Đó là quan điểm của TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Tp.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, đại biểu Quốc hội Tp.HCM, khi Thủ tướng vừa đề nghị Quốc hội phê chuẩn các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới.
“Tôi mong muốn trong phát biểu nhậm chức của Thủ tướng, Chính phủ sẽ cam kết với dân là dứt khoát chúng ta phải kiểm soát được lạm phát”, ông Ngân nói, trong cuộc trao đổi với VnEconomy:
- Sau nửa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ cần xem xét xem bộ máy mới của Chính phủ có hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát mà Quốc hội đã đặt ra và nhân dân đang đòi hỏi hay không.
Vì lạm phát kéo dài 5 năm rồi, năm 2007 là trên 12%, 2008 là gần 20%, 2009 khi toàn bộ kinh tế thế giới suy thoái, giá cả âm thì lạm phát ở Việt Nam vẫn lên đến 6,5% và 2010 là 11,75%.
Còn 2011 sẽ lên đến 18 - 20%, tức là lạm phát đã kéo dài 5 năm của cả nhiệm kỳ, do đó đời sống của dân quả thật vô cùng khó khăn. Chúng tôi đi tiếp xúc, cử tri rất bức xúc, nói rất nhiều về vấn đề này.
Vậy còn năm nay, ông nghĩ sao về mục tiêu kiềm chế lạm phát được nới dần từ 7% (theo nghị quyết của Quốc hội) lên 15 -17% tại báo cáo của Chính phủ trong kỳ họp này?
Chính phủ đã kiểm điểm khá nghiêm túc là công tác dự báo còn kém, nhưng theo tôi dùng từ còn kém thì nhẹ quá. Khi một dự báo chỉ có 7% theo chỉ tiêu mà con số cuối năm lên tới 18% đến 20%, tức là bằng năm 2008.
Cá nhân ông mong muốn Chính phủ sẽ cam kết kiềm chế lạm phát như thế nào?
Việc cam kết không phải chỉ cho năm 2011 mà phải cam kết dài hạn, tức là sẽ phải kiểm soát được lạm phát từ 2012, 2013, 2014, 2015 theo hướng giảm dần, đưa lạm phát của Việt Nam nằm trong phạm vi lạm phát chung của thế giới, hay nói cách khác là trong khu vực, khoảng 4%. Còn hiện nay nước mình đang được xếp vào nước lạm phát cao hàng đầu thế giới.
Vì thế, ngay trong bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng sáng 3/8, tôi mong muốn Chính phủ cam kết với dân là dứt khoát chúng ta sẽ kiểm soát được lạm phát.
Cũng như Thủ tướng đã thông báo vào ngày 24/2 vừa rồi theo tinh thần Nghị quyết 11 là Chính phủ dứt khoát kiểm soát được thị trường ngoại tệ và đã kéo được tỷ giá USD/VND từ 22.500 VND xuống 20.600 VND. Như vậy ở đây thể hiện cả quyết tâm chính trị và bản lĩnh.
Với ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cũng đã giảm mục tiêu tăng trưởng xuống 6% so với chỉ tiêu Quốc hội đưa ra là 7 -7,5%. Nhưng lạm phát vẫn đang là vấn đề phức tạp, theo ông là vì sao?
Nền kinh tế Việt Nam mình tăng trưởng là chuyện bình thường vì tài nguyên thiên nhiên có, năng lực có, nhưng tăng trưởng thế nào để đảm bảo bền vững mà không làm tổn thương đến môi trường và tài nguyên của đất nước mới là điều quan trọng.
Tăng trưởng vẫn cần đảm bảo ở mức 6% nhưng ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đó là nhiệm vụ mà Chính phủ phải làm ngay.
Tuy nhiên, để giải bài toán lạm phát cần có lộ trình, và phải đi vào căn cơ căn bệnh lạm phát của Việt Nam. Cụ thể là đi vào hệ thống phân phối, vào chuỗi bán lẻ và giải quyết các chi phí bất hợp lý từ khâu sản xuất đến tiêu dùng.
Còn như hiện nay, 1 ký cà chua từ tay nông dân là 5 nghìn đồng đến tay người tiêu dùng là 15 nghìn đồng. Khâu trung gian đã bị bỏ lỏng, để tiểu thương và các nhóm lợi ích lũng đoạn giá cả. Đó là vấn đề phải giải quyết và nếu làm được tốt thì sẽ giải quyết được chỉ số giá hiện nay.
(Theo VnEconomy)