Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Sẽ thu hẹp danh mục mặt hàng Nhà nước trực tiếp quy định giá
Ngày cập nhật 06/04/2010

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ngành Giá (6/4/1965 – 6/4/2010) vừa diễn ra sáng nay, 6/4/2010, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Tiến Thoả khẳng định trong thời gian tới, ngành Giá sẽ tham mưu cho Nhà nước, Chính phủ quản lý, điều hành giá theo hướng thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tiếp tục thu hẹp danh mục mặt hàng Nhà nước trực tiếp quy định giá.

Làm rõ hơn nhiệm vụ này, Cục trưởng Nguyễn Tiến Thoả cho biết thời gian tới, Nhà nước sẽ chỉ quyết định giá đối với một số ít hàng hoá, dịch vụ độc quyền của Nhà nước; Tôn trọng quyền tự định giá, thoả thuận giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật, sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước; Tiếp tục thực hiện cơ chế xoá bỏ bao cấp qua giá đối với một số ít hàng hoá, dịch vụ còn bao cấp, giảm dần và tiến đến xoá bỏ tình trạng bù chéo trong một số loại giá hiện nay, kiểm soát độc quyền về giá đi liền với tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh; Thực hiện đúng các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế về giá.

Mặt khác, sẽ tích cực hoàn thiện môi trường pháp lý để quản lý, điều hành giá thông qua việc tham mưu xây dựng Luật Quản lý Giá thay cho Pháp lệnh Giá hiện nay, với định hướng Nhà nước điều hành giá theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật; Sử dụng các biện pháp đồng bộ, cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như lợi ích của Nhà nước.

Nhìn lại chặng đường 45 năm

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm sáng nay, Cục trưởng Nguyễn Tiến Thoả cùng các vị lãnh đạo, đại biểu đã có dịp ôn lại những chặng đường đã qua trên hành trình 45 năm phát triển và trưởng thành của ngành Giá.

Trước ngày 6/4/1965, dù chưa chính thức có ngành Vật giá song công tác quản lý giá đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đảng đã xác định rõ vai trò rất quan trọng của đòn bẩy giá cả trong nền kinh tế quốc dân: “Giá cả có một vị trí trọng yếu trong các mối liên hệ dưới mọi hình thức tiền tệ trong nền kinh tế quốc dân”.

Trong suốt thời gian dài, từ năm 1954 – 1985, hệ thống giá mang đặc trưng của có chế cấp phát, giao nộp, giá cả chỉ để phục vụ luân chuyển hàng hoá trong nội bộ kinh tế Nhà nước.

Từ năm 1986 đến nay, cơ chế quản lý và điều hành hệ thống giá được chuyển từ cơ chế giá hành chính Nhà nước sang cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, chấm dứt sự ổn định siêu thực, kéo dài của một hệ thống giá hình thành trong cơ chế kế hoạch hoá, tập trung để chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ quan.

Công cuộc cải cách giá những năm 80 – 90 của thế kỷ 20 đã trở thành mũi đột phá khẩu của cuộc cải cách tổng thể nền kinh tế, góp phần kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, kéo lạm phát từ mức 3 con số của những năm 1986 – 1990 xuống 2 con số những năm 1991 – 1995 và kéo xuống 1 con số trong khoảng 10 năm sau đó, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt tỷ lệ cao trên thế giới.

Thời gian qua, với sự tham mưu tích cực của ngành Giá, ở Việt Nam đã giảm mạnh cơ chế bao cấp qua giá (cả về diện mặt hàng và mức độ bao cấp); giảm thiểu việc can thiệp trực tiếp vào sự hình thành và vận động của giá cả, quy định giá hầu hết các loại hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế; thực hiện điều tiết chủ yếu bằng môi trường pháp lý phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan của nền kinh tế thị trường với thông lệ quốc tế và bằng các biện pháp gián tiếp thông qua việc sử dụng đồng bộ các chính sách kinh tế vĩ mô tác động vào sự hình thành, vận động của giá cả.

Tuy có được những thành công như vậy, nhưng cơ chế quản lý giá và hệ thống giá hiện nay vẫn còn một số bất cập. Đơn cử môi trường pháp lý để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá còn thiếu, chưa đồng bộ, tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá chưa được kiểm soát thích đáng. Hệ thống giá có loại còn cao hơn mức giá chung của thị trường thế giới, có loại giá hàng hoá, dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ theo mặt bằng giá thị trường. Mặt bằng giá có năm giảm thấp không hợp lý, tạo nguy cơ thiểu phát, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, có năm lại tăng quá cao, tạo áp lực lạm phát cao, tác động không thuận tới nhiều ngành sản xuất và đời sống nhân dân…

Thẳng thắn nhìn nhận những bất cập hiện tại, Cục trưởng Nguyễn Tiến Thoả cũng đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm để quản lý, điều hành giá trong cơ chế kinh tế mới.

