Tạo sức hút đầu tư
Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua hơn 4 năm thực hiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND), ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 63.262 triệu đồng để đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào cho các dự án; 10 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ bồi thường, tái định cư. Sự hỗ trợ này đã giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng dự án trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có một số tồn tại như nhiều dự án trong danh mục 81 dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015 - 2016, định hướng đến năm 2020 chưa được đưa vào danh mục dự án hỗ trợ đầu tư; chưa có hỗ trợ cho doanh nghiệp CNTT, hỗ trợ về môi giới đầu tư và mức trần hỗ trợ công trình đầu mối nhà máy xử lý nước thải...
Theo đó, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư lần này sẽ áp dụng cụ thể đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung vào các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư được UBND tỉnh ban hành hàng năm và theo từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các dự án thuộc danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh được hỗ trợ công trình giao thông ngoài hàng rào; đối với một số hạ tầng trong hàng rào, tỉnh sẽ xem xét mức hỗ trợ phù hợp tùy theo tính chất, quy mô của dự án.
Đáng chú ý là các dự án thuộc danh mục ưu tiên kêu gọi đầu đầu tư hàng năm được tỉnh hỗ trợ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án, riêng đối với các dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN được hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/dự án. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, CCN được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư cụm công trình đầu mối nhà máy xử lý nước thải, nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng. Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, CCN; các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được hỗ trợ 100% kinh phí để rà phá bom mìn, vật nổ. Ngoài ra còn được hỗ trợ đào tạo đối với việc tuyển dụng người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh. Bổ sung quy định hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và quy định mức khen thưởng đối với hoạt động môi giới đầu tư với mức từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các dự án có vốn đầu tư từ 5 triệu USD trở lên.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và thảo luận của các đại biểu thì ngoài các chính sách ưu đãi, Tỉnh cần phải có những giải pháp hữu hiệu để tập trung giải phóng mặt để thu hút các nhà đầu tư; thủ tục đầu tư cần thông thoáng hơn nữa và tăng cường hỗ trợ năng lực cho các nhà đầu tư. Đồng thời, cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung các dự án đang được tỉnh kêu gọi đầu tư (danh mục 81 dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015-2016 và định hướng đến năm 2020) vào danh mục ưu tiên đầu tư để được hỗ trợ theo chính sách mới nhằm thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng cần nghiên cứu các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao để kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực có nhiều tiềm năng này; thường xuyên kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư công, bổ sung thêm nguồn lực xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KKT, KCN, CCN nhằm tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, du lịch và các lĩnh vực khác. Quan tâm phát triển nhân lực cho ngành du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các dự án du lịch, dịch vụ lớn đang và sắp triển khai trên địa bàn tỉnh. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách của các nhà đầu tư, nếu doanh nghiệp nhận ưu đãi mà không làm đúng thì kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Các đại biểu, biểu quyết thông qua các Nghị quyết
Quy định mức thu nhiều loại phí, lệ phí
Liên quan đến các mức thu phí một số dịch vụ công trên địa bàn tỉnh, đa số các đại biểu đều tán thành về quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần có sự bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; một số phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường và cần thêm đối tượng miễn, giảm các loại phí, lệ phí trong khai thác sử dụng tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh.
Về phí thư viện và tham quan các công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn tỉnh, các đại biểu cho rằng, việc quy định giá vé tham quan ở hai điểm nghệ thuật là Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị dọc tuyến đường Lê Lợi như dự thảo Nghị quyết đưa ra là phù hợp, nhưng cần nêu rõ khoản thu, chi hàng năm cho hoạt động văn hóa là bao nhiêu để có sự so sánh. Các đại biểu cũng thống nhất cao theo tờ trình của UBND tỉnh đề xuất miễn phí cho trẻ em tham quan tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế và miễn phí thư viện cho trẻ em dưới 16 tuổi (theo quy định của Luật phí, lệ phí năm 2015 và Luật trẻ em năm 2016) để hỗ trợ các em đến Bảo tàng tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc và khuyến khích, tạo điều kiện phát triển văn hóa đọc sách cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, các Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đã kịp thời thể chế hóa về mặt nhà nước các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, tạo cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Để thực hiện thành công các quyết sách HĐND tỉnh đã quyết định, đề nghị UBND tỉnh nhanh chóng cụ thể hóa các Nghị quyết HĐND tỉnh vừa thông qua để triển khai thực hiện; Thường trực HĐND và các Ban, các Đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường các hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, để các nghị quyết này sớm đi vào cuộc sống.
Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn