Tại buổi làm việc, hai bên cùng phân tích, đánh giá và trao đổi về những diễn biến gần đây của nền kinh tế Việt Nam, những triển vọng và rủi ro đối với nền kinh tế, những thách thức đối với Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Nghị quyết TW3.
Theo phân tích đánh giá của IMF, trong thời gian qua việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam đã đạt được những tiến bộ; Việc tiết kiệm một phần đáng kể của vượt thu ngân sách sẽ giúp củng cố NSNN; Những nỗ lực nhằm sắp xếp lại thứ tự ưu tiên và hợp lý hoá đầu tư đã bắt đầu thu được thành quả. Tuy vậy, môi trường kinh tế vĩ mô và tài chính của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, tỷ lệ lạm phát vẫn còn ở mức khá cao đang tạo ra áp lực cho tiền đồng.
Phái đoàn công tác của IMF cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục và tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khoá, đồng thời cần củng cố kịp thời khu vực tài chính bằng các biện pháp rõ ràng. Điều đó sẽ giúp xây dựng lại các đệm ở khu vực đối ngoại, ngân sách và tài chính, những đệm này rất cần thiết trong một môi trường kinh tế toàn cầu không chắc chắn và đầy biến động. IMF đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc cắt giảm đáng kể đầu tư công, kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư kém hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án hiệu quả và thực sự cần thiết. IMF cũng cho rằng, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là việc làm cần thiết nhằm giảm rủi ro cho nền kinh tế và thực hiện các mục tiêu, triển vọng tăng trưởng trong dài hạn. Việc cắt giảm đầu tư của các DNNN vào các dự án kém hiệu quả không chỉ giúp kiểm soát lạm phát và cải thiện chất lượng tài sản có tại một số ngân hàng mà còn giảm các khoản nợ dự phòng của nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường quản trị và kỷ luật tài chính của DNNN trên một cơ sở bền vững nhằm cải thiện kết quả hoạt động của các DNNN và giảm những rủi ro đối với khu vực tài chính cũng như nền tài chính công.
Thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp đánh giá cao những phân tích và khuyến nghị chính sách của IMF cho Việt Nam, những vấn đề mà IMF đặt ra cũng chính là những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam đang đặc biệt quan tâm hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, sự tác động của kinh tế toàn cầu đang đặt Việt Nam trước những thách thức lớn hơn, cần có các giải pháp quyết liệt đồng bộ hơn. Đây là lúc Việt Nam nhìn lại con đường đi của mình, đánh giá lại quá trình phát triển của mình để điều chỉnh hướng phát triển kinh tế đất nước. Tái cấu trúc nền kinh tế trong bối cảnh đó, Việt Nam cần nhiều những ý kiến tư vấn, khuyến nghị chính sách của các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, đặc biệt là những phân tích, đánh giá và khuyến nghị của IMF.
Thứ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện các chính sách đã nêu trong Nghị quyết 11 và nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế. Vừa qua Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, thông qua Dự toán ngân sách năm 2012, bên cạnh đó, Quốc hội nhất trí với chủ trương phát triển kinh tế mà Chính phủ đặt ra. Hiện nay, Chính phủ đang giao cho các đơn vị chức năng triển khai các đề án tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó Bộ Tài chính được giao thực hiện đề án tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước.
Các vấn đề mà IMF quan tâm hiện nay đều nằm trong các đề án lớn mà Chính phủ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện. Về đầu tư công, hiện nay đang tiến hành sắp xếp lại các dự án, tổng đầu tư xã hội theo hướng giảm dần và đầu tư trong ngân sách cũng giảm dần theo lộ trình. Đối với các DNNN sẽ tiến hành tái cấu trúc lại theo hướng giảm bớt và thoái vốn đối với các lĩnh vực đầu tư không phải là thế mạnh của các doanh nghiệp đó, Bộ Tài chính đã thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện đề án đó, Thứ trưởng nêu rõ.
Về chính sách tài khoá, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện triển khai chính sách tài khoá thắt chặt bằng cách giảm bội chi và điều chỉnh cơ cấu chi. Hài hoà giữa chính sách thắt chặt tiền tệ, chính sách tài khoá và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý để đảm bảo ổn định trật tự xã hội và vấn đề việc làm cho người lao động. Quyết tâm giảm bội chi NSNN theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp khẳng định, Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu và thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả tăng trưởng. Thứ trưởng hy vọng, trong thời gian tới các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế sẽ tiếp tục có những phân tích đánh giá sát với tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, đưa ra những khuyến nghị và tư vấn về chính sách giúp cho phía Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện.
theo mof.gov.vn