Tạo điều kiện liên kết phát triển
Thời gian qua, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đã nhận được nhiều sự giúp đỡ kịp thời, thiết thực của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành. Đặc biệt, năm 2017 là năm thứ 2 tỉnh thực hiện “Năm doanh nghiệp” với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhằm huy động cao nhất các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần đó, buổi đối thoại “Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp” do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nhằm giúp các DN nắm bắt định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo, tạo không khí thân thiện, cởi mở để các DN thẳng thắn đề xuất, hiến kế cho lãnh đạo tỉnh trong quá trình hoạch định chính sách và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tại buổi đối thoại, với hình thức là sau khi nhận được từ 3 đến 5 ý kiến của DN, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao sẽ giải đáp và cho chủ trương để tránh trùng lặp và tạo điều kiện cho nhiều DN được tham gia ý kiến đề xuất, hiến kế cho tỉnh đã tạo nên buổi đối thoại sôi động và luôn nhận được sự vỗ tay hưởng ứng của cộng đồng DN.
Tại buổi đối thoại, lĩnh vực du lịch - dịch vụ đã được cộng đồng DN quan tâm và đề xuất nhiều ý kiến, các ý kiến cho rằng, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã hình thành, phát triển các mô hình liên kết giữa du lịch và tiêu thụ sản phẩm truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ, bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, việc liên kết giữa du lịch với tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên địa bàn mới chỉ ở vài sản phẩm và ở một số DN với nhau, theo bà Nguyễn Lan Vy - Tổng giám đốc Công ty CP VKSTART thì tỷ lệ hàng hóa được tiêu thụ qua liên kết giữa tham quan du lịch - mua bán sản phẩm truyền thống còn thấp, chưa phát triển sâu rộng, kết quả đạt được vẫn chưa cao.
Về đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ, ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Công ty Huế của ta cho hay, cần phải thay đổi sản phẩm du dịch trên sông Hương bằng đóng tàu du lịch lớn có phòng ngủ trên tàu cho du khách; đồng tình về chủ trương xã hội hóa các hoạt động về đêm và việc đầu tư nhà vệ sinh cộng đồng tại thành phố Huế, ông Ân cho rằng Tỉnh nên giao cho doanh nghiệp đầu tư nhưng phải cho phép thu phí. Bà Tuyết Hồng - Giám đốc Công ty mỹ nghệ Thái Dương, mong muốn phát triển nghề mỹ nghệ truyền thống Huế và hình thành Trung tâm mua sắm các sản phẩm truyền thống Huế để bán tơ lụa truyền thống kết hợp “Show áo dài Huế” nhằm kéo dài thời gian của du khách tới Huế...
Qua nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao rất ủng hộ việc gắn kết giữa du lịch với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm truyền thống Huế; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào một số sản phẩm chủ lực của từng địa phương, từng vùng, tạo ra các sản phẩm mang tính hàng hóa cao; huy động các nguồn vốn hỗ trợ cho DN trong sản xuất, kinh doanh; nhất là làm tốt công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Huế vừa mới có sản phẩm Trà Vả, và xu thế hiện nay đang phát triển các sản phẩm chức năng, vì thế việc phát triển sản phẩm Trà Vả tỉnh rất hoan nghênh, giao Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ cho DN về việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ, cần thiết có thể thực hiện đề tài nghiên cứu cấp tỉnh”.
Ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Công ty Huế của ta nêu ý kiến tại buổi đối thoại
Ưu đãi, thu hút đầu tư
Trả lời các câu hỏi của DN đề cập về giải pháp nâng cao hiệu quả và cải thiện môi trường thu hút đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao thẳng thắn khẳng định, để tạo bước phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh đã có sự thay đổi nhận thức về quan điểm, mục tiêu, nhất là tập trung chỉ đạo để thay đổi căn bản cung cách phục vụ DN của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp “xem DN là đối tượng phục vụ chứ không còn là đối tượng quản lý như trước đây”. Quan điểm của Tỉnh là đồng hành với nhà đầu tư, với DN từ khâu nghiên cứu, lập dự án đến các thủ tục đền bù, thuê đất, xây dựng, triển khai dự án; cùng DN tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng dự án và thu hút các nhà đầu tư phụ trợ phục vụ cho các dự án đang hoạt động.