Một là kiên trì cơ chế giá thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của thị trường, Nhà nước thực hiện việc tự can thiệp vào sự hình thành và vận động của giá cả chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế gián tiếp, đồng bộ (như hoàn thiện môi trường pháp lý, các chính sách điều hoà cung cầu hàng hoá, tài chính, tiền tệ…); hình thành đồng bộ các thị trường. Trường hợp Nhà nước còn quyết định giá, chỉ quyết định giá một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền, kiên quyết xoá bỏ việc biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp; xoá bỏ những can thiệp mang tính mệnh lệnh, hành chính nhất thời không được luật hoá. Triệt để xoá bỏ chính sách bảo hộ và chính sách bao cấp qua giá không hợp lý. Đồng thời phải có những bước đi cụ thể, tích cực đưa hệ thống giá Việt Nam hội nhập với quốc tế, phù hợp với thu nhập, sức mua và đồng tiền trong nước.

Hai là thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường giá cả, nâng cao chất lượng công tác phân tích diễn biến, dự báo cung cầu, giá cả hàng hoá, dịch vụ trên thị trường trong nước và thế giới để có những phản ứng chính sách thích hợp, chủ động tổ chức thực hiện những giải pháp bình ổn giá.

Ba là áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp tạo tác động tích cực đến mặt bằng giá như giữ vững  các cân đối vĩ mô kinh tế trong mọi tình huống, bảo đảm cung cầu hàng hoá, dịch vụ cân đối giữa các vùng, miền, giữa các thời điểm trong năm; thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động thu, chi ngân sách, tăng cường các biện pháp sử dụng vốn ngân sách Nhà nước có hiệu quả; kiềm chế nhập siêu một cách hợp lý, giữ cán cân thanh toán tổng thể trong giới hạn an toàn.

Bốn là thực hiện điều hành giá mềm dẻo, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, không ổn định cứng nhắc khi các yếu tố hình thành giá đã thay đổi, không thả nổi hoàn toàn để ngăn ngừa tính tự phát, tự điều chủnh của giá thị trường gây bất lợi cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Năm là xây dựng chiến lược toàn diện về thị trường, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá các phương thức kinh doanh. Tích cực chấn chỉnh, sắp xếp, hoàn thiện mạng lưới kinh doanh, khắc phục tình trạng mua bán vòng vèo, chồng chéo, lũng đoạn thị trường. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, trong thực hiện chính sách giá theo quy định của Nhà nước và pháp luật, chống các hiện tượng quy định giá không hợp lý, lợi dụng sự biến động của thị trường để trục lợi, các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, gian lận thương mại, tăng giá bất hợp lý làm ảnh hưởng xấu tới lợi ích của người tiêu dùng.

Sáu là đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về chính sách giá nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội đối với những chủ trương, giải pháp điều hành giá cả của Chính phủ, đồng thời để nhân dân và doanh nghiệp quen dần, có những phản ứng thích hợp với cơ chế thị trường; góp phần định hướng tiêu dùng đúng đắn, ngăn ngừa các yếu tố tâm lý đẩy giá tăng lên bất hợp lý.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh và Cục trưởng Cục Quản lý

Giá Nguyễn Tiến Thoả nhận Quyết định của Thủ tướng

công nhận Ngày truyền thống của ngành Giá. Ảnh: B.M.


Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: 7 công việc trọng tâm đối với ngành Giá

Chia vui với ngành Giá nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập và vinh dự nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 6/4 hàng năm là Ngày truyền thống của ngành Giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng đã đề nghị những cán bộ làm công tác giá thực hiện 7 công việc trọng tâm:

Thứ nhất, nhất quán tham mưu cho Bộ, Chính phủ quản lý, điều hành cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thực hiện việc quản lý sự hình thành và vận động của giá cả chủ yếu theo quy luật khách quan, can thiệp bằng các biện pháp kinh tế và đồng bộ.

Thứ hai, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý giá, trong đó tập trung nghiên cứu và xây dựng Luật Quản lý giá. Trước mắt tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Giá để đưa hoạt động quản lý giá vào nề nếp, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thứ ba, phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, phân tích và dự báo về tình hình giá cả thế giới và trong nước để chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất được những giải pháp bình ổn giá phù hợp, có tính khả thi và hiệu quả cao.

Thứ tư, chú ý áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về giá.

Thứ năm, chủ động đẩy mạnh và phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về chính sách giá của Đảng và Nhà nước.

Thứ sáu, chú trọng xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có phẩm chất đạo đức tốt; mở rộng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thứ bảy, trong năm 2010, phải kiên quyết và nhạy bén tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ để điều hành giá cả đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội giao, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững.

(eFinance Online)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 374
Chung nhan Tin Nhiem Mang