Khi đất nước thống nhất, Dự trữ Nhà nước đã mua nhập kho hàng triệu tấn lương thực, nhập các loại vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn và các chủng loại hàng hóa khác có giá trị hàng ngàn tỷ đồng, góp phần tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đồng thời, ngành Dự trữ Nhà nước luôn sẵn sàng chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác của Nhà nước.
Ghi nhận thành tích của thành tích của tập thể cán bộ, công chức ngành DTNN trong 54 năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý cho các tập thể và cá nhân của ngành DTNN như: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác…
Với mục tiêu vừa là lực lượng vật chất dự phòng chiến lược của Đảng và Nhà nước góp phần cho sự nghiệp phát triển bền vững, ổn định chính trị - kinh tế - xã hội đất nước khi có những bất lợi do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa gây ra; vừa là công cụ tài chính của Nhà nước thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Do đó ngành Dự trữ Nhà nước đang tập trung vào một số nội dung trọng tâm là: Hoàn thiện tổ chức bộ máy dự trữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới từ Trung ương đến Địa phương; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có phẩm chất chính trị và năng lực công tác ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó ngành Dự trữ Nhà nước tăng cường sức mạnh DTNN về mọi mặt, từng bước tăng cường Quỹ DTNN có quy mô phù hợp (dự kiến đến năm 2020, tổng mức DTNN đạt từ 1,5% GDP trở lên) để đảm bảo thực hiện 4 chức năng chính của mình. Mặt khác, ngành Dự trữ Nhà nước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kho dự trữ nhà nước với trang thiết bị hiện đại, quy mô tập trung, đảm bảo hình thành các vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện về kinh tế, quốc phòng của vùng, lãnh thổ; nâng cao chất lượng công tác bảo quản hàng DTNN theo hướng CNH – HĐH. Hơn nữa, từng bước đổi mới kỹ thuật và đưa các giải pháp công nghệ bảo quản mới vào công tác bảo quản hàng DTNN; bảo đảm trình độ kỹ thuật, công nghệ bảo quản hàng DTNN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và ngang tầm với các nước tiên tiến. Ngành Dự trữ Nhà nước mở rộng, phát triển hợp tác quốc tế để đáp ứng yêu cầu về đổi mới trong các lĩnh vực của ngành DTNN; tiến hành cải cách hành chính, giữ vững sự đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được Chính phủ và Bộ Tài chính giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành Tài chính quốc gia vững mạnh./.
(Theo Mof.gov.vn)