. Sức ép này buộc các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải xem lại mô hình kinh doanh, đồng thời chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, nâng cao năng lực để sẵn sàng cạnh tranh” - TS. Đinh Lê Hải Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt của WB, việc thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới là một tín hiệu tốt và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều dòng vốn lớn hơn vào thị trường bán lẻ trong tương lai.
Ông Sebastian Eckardt còn cho rằng, có những quan ngại tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẽ giành hết thị phần của các doanh nghiệp nhỏ lẻ Việt Nam. Điều này không hoàn toàn đúng nếu những doanh nghiệp Việt Nam biết giữ thị phần của mình bằng cách tập trung tạo ra những sản phẩm khác biệt hoặc có chất lượng cao hơn.
“Nếu không chủ động, doanh nghiệp bán lẻ nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này ngày càng mạnh. Một cách khách quan, doanh nghiệp bán lẻ nội còn thua kém nhà đầu tư nước ngoài nhiều mặt: hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng tuy có nhiều cải tiến nhưng vẫn thiếu chuyên nghiệp, từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu…; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ; có tình trạng doanh nghiệp trong nước không những không liên kết mà còn chơi xấu nhau như: bán dưới giá thành, khuyến mãi không lành mạnh…” - TS. Đinh Lê Hải Hà, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
|
Theo VOV
Theo BaoThuaThienHue.vn