Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Những giải pháp chính để ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2011
Ngày cập nhật 26/10/2010

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XII vừa diễn ra hôm qua, 20/10/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2010 và nhiệm vụ năm 2011, trong đó nhấn mạnh tới những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để năm 2011 đạt mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010. Những giải pháp này được dư luận đánh giá là khá toàn diện, cụ thể và khả thi.

Tăng trưởng cao hơn 2010

Năm 2011, ổn định kinh tế vĩ mô được xác định là cơ sở, là điều kiện để bảo đảm phát triển bền vững với mức tăng trưởng cao hơn năm 2010. Đây cũng là một nhiệm vụ chủ yếu trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ với các trọng tâm là cải thiện cán cân thanh toán, kiểm soát lạm phát và phấn đấu giảm bội chi.

Về cải thiện cán cân thanh toán, sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tập trung vào: Đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý tốt nhập khẩu; khai thác có hiệu quả hơn các thị trường truyền thống, các thị trường đã ký hiệp định mậu dịch tự do, nhất là thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và ASEAN; chủ động phát triển các thị trường mới;

Khuyến khích chuyển dịch cơ cấu đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài theo hướng tạo ra năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu mới, ứng dụng công nghệ cao, ít tiêu hao năng lượng và ưu tiên các địa bàn có điều kiện khó khăn; tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu;

Áp dụng hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để ngăn chặn nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích, gây ô nhiễm môi trường;

Ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu và gian lận thương mại;

Triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, nhất là nguyên liệu, năng lượng nhằm giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm;

Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để góp phần giảm nhập khẩu;

Tiếp tục thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA, FDI; tăng cường giám sát và chủ động phân tích, dự báo sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII); tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, thu hút du lịch quốc tế và nguồn kiều hối.

Về kiểm soát lạm phát, sẽ kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7% trên cơ sở điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường, tăng tổng phương tiện thanh toán phù hợp với các chỉ tiêu vĩ mô, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ.

Tăng cường quản lý giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền, ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để tăng giá, nhất là giá các nguyên liệu đầu vào quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, than đi đôi với phấn đấu giảm chi phí sản xuất và khai thác, nâng cao năng suất, hạ giá thành của các sản phẩm này; đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ phù hợp. Sử dụng linh hoạt công cụ thuế để bình ổn giá xăng, dầu.

Về  bội chi, sẽ giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống mức 5,5% GDP và phấn đấu giảm xuống mức 5% vào năm 2012.

Tạo môi trường thuận lợi để phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GDP để nuôi dưỡng nguồn thu đồng thời với chống thất thu.

Tiếp tục đổi mới chính sách và cơ cấu chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chi đúng mục đích, tiết kiệm và chống lãng phí.

Giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; rà soát danh mục đầu tư của Nhà nước, tập trung vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đã đủ thủ tục đầu tư và đang là những “nút thắt” cản trở sự phát triển; đầu tư cao hơn cho nông nghiệp, nông thôn, các dự án giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm, xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Kiểm soát chặt đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, nợ công và nợ nước ngoài; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. 

 

 

** Các chỉ tiêu kinh tế năm 2011:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 7 - 7,5% so với năm 2010; GDP bình quân đầu người khoảng 1.300 USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu là 74,8 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010. Giảm nhập siêu xuống dưới 20%.

Tổng thu ngân sách nhà nước 590,5 nghìn tỷ đồng; Tổng chi ngân sách nhà nước 725,6 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5,5%.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 40% GDP.

Tăng giá tiêu dùng khoảng 7%.

 Tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Năm 2011, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường và nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh gắn với tái cấu trúc nền kinh tế; Rà soát để hoàn thiện các quy định hiện hành, bảo đảm bình đẳng về quyền và cơ hội tiếp cận các nguồn lực, nhất là đất đai, tín dụng; xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và có tính cạnh tranh cao; Cải cách mạnh thủ tục đầu tư, khắc phục tình trạng phiền hà, xử lý nghiêm tệ lạm dụng, sách nhiễu; Tiếp tục hoàn thiện và công bố quy hoạch phát triển ngành, vùng và địa phương, danh mục các lĩnh vực, địa bàn cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Xóa bỏ bao cấp và ưu đãi dưới mọi hình thức đối với doanh nghiệp nhà nước; tính đúng, tính đủ giá trị sản phẩm, từ đó, đặt doanh nghiệp Nhà nước vào môi trường kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Đặc biệt, trong năm 2011 sẽ thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào các nội dung sau: 

Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế tác có giá trị gia tăng cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô; phát triển công nghiệp hỗ trợ, chủ động hợp tác sản xuất các thiết bị công nghệ cao trong một số ngành công nghiệp mà nước ta có thế mạnh; đẩy mạnh chương trình sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm; khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tập trung thực hiện các giải pháp để tăng nhanh nguồn điện, thực hiện kiên quyết và có hiệu quả việc tiết kiệm điện cả trong sản xuất và tiêu dùng, phấn đấu bảo đảm cung ứng đủ điện cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt;

Tập trung hoàn thiện khuôn khổ chính sách, ưu tiên phát triển mạnh các dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, có hàm lượng trí tuệ, mang lại giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, logistic, cảng biển, tài chính, du lịch, phân phối, dịch vụ y tế, giáo dục;

Phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất nông sản an toàn. Khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với cơ sở giết mổ để bảo đảm phòng chống dịch bệnh. Khuyến khích mạnh trồng rừng kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả của các loại rừng; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản, khuyến khích đầu tư nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ. Đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn cho ngư dân; phát triển dịch vụ hậu cần cho nghề cá. Tăng đầu tư từ ngân sách đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn, phát triển công nghệ sinh học, công nghệ chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Xây dựng các cơ sở bảo quản, dự trữ nông sản để điều hòa cung cầu, ổn định giá cả;

Đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước vừa là một nội dung của tái cấu trúc nền kinh tế, vừa là một yếu tố quan trọng góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục bán số cổ phần nhà nước không cần nắm giữ trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Cải cách các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cả về định hướng và nội dung hoạt động, cả về quản trị doanh nghiệp và cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước. Theo đó, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ nhằm thực hiện chính sách cơ cấu và chính sách công nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá theo hướng hiện đại. Tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, nâng cao năng lực công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo dựng lợi thế cạnh tranh dài hạn để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện công khai minh bạch theo các tiêu chí hoạt động đặt ra cho từng tập đoàn và từng tổng công ty, thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc; đặt tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước vào môi trường cạnh tranh. Đây chính là giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả của tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, góp phần làm cho kinh tế nhà nước giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

(Theo taichinhdientu.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 108
Chung nhan Tin Nhiem Mang