Quá trình xây dựng dự toán năm 2023, Sở Tài chính lưu ý thêm một số nội dung sau:
I. Đánh giá tình hình thực hiện thu NSNN năm 2022 và xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023:
1. Đánh giá kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2022:
Thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN, quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí và các văn bản chỉ đạo, điều hành NSNN của cấp có thẩm quyền; không đánh giá vào thu NSNN các khoản thu phí đã chuyển sang giá dịch vụ theo quy định của Luật Phí và lệ phí, các khoản được khấu trừ đối với cơ quan nhà nước hoặc khoản trích lại phí thu được từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.
Căn cứ kết quả thực hiện thu NSNN 9 tháng đầu năm, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động tăng, giảm thu NSNN năm 2022; dự báo kết quả thực hiện thu NSNN năm 2022, trong đó:
- Tình hình triển khai, kết quả thực hiện các biện pháp về quản lý thu NSNN theo Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/1/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Quyết định số 3256/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh về việc giao dự toán NSNN tỉnh năm 2022;
- Các yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong từng lĩnh vực; tình hình, xu hướng phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19;
- Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu; gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình;
- Tình hình thu tiền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai;
- Tình hình thanh tra, kiểm tra và xử lý thu hồi nợ đọng thuế.
2. Xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023:
Dự toán thu NSNN năm 2023 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế và các Luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật có liên quan, diễn biến phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN.
Yêu cầu lập dự toán thu NSNN tích cực, sát thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu, phân tích đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu NSNN năm 2023 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, khoản thu, sắc thuế; tổng hợp đầy đủ các nguồn thu thuộc phạm vi thu NSNN phát sinh trên địa bàn (bao gồm cả số thu ngân sách ở xã, phường, thị trấn, các khoản thu thuế nhà thầu nước ngoài, nhà thầu trong nước khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, các khoản thuế từ các dự án mới được đưa vào sản xuất kinh doanh, các dự án hết thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp); đồng thời loại trừ các khoản theo quy định không thuộc nguồn thu cân đối NSNN, trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2022, những đặc thù của năm 2023 và số kiểm tra dự toán thu năm 2023 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.
II. Đánh giá tình hình thực hiện chi ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2022 và xây dựng dự toán năm 2023:
1. Tình hình thực hiện chi NSĐP năm 2022:
Đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi ngân sách huyện, việc thực hiện Quy định tổ chức thực hiện dự toán NSNN địa phương năm 2022 theo Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh:
a) Chi đầu tư phát triển:
- Đánh giá việc triển khai và tổ chức thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh: Tình hình giải ngân đến 30/9/2022, dự kiến khối lượng thực hiện và ước thực hiện năm 2022 (chi tiết từng dự án);
- Tình hình thực hiện dự toán chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, trong đó báo cáo kinh phí trong dự toán đầu năm, kinh phí vượt thu ngoài dự toán đầu năm dự kiến chi cho các nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, đầu tư tạo quỹ đất bán đấu giá, phục vụ tái định cư, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng của địa phương;
- Tình hình quyết toán các dự án đầu tư hoàn thành.
b) Chi thường xuyên:
Đánh giá tình hình triển khai phân bổ, giao dự toán năm 2022, thực hiện dự toán chi thường xuyên 9 tháng đầu năm, dự kiến khả năng thực hiện cả năm 2022 chi tiết theo từng lĩnh vực chi được giao, trong đó, bên cạnh việc đánh giá các nhiệm vụ chi theo dự toán, tập trung làm rõ các nhiệm vụ chi phát sinh để ứng phó với đại dịch Covid-19, phòng chống thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
- Kết quả thực hiện các nhiệm vụ bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh (chi tiết theo mục tiêu cụ thể): tình hình giải ngân đến 30/9/2022, ước thực hiện năm 2022; kinh phí chưa sử dụng còn tồn cuối năm nộp trả ngân sách tỉnh (nếu có);
- Tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn năm 2022 theo từng chính sách, có báo cáo cụ thể đối tượng, nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách (có thuyết minh cơ sở xác định, cách tính);
- Tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ, HĐND tỉnh;
Việc bố trí ngân sách (bao gồm cả số ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách huyện - nếu có) và sử dụng dự phòng NSĐP thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Tình hình sử dụng dự phòng NSĐP đến ngày 30 tháng 9 năm 2022, số dự kiến sử dụng trong 3 tháng cuối năm 2022.
2. Xây dựng dự toán chi NSĐP năm 2023
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư số 47/2022/TT-BTC ngày 29/7/2022 của Bộ Tài chính, UBND các huyện xây dựng dự toán chi cân đối NSĐP năm 2023 trên cơ sở dự toán chi ngân sách huyện năm 2022 đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao và nhu cầu tăng chi phát sinh để thực hiện các chế độ, chính sách và pháp luật có liên quan.
Trên cơ sở dự toán thu NSĐP năm 2023, dự toán chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên ngân sách huyện năm 2023 được xác định như nói trên, Sở Tài chính sẽ xác định lại số bổ sung ngân sách các huyện năm 2023 trình UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh quyết định.
