Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nhiều đổi mới, khác và lạ tại Festival Huế lần thứ X
Ngày cập nhật 16/04/2018

Festival Huế lần thứ X với chủ đề: “Di sản văn hóa, hội nhập và phát triển, Huế 1 điểm đến 5 di sản” sẽ chính thức diễn ra tại thành phố Huế từ ngày 27/4/2018 đến ngày 2/5/2018. Ngoài một số hoạt động được xem là truyền thống trong các kỳ trước như Lễ khai mạc, Lễ Tế Giao, Lễ bế mạc… thì năm nay sẽ còn nhiều cái mới, khác và lạ được Ban tổ chức (BTC) dày công chuẩn bị, hứa hẹn tạo nên nhiều bất ngờ và sẽ hấp dẫn du khách khi tham gia vào Festival Huế 2018 lần này.

Rút gọn thời gian để chú trọng vào chất lượng

Nhằm tạo ra cái mới lạ để tránh sự nhàm chán của nhiều người dân địa phương và du khách khi mà Festival Huế đã trải qua 9 kỳ tổ chức, BTC Festival Huế năm nay luôn tìm cách đổi mới để tạo ra tính hấp dẫn cho Festival. Từ khi có chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về tổ chức Festival Huế 2018, BTC đã luôn nỗ lực tìm tòi chất liệu mới hấp dẫn, lắng nghe ý kiến và tìm giải pháp thích hợp để Festival luôn giữ vững chất lượng. Trong các kỳ Festival gần đây, thay vì kéo dài thời gian và có nhiều đoàn nghệ sỹ tham gia thì BTC đã chủ động rút gọn thời gian và chú trọng vào chất lượng nghệ thuật hơn số lượng đoàn nghệ sỹ. Về thời gian tổ chức Festival thì trong 02 kỳ đầu tiên, Festival được tổ chức trong 12 ngày, chia làm 4 tour, mỗi tour 3 ngày. Đến Festival 2004, thời gian được rút lại còn 03 tour kéo dài trong 9 ngày, khai mạc vào thứ 7, bế mạc vào chủ nhật để có 2 kỳ nghỉ cuối tuần tạo thuận lợi cho du khách tham dự. Từ năm 2016 và đến năm nay, Festival Huế được điều chỉnh tổ chức gọn trong dịp lễ 30 tháng 4 - mồng 1 tháng 5 và kéo dài 06 ngày. Tuy thời lượng được rút ngắn, nhưng thống kê về số lượng khách du lịch và khán giả vẫn tăng. Song song với việc rút gọn thời gian, BTC cũng chủ trương nâng tầm chất lượng các chương trình nghệ thuật, tinh gọn số đoàn, không dàn trải, chạy theo số lượng để mỗi chương trình đều mang lại sự thích thú và gây ấn tượng cho người dân và du khách.

Nhiều chương trình được chọn lọc và dàn dựng mới

Theo ông Huỳnh Tiến Đạt - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế - Phó Trưởng ban thường trực BTC Festival Huế 2018 cho biết, về mặt kết cấu, cho đến nay BTC vẫn xây dựng các chương trình IN và OFF theo công nghệ tổ chức của các festival trên thế giới, được phía Pháp chuyển giao. Về mặt nội dung, hầu hết các chương trình đều được chọn lọc và dàn dựng mới, tiêu biểu và được xem là điểm nhấn trong Festival Huế lần này là Chương trình “Văn hiến kinh kỳ”. Đây là chương trình tôn vinh những giá trị của 5 di sản văn hóa thế giới. “Văn hiến kinh kỳ” là một show diễn sân khấu hóa được kết hợp giữa nhiều yếu tố: hát múa, diễn xướng, hoạt cảnh, ngâm thơ, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, kỹ xảo màn hình led, hiệu ứng ánh sáng, khói màu, pháo hoa kỹ thuật cũng nhiều yếu tố cộng hưởng trong nghệ thuật sân khấu khác... Chương trình này do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện và được kỳ vọng sau Festival sẽ trở thành sản phẩm phục vụ du khách tham quan Đại Nội về đêm.

Chương trình nghệ thuật "Văn hiến kinh kỳ" được xem là điểm nhấn của Festival Huế 2018

Khác với các kỳ Festival trước, Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hoá” năm nay quy tụ đông đảo các đoàn nghệ thuật, đồng thời, mở rộng không gian biểu diễn trên nhiều tuyến đường, vào tất cả các buổi chiều trong thời gian Festival, tạo nên không khí lễ hội tưng bừng trên khắp địa bàn thành phố. “Sắc màu văn hóa” tiếp tục là sự kiện văn hoá điểm nhấn, tạo nên không khí tưng bừng của sự đa dạng sắc màu, phô diễn tính phong phú của âm nhạc, vũ điệu các vùng văn hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy giao lưu giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Lễ hội đường phố năm nay có sự tham gia của 14 đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, phạm vi không còn giới hạn vào các nước thuộc diễn đàn FEALAC mà mở rộng ra tất cả các nước. Nếu như năm 2016, lễ hội đường phố chỉ diễn ra 2 ngày, thì năm nay lễ hội đường phố sẽ diễn ra vào tất cả các buổi chiều từ 28/4 đến 01/5 bắt đầu vào lúc 16h00 -17h30. Để tạo điều kiện cho đông đảo quần chúng tham gia vào lễ hội sôi động này, BTC sẽ sắp xếp thêm lộ trình mới qua các tuyến đường trung tâm ở cả 2 khu vực Nam và Bắc sông Hương.

