Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách: Nhiều vấn đề phát sinh.
Ngày cập nhật 17/03/2010
Ảnh minh họa

Hành lang pháp lý về việc xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) đã được xây dựng và phát huy tác dụng nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo đà phát triển kinh tế xã hội nói chung, nhiều tình huống, vấn đề mới đã nảy sinh, đòi hỏi hành lang pháp lý cũng phải tiếp tục được củng cố, hoàn thiện.

Ngăn tái diễn PMU18

Ngày 19/12/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 116/2005/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn NSNN khi dự án kết thúc.

Việc ban hành và thực hiện Thông tư này đã tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn NSNN, bao gồm cả các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn viện trợ không hoàn lại được cân đối vào NSNN khi dự án kết thúc; góp phần vào việc xử lý kịp thời tài sản được trang bị để phục vụ công tác quản lý dự án, khắc phục tình trạng cho thuê, cho mượn tài sản hoặc tự ý giữ lại tài sản để sử dụng sau khi dự án đã kết thúc như đã từng xảy ra ở nhiều dự án mà điển hình là vụ việc tại PMU18 (Bộ Giao thông vận tải).

Nhờ vậy, công tác quản lý và xử lý tài sản của các dự án kết thúc ngày càng được quan tâm. Hầu hết tài sản của các dự án khi kết thúc đều được báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý kịp thời theo chế độ. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã có sự xem xét, cân nhắc việc trang bị tài sản cho các dự án mới một cách phù hợp trên cơ sở cân đối giữa các dự án đã, đang và sẽ thực hiện.

Cần theo kịp thực tiễn

Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, thực tế đã phát sinh những vấn đề mới, đòi hỏi phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Thông tư số 116/2005/TT-BTC.

Thứ nhất, về đối tượng điều chỉnh, Thông tư số 116/2005/TT-BTC mới điều chỉnh việc quản lý và xử lý đối với các tài sản được trang cấp cho Ban Quản lý dự án để phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn Nhà nước khi dự án kết thúc, song thực tế thời gian vừa qua đã phát sinh một số loại tài sản khác tuy không trang bị cho Ban Quản lý dự án nhưng có liên quan chặt chẽ tới việc thực hiện dự án (như tài sản của các chuyên gia ODA được tạm nhập miễn thuế song sau khi dự án kết thúc chuyên gia ODA không tái xuất ra nước ngoài hoặc chuyển nhượng mà giao lại cho Chính phủ Việt Nam; tài sản là vật tư thu hồi từ việc tháo dỡ các công trình kết cấu hạ tầng cũ khi thi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng mới…). Việc quản lý và xử lý các tài sản này khi dự án kết thúc cũng cần  được quy định cụ thể.

Thứ hai, về hình thức xử lý tài sản, Thông tư số 116/2005/TT-BTC quy định tài sản của các dự án kết thúc được xử lý theo 3 hình thức: điều chuyển, bán, thanh lý. Các hình thức xử lý này phù hợp với quy định chung về xử lý tài sản Nhà nước và đặc điểm tài sản của các dự án, song Thông tư số 116/2005/TT-BTC chưa hướng dẫn cụ thể trường hợp áp dụng; vì vậy, nhiều trường hợp tài sản đã cũ nát, giá trị nhỏ các đơn vị cũng đề xuất hình thức bán đấu giá vừa phức tạp trong tổ chức thực hiện vừa tốn kém công sức và chi phí mà hiệu quả xử lý không cao.

Thứ ba, về thẩm quyền xử lý tài sản, Thông tư số 116/2005/TT-BTC quy định thẩm quyền xử lý tài sản theo quy định về thẩm quyền xử lý tài sản trong khu vực hành chính sự nghiệp tại Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước và Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay các quy định này đã được thay thế bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP… Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý tài sản Nhà nước.

Thứ tư, về tổ chức xử lý tài sản, Thông tư số 116/2005/TT-BTC quy định: sau khi có quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ban Quản lý dự án phải chuyển giao tài sản có quyết định bán, thanh lý để bán đấu giá theo quy định tại Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá. Có nghĩa là, các tài sản của dự án kết thúc có quyết định bán, thanh lý, thì Ban quản lý dự án đều phải thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá để tổ chức bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức có chức năng bán đấu giá thì Ban quản lý dự án thành lập Hội đồng để tổ chức bán đấu giá. Quy định này phù hợp với quy định về xử lý bán, thanh lý tài sản khu vực hành chính sự nghiệp trước đây. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy, đối với những  tài sản có giá trị nhỏ hoặc đã cũ, nát, nếu đều phải bán đấu giá sẽ phức tạp về thủ tục, hiệu quả lại không cao. Hiện nay, quy định về việc tổ chức bán, thanh lý tài sản khu vực hành chính sự nghiệp cũng đã có sự thay đổi; vì vậy, cần điều chỉnh lại quy định về tổ chức xử lý tài sản của các dự án kết thúc cho đồng bộ và phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, qua phản ánh của một số Bộ (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn…) thì dự án cơ sở hạ tầng theo tuyến được triển khai trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tài sản trang bị để phục vụ hoạt động của dự án được giao cho nhiều cơ quan quản lý, sử dụng, khi kết thúc dự án, Ban quản lý dự án phải đi thu hồi về để xử lý tập trung rất phức tạp, tốn kém.

Ngoài các nội dung chủ yếu nêu trên, một số quy định của Thông tư số 116/2009/TT-BTC  cũng cần được chỉnh sửa về nội dung và kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo đồng bộ và phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời đảm bảo yêu cầu thực tiễn xử lý tài sản theo hướng dẫn đẩy mạnh phân cấp và cải cách hành chính.

Nhận thức rõ những bất cập vừa nêu, Bộ Tài chính đang chuẩn bị ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 116/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 hướng dẫn việc quản lý và xử lý tài sản của các dự án sử dụng vốn NSNN nhằm đảm bảo việc xử lý tài sản của các dự án được kịp thời, đồng bộ với chế độ xử lý tài sản Nhà nước nói chung, tăng cường phân cấp xử lý tài sản.

Nội dung dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 116/2005 đang được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính để lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các ý kiến sẽ được tổng hợp vào ngày 31/3/2010.

(Theo Taichinhdientu.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 648
Chung nhan Tin Nhiem Mang