131 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu
Theo Báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại Hội nghị, sau khi được chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 chương, 88 điều và 6 Phụ lục. Tên gọi của dự thảo Luật được bổ sung để phù hợp với phạm vi điều chỉnh là “Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”. Trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật, cụm từ “đơn vị HCKTĐB” được gọi tắt là “đặc khu” để đảm bảo ngắn gọn, súc tích và thuận lợi cho việc thực thi.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình Quốc hội Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu gồm 108 ngành, nghề, trong đó cắt giảm 135 trên tổng số 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa nhưng các ý kiến khác băn khoăn, đề nghị giữ lại thêm một số ngành, nghề. Qua tổng hợp ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành về dự thảo Danh mục, các Bộ, ngành vẫn đề nghị giữ lại thêm 40 ngành, nghề.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, đây là vấn đề đã được Chính phủ thảo luận kỹ, nhiều lần có ý kiến chỉ đạo đối với các Bộ, ngành. Để có căn cứ tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Cơ quan soạn thảo đã thống nhất xây dựng các tiêu chí để rà soát danh mục ngành, nghề này, trên cơ sở đó phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, chỉnh lý một bước danh mục. Dự thảo Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại đặc khu sau khi được rà soát bao gồm 131 ngành, nghề, tăng 23 ngành, nghề so với Danh mục Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 4.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đặc khu bổ sung quy định “mở” về việc áp dụng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tạo cơ chế năng động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội và thử nghiệm chính sách tại từng đặc khu.
Thành lập Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu
Trong dự thảo Luật, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu được chỉnh lý bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của Hội nghị Trung ương 11 (khóa XI) và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên được Luật này phân quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc khu của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc thành lập tổ chức mới như Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu là không phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Tại dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung một số điều mới quy định về cán bộ, công chức và chế độ công vụ tại đặc khu và chỉnh lý cơ bản quy định về chính sách đối với người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại đặc khu. Theo đó, tại đặc khu, đa số đội ngũ công chức làm việc theo chế độ hợp đồng, được tuyển dụng theo vị trí việc làm trên cơ sở nguyên tắc người sử dụng lao động sẽ được trực tiếp tuyển dụng lao động, không thực hiện chế độ công chức suốt đời, không có chỉ tiêu biên chế. Đồng thời, cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tại đặc khu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quá trình triển khai thực hiện quy định này phải tính đến yếu tố kế thừa, bảo đảm sự ổn định trong hoạt động của bộ máy chính quyền đặc khu, trước mắt chỉ nên áp dụng đối với bộ phận công chức tuyển dụng mới.
Để đảm bảo hoạt động của bộ máy, chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại theo mô hình mới, dự thảo Luật bổ sung quy định về việc chuyển tiếp tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Theo đó, HĐND, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được bầu ra.
Về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và việc triển khai thi hành, do đây là một luật mới với những nội dung đặc thù, đột phá, thử nghiệm chính sách nên dự thảo Luật đã bổ sung quy định để tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai thi hành Luật, đảm bảo tính khả thi và sự kết nối giữa dự thảo Luật với các quy định khác của pháp luật hiện hành. Đồng thời, giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục và các nội dung khác để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt và các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở đặc khu quy định tại Luật này theo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện, đảm bảo cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quản lý, có thể khác với quy định có liên quan của luật khác nhưng phải phù hợp với quy định tại Luật này và không trái Hiến pháp.
Tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã đóng góp ý kiến về các vấn đề như: Có cần thiết ban hành 1 luật cho 3 đặc khu hay không, việc sử dụng cấu trúc mô hình HĐND, UBND như thế nào, các chính sách ưu đãi để tạo sự đột phá, việc bổ sung quy định về Ban Tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập, quy định ngân sách đặc khu, …
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại hội nghị để bổ sung, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để xin ý kiến trình để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5./.