Cùng với các chương trình được đầu tư dàn dựng công phu, thì BTC cũng tạo điều kiện tối đa cho các chương trình xã hội hóa, nhằm làm phong phú thêm các hoạt động. Nổi bật là chương trình “Âm nhạc Trịnh Công Sơn” với chủ đề “Nguồn cội” quy tụ những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng. Chương trình sẽ diễn ra tại Công viên Phu Văn Lâu vào 19h00 ngày 28/4. “Nguồn cội” giới thiệu đến khán giả là quê hương, thân phận, tình yêu với phố, ru, ca khúc Da vàng, nhạc thiếu nhi, trường ca với 13 đoản khúc và sẽ được tóm gọn đầy đủ nhất trong một chữ “Thiền”. Chương trình có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước. Bên cạnh đó, Chương trình nghệ thuật “Âm Vọng sông Hương” diễn ra tối ngày 29/4 là chương trình nghệ thuật đầu tiên trong suốt 10 kỳ Festival được thực hiện trên một sân khấu chìm trên sông Hương với quy mô lớn nhất. “Âm vọng sông Hương” như bức tranh thủy mặc về cảnh quan sông nước, về chân dung, về một góc làng chài nhỏ, một cây đa, giếng nước, sân đình cùng với tình yêu, cuộc sống, lao động chài lưới của người dân Huế. Đây là chương trình để dành tặng cho Huế, dành tặng cho những ai yêu Huế, dành tặng cho một vùng đất xứng đáng để tôn vinh, để tri ân, để tự hào. Đặc biệt, đây cũng là chương trình mà người dân xứ Huế tham gia đông đảo nhất bằng chính cuộc sống tình cảm và công việc của họ.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh quảng bá Ẩm thực Huế, hướng tới việc xây dựng Huế trở thành “Kinh đô ẩm thực”, nhiều hoạt động liên quan đến ẩm thực cũng sẽ được đưa vào chương trình Liên hoan ẩm thực quốc tế Huế 2018; Không gian ẩm thực chay “Môi trường hiền thiện – Cuộc sống hạnh phúc”; Bên cạnh đó, Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ẩm thực Cung đình – Dân gian Huế”, hay hoạt động trưng bày và trải nghiệm 100 món ăn cung đình và dân dã… cũng sẽ có mặt trong Festival Huế lần này.

Ngoài ra, trong Festival năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chứ Liên hoan “Hát văn và hát Chầu văn toàn quốc”, diễn ra vào các ngày từ 26 - 29/4/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh. Còn Chương trình “Tỏa sáng niềm tin” là chương trình nghệ thuật âm nhạc và múa Phật giáo kết hợp nghi lễ thả đèn hoa đăng, cầu quốc thái dân an sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 01/5/2018 hứa hẹn sẽ tạo dấu ấn tốt đẹp đối với du khách và công chúng Huế khi được tổ chức tại một không gian khá mới lạ đó là công viên cầu Dã Viên.

Lễ hội đường phố năm nay sẽ diến ra vào tất cả các buổi chiều trong thời gian Festival

Nhiều đoàn nghệ thuật đẳng cấp thế giới sẽ tham gia

Festival năm nay có 22 đoàn nghệ thuật đến từ 19 quốc gia. Một tín hiệu vui là có khá nhiều đoàn nghệ thuật đẳng cấp thế giới sẽ tham gia biểu diễn phục vụ công chúng Huế và du khách như Ban nhạc rock Lysistrata LYSISTRATA là quán quân giải FAIR năm 2017 dành cho các ban nhạc rock toàn nước Pháp, đã ghi dấu ấn đặc biệt nơi khán giả thông qua những sự kiện âm nhạc đáng nhớ và những chuyến lưu diễn vòng quanh châu Âu; Nhóm beatbox/acapella Berywam vô địch về beatbox tại Pháp năm 2016, là đại diện ưu tú của Pháp tham gia cuộc thi beatbox thế giới vào năm 2018; Ca sỹ Noa một nghệ sĩ tài năng vào loại hiếm có trong nền nhạc pop hiện nay đến từ Israel, cô được đặt ngang tầm với Barbara Streisand, Joan Baez, Nana Mouskouri, Joni Mitchell, Elis Regina…; Ca sĩ Deni Hines một giọng ca được ví như “được gửi đến từ thiên đàng” nhiều lần nhận được đề cử của Hiệp hội thu âm Australia (ARIA) như giải Nữ ca sỹ xuất sắc, Bản Pop hay nhất, Album nhạc Jazz hay nhất…; Nghệ sĩ guitar flamenco lừng danh của Tây Ban Nha Daniel Casares từng biểu diễn trên nhiều sân khấu hàng đầu trên thế giới, lần đầu tiên đến Việt Nam và biểu diễn một chương trình độc nhất tại Festival Huế… Ngoài ra còn có nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế hàng đầu được cử đại diện cho các quốc gia góp mặt tại Festival Huế 2018.