Trường hợp Trung ương thay đổi tỷ lệ (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng cho giai đoạn 2023-2025 và số bổ sung cân đối năm 2023, Sở Tài chính sẽ báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xác định lại tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa các cấp chính quyền địa phương để áp dụng từ năm 2023.
a) Dự toán chi đầu tư phát triển:
Căn cứ quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, và các văn pháp luật có liên quan, xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của địa phương:
- Dự toán chi đầu tư từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung trong nước của ngân sách tỉnh phân cấp cho ngân sách thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà theo Nghị quyết số 34/2021/NQ-HDND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh; vốn bổ sung có mục tiêu theo Nghị quyết số 05/2021/NQ-HDND ngày 26/4/2021 của HĐND tỉnh về quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSĐP giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất theo quy định; ưu tiên bố trí để giải phóng mặt bằng, đầu tư tạo quỹ đất bán đấu giá, phục vụ tái định cư sau đó mới bố trí các nhiệm vụ đầu tư phát triển khác.
b) Dự toán chi thường xuyên:
Dự toán chi NSĐP được xây dựng căn cứ các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021-2025 theo các Nghị quyết của Đảng, HĐND các cấp; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSĐP năm 2021 theo Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.
- Xây dựng dự toán chi ngân sách huyện chi tiết theo từng lĩnh vực chi theo quy định của Luật NSNN, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các dự án, nhiệm vụ đã cam kết, chế độ chính sách chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, các chính sách cho người dân; các đề án, nhiệm vụ theo phê duyệt của cấp thẩm quyền.
Bên cạnh việc tiếp tục tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, thực hiện tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên NSNN so với dự toán năm 2022 của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự toán (trừ các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi có tính chất lương, các khoản chi cho con người theo chế độ) để dành nguồn tăng chi ĐTPT và các nhiệm vụ cấp bách khác thuộc trách nhiệm chi của các cấp ngân sách theo phân cấp.
- Dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ năm 2023 (chi tiết theo từng chính sách, chế độ và thuyết minh cơ sở xác định, cách tính); trong đó, kinh phí thực hiện chuẩn nghèo đa chiều theo phê duyệt của cấp thẩm quyền và Nghị quyết của Chính phủ, chi tiết đối với từng loại chuẩn nghèo đa chiều, cụ thể số đối tượng, nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội năm 2023 theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; kinh phí thực hiện chế độ chính sách an sinh xã hội do trung ương ban hành và có hiệu lực thi hành sau ngày 01 tháng 9 năm 2021.
c) Dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho NS cấp huyện:
- Dự toán kinh phí mục tiêu sự nghiệp do Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương; các nhiệm vụ chi do HĐND, UBND tỉnh ban hành chưa được dự toán trong định mức các lĩnh vực chi;
- Dự toán chi hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ, nhu cầu vốn cho công tác nâng cấp, sửa chữa lớn trụ sở và cơ sở hạ tầng, mua sắm, tăng cường cơ sở vật chất của các ngành, lĩnh vực.
d) Các huyện thực hiện lập dự toán chi từ nguồn thu được để lại theo quy định tại Thông tư 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ, nhưng không tổng hợp vào dự toán chi ngân sách của các địa phương năm 2023.
đ) Xây dựng dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia:
Căn cứ Luật NSNN, Luật Đầu tư công, trên cơ sở các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, quy định phân công, phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 39/2022/QĐ-UBND ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn triển khai, số kiểm tra được thông báo, khả năng thực hiện năm 2022, UBND các huyện xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2023, chi tiết nhiệm vụ chi ĐTPT, chi thường xuyên theo từng lĩnh vực chi, nguồn NSTW, NS tỉnh, NS huyện, nguồn lồng ghép các chương trình, đề án khác, các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có) gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chủ quản chương trình cùng báo cáo dự toán NSNN năm 2023.
3. Về số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách huyện năm 2023:
Căn cứ khả năng thu NSNN năm 2022 và số dự kiến giao thu ngân sách năm 2023, UBND các huyện xây dựng và thảo luận dự toán thu ngân sách nhà nước với Cục Thuế tỉnh. Riêng đối với khoản thu tại xã, thu khác ngân sách, thu phí lệ phí, đề nghị UBND các huyện có báo cáo đánh giá, phân tích chi tiết từng nội dung cụ thể dựa trên số thực hiện các năm 2020, 2021, ước thực hiện năm 2022; Trường hợp huyện xây dựng dự toán thu có thay đổi so với số dự kiến giao thu năm 2023, đề nghị UBND huyện có báo cáo thuyết minh các khoản thu này gửi Sở Tài chính để làm cơ sở xem xét, giao dự toán năm 2023. Về số liệu chi tiết, Sở Tài chính sẽ có thông báo sau.
III. Về hệ thống biểu mẫu lập dự toán:
Dự toán được lập theo hệ thống biểu mẫu đính kèm công văn này (file điện tử được cập nhật trên Website của Sở Tài chính).
IV. Tổ chức thực hiện:
Sở Tài chính đề nghị UBND các huyện chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch phối hợp với Chi cục thuế và các đơn vị liên quan lập, tổng hợp dự toán của ngân sách cấp mình gửi Sở Tài chính trước ngày 20 tháng 9 năm 2022.
Sở Tài chính hướng dẫn để UBND các huyện biết, thực hiện./.