Thời gian vừa qua, cũng trong tình hình kinh tế chung của các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, Việt Nam cần một nhu cầu rất lớn về vốn cho sự đột phá trong chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm tiếp theo, xây dựng một Việt Nam mới, vững mạnh hơn. Để thực hiện được điều đấy, sự ủng hộ tích cực từ phía Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) rất quan trọng và vô cùng cần thiết.
Các dự án, chương trình của ADB được đánh giá chung là rất đáp ứng yêu cầu đầu tư, phù hợp chiến lược, quy hoạch phát triển của Việt Nam.
Hiện nay, dù Việt nam bắt đầu vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp nhưng vẫn thuộc đối tượng được vay ưu đãi của ADB từ nguồn vốn ADF khoảng trên dưới 300 triệu USD/năm (thời hạn vay 32 năm, lãi suất 1 và 1,5%/năm).
Tuy nhiên, do nhu cầu vay vốn cho đầu tư của Việt nam rất lớn, trong khi khả năng đáp ứng của ADB có hạn, do đó bên cạnh nguồn ADF, ADB cũng cho Việt Nam vay thêm nguồn vốn OCR là nguồn vốn vay thông thường kém ưu đãi (thời hạn vay khoảng 25 năm, lãi suất theo LIBOR). Hiện nay, ADB đang cho vay đối với ngành điện, và đường cao tốc bằng nguồn vốn OCR.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu: "Thay mặt Bộ Tài chính, tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù hiện tại, tình hình kinh tế còn nhiều trở ngại, nhưng chúng tôi tự tin rằng nhất định Việt Nam sẽ vượt qua bởi chúng tôi có đã có một chiến lược kinh tế rõ ràng: phát triển nhanh nhưng đảm bảo tính bền vững..."
Đáp lại vấn đề này, ông Tomoyuki Kimura cho biết, dù vừa mới nhận chức cách đây hơn 1 tháng, song qua người tiền nhiệm cũ cùng các đồng nghiệp, ông hiểu rằng mối quan hệ giữa ADB và Bộ Tài rất sâu sắc. Vì vậy, ông xin cam kết tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa mối quan hệ này.
|
Ông Tomoyuki - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam. |
"Nguồn lực của ADB có hạn nên chúng tôi rất tiếc vì đã không đáp ứng được nhu cầu, mong muốn từ phía các bạn. Nhưng chúng tôi sẽ tối ưu hóa hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ để các dự án hợp tác giữa hai bên thành công tốt đẹp. Ngoài ra, ADB cũng cố gắng hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quản lý tài chính công để giúp Bộ Tài chính phản ứng tốt nhất với những thách thức nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế." - ông Tomoyuki nói.
Trong buổi tiếp, cả hai bên cũng đã có những trao đổi chia sẻ kinh nghiệm để giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, giảm bội chi ngân sách và giúp Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, xây dựng ngân sách lành mạnh.
|
Bộ Tài chính đánh giá cao kết quả các trợ giúp kỹ thuật của ADB từ trước tới nay và mong muốn tiếp tục nhận được sự trợ giúp quý báu của ADB
|
Trong giai đoạn tới, về cơ bản, danh mục vốn vay, Hỗ trợ kỹ thuật của ADB cho Việt Nam là phù hợp với mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam (SEDP) trong từng giai đoạn. Hiện ADB đã phối hợp với VN lập kế hoạch tài trợ cho giai đoạn 2012 - 2014.
ADB cũng hỗ trợ một khoản vay cho Bộ Tài chính (Cục Tài chính Doanh nghiệp chủ trì) để thực hiện Dự án Cải cách Doanh nghiệp Nhà nước và Điều hành công ty. Đây là một Dự án gồm nhiều giai đoạn, giai đoạn 1 đã được đàm phán năm 2009, giai đoạn 2 sẽ được chuẩn bị trong năm 2012.
Về Hỗ trợ Kỹ thuật, hiện Bộ Tài chính đang đề xuất ADB Hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường Quản lý tài chính và quản lý nợ cho Bộ Tài chính, đề xuất này đã được phía Chính phủ chấp thuận, tuy nhiên thủ tục chuẩn bị phía ADB vẫn chưa hoàn tất nên chưa vào làm việc với Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác tiểu vùng do ADB chủ trì trong các lĩnh vực liên quan đến Bộ Tài chính.
|
(Thu Hằng) - Theo taichinhdientu.vn