Phong phú các hoạt động hưởng ứng

Ngoài thành phố Huế là trung tâm của Festival thì các huyện, thị trong tỉnh cũng sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng như Lễ hội “Hương xưa Làng cổ”từ 29/4 đến 01/5/2018, tại Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; Lễ hội “Chợ quê ngày hội”từ 28/4 đến 02/5/2018, tại Cầu Ngói Thanh Toàn, thị xã Hương Thủy; Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” từ 24 đến 26/4/2018 tại huyện Quảng Điền; Lễ hội “Thuận An Biển gọi”từ 30/4 - 02/5/2018 tại Bãi tắm Thuận An và các khu vực phụ cận.

Bên cạnh đó, các hoạt động triển lãm, trưng bày cũng sẽ được tổ chức với nhiều nội dung phong phú như các Triển lãm: “Truyện tranh Pháp ngày nay” của Vùng Nouvelle Aquitaine, Pháp; “Huế - một điểm đến 5 di sản”; “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc chỉ”; “Thái y viện triều Nguyễn qua di sản, tư liệu thế giới tại Việt Nam”; “Hương sắc gốm Bát Tràng”; Mỹ thuật Huế - Đà Nẵng - Quảng Trị. Trưng bày: Diều Huế tại Trung tâm Văn hóa Thành phố Huế; Cổ vật Phật giáo tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán; Chuyên đề “Sưu tập gốm sứ thời Lê Trịnh”; “Phong lan và Cây cảnh ba miền”; Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Festival Huế sẽ diễn ra các hoạt động thể thao như: Lễ hội đua thuyền truyền thống (7h00 ngày 02/5/2018 tại Công viên Lý Tự Trọng); Giải vô địch quần vợt đồng đội quốc gia (từ 20/4 - 26/4/2018); Giải quần vợt quốc tế Men’s Future (từ 27/4 - 28/4 tại sân quần vợt An cựu City); Thi đấu cờ người (ngày 28/4 - 29/4/2018 tại Công viên cầu Dã Viên); Giải bóng đá bãi biển mở rộng trong chương trình Lễ hội “Thuận An Biển gọi” (từ ngày 28/4 - 02/5/2018 tại Bãi biển Thuận An)…

 

Các chương trình chính tại Festival Huế 2018:

- Lễ Khai mạc: 20h00 ngày 27/4/2018 tại Quảng trường Ngọ Môn

- Lễ Tế giao: 03h00 ngày 27/4/2018 tại Đàn Nam Giao

- Chương trình nghệ thuật “Văn hiến Kinh kỳ”: 19h00 ngày 28/4 & 30/4/2018 tại Đại Nội Huế

- Yến tiệc Hoàng cung: 19h30 các ngày 27,28,29,30/4 & 1,2/5/2018 tại Duyệt Thị Đường – Đại Nội

- Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”: 15h30 các ngày 28,29,30/4 & 01/5/2018

- Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin”: 19h30 ngày 01/5/2018 tại Công viên Cầu Dã viên

- Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn: 20h00 ngày 28/4/2018 tại Phu Văn Lâu

- Chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương”: 20h05 ngày 29/4/2018 tại Ngã ba sông Gia Hội – Công viên Trịnh Công Sơn.

- Chương trình “Những tình khúc Huế”: 19h30 ngày 01/5/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh

- Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018: 26/4-29/4/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh

- Lễ Bế mạc: 20h00 ngày 02/5/2018 tại Quảng trường Ngọ Môn

Các chương trình có bán vé:

1. Chương trình Khai mạc: 200.000 đồng

2. Chương trình nghệ thuật tại Đại Nội: 100.000 đồng

3. Chương trình nghệ thuật tại Cung An Định: 50.000 đồng

4. Chương trình Văn hiến Kinh kỳ: 200.000 đồng

5. Chương trình Dạ nhạc tiệc: 1.900.000 đồng

6. Chương trình Bế mạc: 150.000 đồng

* Các chính sách giảm giá được áp dụng như sau:

1. Khách đi theo đoàn trên 15 người, có hướng dẫn viên đi kèm thì hướng dẫn viên được miễn vé xem các chương trình biểu diễn (trừ vé yến tiệc).

2. Trẻ em chiều cao dưới 1m20 thì được miễn vé (trừ vé yến tiệc).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 665
Chung nhan Tin Nhiem Mang