Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Công cuộc bình ổn nền kinh tế của Việt Nam chưa vững chắc
Ngày cập nhật 24/11/2011

Đây là khẳng định của WB tại Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vừa diễn ra sáng 22/11.

 

Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2011 chậm lại do Chính phủ đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Hiện, theo đánh giá của WB, tình hình lạm phát của Việt Nam và Mông Cổ là đáng lo ngại nhất trong khu vực Đông Á.

 

Với việc thực hiện Nghị quyết 11, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đều tăng cao, tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại do các ngân hàng thương mại hạn chế cấp tín dụng mới, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và kinh doanh chứng khoán. Chính sách tài khóa được thực hiện thắt chặt thông qua các biện pháp giảm chi thường xuyên (ngoài lương) 10% và dừng hoặc hủy bỏ các khoản chi tiêu chưa cần thiết. Mức cắt giảm ước tính khoảng 80.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế là 5,6% trong nửa đầu năm 2011, và dự kiến cả năm sẽ vào khoảng 5,8%, so với mức 6,8% trong năm 2010.

Thâm hụt thương mại dự kiến sẽ được cải thiện trong năm 2011. Tăng trưởng nhập khẩu chậm lại là kết quả của những chính sách bình ổn, trong khi tăng trưởng xuất khẩu vẫn duy trì mạnh mẽ nhờ giá hàng hóa cao. Kim ngạch xuất khẩu tăng tới 33,7% và nhập khẩu tăng 25,4% trong 8 tháng đầu năm 2011.

Giá cả hàng hóa cao đã giúp giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, rau quả, cao su... tăng lên gần 40% trong 8 tháng đầu năm 2011. Đồng thời, xuất khẩu dầu thô cũng tăng thêm 52% về giá trị, bất chấp gia tăng về khối lượng chỉ ở mức 5%.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc NHNN thực hiện thu hẹp thâm hụt thương mại và mua vào một lượng ngoại tệ lớn đã giúp tăng dự trữ ngoại hối, đạt khoảng 2 tháng nhập khẩu vào cuối tháng 7/2011. Thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai ước tính thấp hơn 4% GDP trong năm 2011, ngang bằng với mức thâm hụt năm 2010. Điều này đã giúp giảm các khó khăn tức thời liên quan tới cán cân thanh toán cũng như giảm sức ép mất giá đồng tiền Việt Nam.

Mặc dù vậy, WB cũng cho rằng, những kết quả từ công cuộc bình ổn nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa thực sự vững chắc, do đó việc nới lỏng chính sách quá sớm sẽ có nguy cơ lặp lại những bất ổn đã xảy ra gần đây.

Việc cam kết thực hiện các biện pháp củng cố tài khóa và những yêu cầu cơ cấu được đề ra trong Nghị quyết 11, bao gồm tái cơ cấu và cải cách lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực tài chính sẽ có thể giúp Việt Nam khôi phục lại môi trường kinh tế vĩ mô bền vững, đồng thời xây dựng nền tảng để đạt được hiệu quả và năng suất cao hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng trung và dài hạn.

Hơn hết, để thực hiện được các yêu cầu cải cách cơ cấu sâu rộng này đòi hỏi Việt Nam có thể phải hy sinh một số lợi ích ngắn hạn. - Báo cáo nhấn mạnh.

(T.Hương) - Theo www.taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 37
Chung nhan Tin Nhiem Mang