Với tinh thần đó, tại buổi đối thoại, rất nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động DN đã được Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Cao giải đáp một cách cụ thể, nhất là việc đồng tình và ủng hộ nhiều ý tưởng đầu tư, phát triển của doanh nghiệp như phát triển các điểm bán hàng tự động trên địa bàn thành phố Huế, cần thay thế thuyền rồng như hiện nay để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên sông Hương và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật theo hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Nhiều ý tưởng đã được Chủ tịch UBND đồng ý ngay tại buổi đối thoại, đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ngành xem xét, triển khai theo từng lĩnh vực thuộc ngành quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trước mắt khuyến khích các đơn vị có đủ năng lực tham gia thực hiện chuỗi liên kết với tư cách như là một doanh nghiệp vừa cung ứng các dịch vụ du lịch vừa tổ chức tiêu thụ sản phẩm… Ngay cả việc phát triển xe điện phục vụ du lịch xanh, tỉnh đã cho thí điểm mở rộng một số tuyến phố, đồng thời hoan nghênh các DN đưa ra nhiều sản phẩm mới về du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch bằng xe đạp tập thể. Hiện nay, Tỉnh đang nghiên cứu để khai thác một số vị trí ở phía Bắc sông Hương nhằm tạo sự sôi động thương mại dịch vụ và du lịch, trong đó tuyến đường Trần Hưng Đạo sẽ xem xét để tạo điểm nhấn phát triển ở bên bờ Bắc sông Hương.
Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Cao cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cần bám sát xu hướng và nắm bắt cơ hội để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là cần phải quyết tâm hơn và “xông pha” nhiều hơn để phát triển, góp phần đưa các chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh đi vào hiện thực cuộc sống và đạt hiệu quả cao.
Có thể nói, với tinh thần “cầu thị”, “lắng nghe”, buổi đối thoại thực sự đã tạo niềm tin, sự gần gũi, thân thiện, sát cánh và đồng hành cùng với DN của lãnh đạo tỉnh, tạo nguồn cảm hứng cho DN mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi đối thoại
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, hiện các cấp, ngành và địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trên địa bàn như triển khai Đề án Khu công nghiệp hỗ trợ dệt may; thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo mô hình hợp lý gắn với xã hội hoá các dịch vụ công; xã hội hoá việc đầu tư, khai thác, phát triển dịch vụ ở Cung An Định, Điện Hòn Chén, Đề án Đô thị Di sản; nâng cấp và xây dựng phương án hoạt động chợ Đông Ba…Đẩy nhanh tiến độ các đề án, dự án như hình thành một số nhà trưng bày, bảo tàng dọc tuyến đường Lê Lợi, thành phố Huế; quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương; đề án quảng bá du lịch Thừa Thiên Huế; đề án phát triển du lịch kết hợp khám, chữa bệnh; du lịch tâm linh; hình thành phố đêm đi bộ; trung tâm ẩm thực, mua sắm…
Ngoài ra, để hỗ trợ các DN về kết cấu hạ tầng, Tỉnh cũng đã đẩy nhanh và hoàn thành các công trình, dự án như đường La Sơn - Nam Đông, nâng cấp tỉnh lộ 10A, cửa ngõ phía Bắc; dự án nút giao thông giữa đường tránh phía Tây thành phố Huế với quốc lộ 1A tại thị xã Hương Thủy; đôn đốc tiến độ các dự án bến số 2, số 3 cảng Chân Mây; triển khai chủ trương nâng cấp ga hành khách sân bay quốc tế Phú Bài để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Cổng TTĐT Tỉnh - ThuaThienHue.gov.vn