Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Nhìn từ Hương Thủy
Ngày cập nhật 15/11/2016
TTH - Chuyển đổi mô hình quản lý chợ nhằm quản lý, khai thác hiệu quả, tạo điều kiện nâng cấp, cải tạo theo hướng văn minh, hiện đại là yêu cầu tất yếu.

Sau chuyển đổi chợ đầu mối Phú Hậu (T.P Huế) khang trang hơn. 

Sau hơn 4 năm thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đến nay, TX. Hương Thủy đã chuyển đổi được 9/13 chợ. Đây là địa phương được đánh giá làm tốt và đi đầu trong chuyển đổi mô hình chợ trên toàn tỉnh. Trưởng phòng Kinh tế TX Hương Thủy ông Dương Văn Chính cho rằng, ban đầu, qua các phiên họp bàn chủ trương chuyển đổi chợ, nhiều tiểu thương rất băn khoăn, lo lắng về mức thu sẽ tăng khi giao cho doanh nghiệp (DN) hoặc hợp tác xã (HTX) quản lý; khi chợ hư hỏng, xuống cấp, hoặc khi DN làm ăn thua lỗ, phá sản sẽ gây khó khăn cho việc buôn bán và thiệt thòi cho tiểu thương; hoặc khi UBND xã, phường không còn quản lý, các hộ kinh doanh không yên tâm về vấn đề an ninh trật tự… Tuy nhiên, sau nhiều đợt tuyên truyền, trả lời rõ ràng, hầu hết các tiểu thương đều yên tâm và về cơ bản thống nhất chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

TX. Hương Thủy xây dựng và triển khai tốt phương án chuyển đổi chợ theo từng bước. Từ việc thu thập, thống kê, định giá tài sản, lấy ý kiến của đơn vị quản lý cũ, đơn vị tiếp nhận mới, tiểu thương… để xây dựng phương án phù hợp với thực trạng từng chợ đến việc tổ chức bàn giao cho đơn vị mới để tiếp tục quản lý hoạt động của chợ đều được thực hiện đúng quy trình, minh bạch.

Theo đánh giá của ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong quá trình chuyển đổi chợ, TX. Hương Thủy không phải không gặp khó khăn, vướng mắc. Việc xử lý tài sản của Nhà nước đã đầu tư từ trước, việc giao đất cho thuê đất, đổi mới, kiện toàn về mặt tổ chức…, rất nhiều việc cần xử lý. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có những giải pháp xử lý kịp thời. Đơn cử như tài sản giao cho DN quản lý, địa phương ưu tiên kéo giãn thời gian hoàn trả vốn chứ không yêu cầu nộp ngay. Hay việc bố trí, sắp xếp, giải quyết lao động dôi dư, nhờ các HTX tiếp nhận linh động mở thêm các dịch vụ và tăng cường các biện pháp quản lý ở chợ, nên số lao động này đều được bố trí…

Theo Sở Công thương, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ phải được tiến hành khẩn trương, nhưng thận trọng, từng bước vững chắc, đảm bảo hoạt động bình thường của các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ. trên cơ sở chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm từ địa phương làm tốt như TX. Hương Thủy để nhân rộng.

Chợ Phú Bài (TX Hương Thủy) sau chuyển đổi với điều kiện hoạt động kinh doanh, quản lý hiện đại. Ảnh: Đồng Văn

Theo kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, ngoài các chợ đã chuyển đổi, trên 50% số chợ có điều kiện (chợ xây dựng kiên cố, có 70 hộ kinh doanh trở lên) được tổ chức quản lý, kinh doanh theo mô hình DN, HTX.Theo ông Phan Hùng Sơn, do còn rất nhiều chợ ở vùng sâu, vùng xa, nên theo lộ trình chắc chắn rất khó để chuyển đổi hết. Sở Công thương sẽ chỉ đạo kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các ban quản lý (tổ quản lý) đối với toàn bộ chợ ở vùng khó khăn, chợ chưa có điều kiện chuyển đổi mô hình quản lý.

Năm 2016, có 7 địa phương thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý 10 chợ. Đến nay, có 2 chợ: Thủy Tân và Lương Văn (TX. Hương Thủy) đã hoàn thành và bàn giao cho các HTX Nông nghiệp địa phương tiếp nhận, quản lý; 7 chợ đang triển khai: Thông, Tuần, Hương Hồ, Trung tâm thương mại Quảng Điền, Phú Đa, Nước Ngọt, Nong và 1 chợ chưa triển khai là Phò Trạch. Ngoài các chợ đã và đang chuyển đối, đến nay, chỉ mới có 13/157 chợ phê duyệt nội quy chợ, gồm các chợ: đầu mối Phú Hậu, Đông Ba, An Cựu (TP. Huế); Phú Bài (TX. Hương Thủy), Phò Trạch, Ưu Điềm, An Lỗ (huyện Phong Điền); Quảng Thọ, Trung tâm Thương mại Quảng Điền (huyện Quảng Điền); Cầu Hai, Nong (huyện Phú Lộc), Khe Tre (huyện Nam Đông); A Lưới (huyện A Lưới).

một số địa phương chậm chuyển mổi mô hình quản lý chợ là do còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cả về cơ chế pháp lý lẫn tài chính, chưa có hướng dẫn về thủ tục giao đất, thu tiền thuê đất, thu hồi vốn, tài sản ngân sách, xử lý công nợ; thiếu nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ, đầu tư trang thiết bị PCCC, vệ sinh môi trường, xây dựng phương án chuyển đổi; chưa có chính sách cụ thể để thu hút nhà đầu tư tiếp nhận quản lý chợ; tác động của Luật phí và lệ phí có hiệu lực vào tháng 1/2017.

Theo ý kiến của một số địa phương, phương thức đầu tư chợ qua các thời kỳ khác nhau, nên việc chọn nhà đầu tư để chuyển đổi rất khó. Nhà nước nên có cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, vì nếu không có nhà đầu tư đến thì địa phương buộc lòng phải “xin” ngân sách, dẫn đến tình trạng nhiều chợ bị bỏ bê. Đó cũng là lý do kế hoạch chuyển đổi mô hình chợ đã triển khai từ cuối năm 2011, nhưng đến nay, mới chỉ có 13 chợ được chuyển đổi.

Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 37 chợ tại 8 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện A Lưới). Trong đó, năm 2016 chuyển đổi 10 chợ, năm 2017 chuyển đổi 6 chợ, năm 2018 chuyển đổi 8 chợ, năm 2019 chuyển đổi 7 chợ và năm 2020 chuyển đổi 6 chợ.

HOÀI THƯƠNG

Theo BaoThuaThienHue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 4.065
Chung nhan Tin Nhiem Mang