Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Văn Vĩnh cảnh báo: “Trong xu thế toàn cầu hoá, các tỉnh miền Trung không thể biến mình thành những “ốc đảo cô độc” được". Theo ông Vĩnh, mỗi tỉnh phải nỗ lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội thì mới có bàn đạp hướng đến liên kết vùng để khơi thông các nguồn lực, tạo đà phát triển tao ra một cộng đồng kinh tế hùng mạnh của khu vực miền Trung.
Nghiên cứu viên cao cấp, tiến sĩ Trương Đình Hiển đề xuất: “Phải tìm một cơ chế và cách ứng xử để vượt qua rào cản về tâm lý địa phương và địa giới hành chính trên bản đồ".
Chuyên gia này cho rằng, để làm được sứ mệnh trên, đòi hỏi nhà quản lý làm việc với tinh thần của một người lính trên mặt trận phát triển kinh tế, xã hội. Nếu các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ứng xử và hợp tác với nhau theo tinh thần mạnh mẽ như vậy thì sẽ có một bước chuyển biến to lớn trong sự phối hợp liên kết và hành động.
Ông đưa ra một số gợi ý để giải bài toán liên kết còn quá lỏng lẻo. Chẳng hạn như hình thành một trung tâm chế biến thương mại và thương mại quốc tế đối với các nước tiểu vùng sông Mê Kong và khu vực châu Á - Thái Bình Dương để gắn kết cảng Đà Nẵng và cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế). Hay sự liên kết giữa ba khu kinh tế: Dung Quất (Quảng Ngãi), Chu Lai (Quảng Nam) và Nhơn Hội sẽ được hình thành trên cơ sở liên kết cụm ngành: Sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo máy, đóng tàu, vận tải biển, sản xuất luyện cán thép, nông lâm, thuỷ sản… Có thể nói nhu cầu liên kết - hợp tác kinh tế giữa các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi cả về lý luận và thực tiễn. Song, hiện tại tiến trình liên kết - hợp tác vẫn chưa có những bước tiến bộ thực chất và thay đổi có tính đột phá.
Còn chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh phân tích, nếu không liên kết để có sức mạnh, hành động phối hợp, định hướng thì chúng ta chỉ là những hạt cát rời rạc ngoài bãi biển, không có chất kết dính, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong khi các nước xung quanh đang tiến rất nhanh. Liên kết là yêu cầu cần đem lại lợi ích lớn hơn cho các bên tham gia. Điều đáng lo ngại hiện nay là khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung hiện nay còn thiếu cơ chế liên kết, phối hợp giữa các tỉnh, thiếu thể chế thích hợp để liên kết doanh nghiệp.
Phó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển Nguyễn Bá Ân nhấn mạnh thêm, để đưa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành trung tâm kinh tế năng động thì sự phối hợp phát triển giữa các địa phương, các ngành trong lĩnh vực đầu tư phải chặt chẽ và nhất quán. Nếu làm được điều này sẽ tránh được làn sóng đầu tư tràn lan, chồng chéo đồng thời tạo sự cân đối giữa cung và cầu, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được đánh giá giàu tiềm năng, chiếm khoảng 1/5 chiều dài đất nước với diện tích trên gần 27.884 km2, dân số khoảng 6,5 triệu người. Chuỗi đô thị đang phát tiển của vùng trải dài theo 558 km bờ biển từ Huế đến Quy Nhơn, với các khu kinh tế lớn như: Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội. Khu này có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng về địa lý, kinh tế, chính trị, văn hoá và an ninh quốc phòng; là mặt tiền của cả nước, tiểu vùng sông Mê Kông và châu Á - Thái Bình Dương.
|
(Theo VnExpress)