Bất cập liên quan tới hóa đơn
Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về việc sử dụng và quản lý hóa đơn. Tiếp theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Theo các quy định tại Nghị định thì từ năm 2011 trở đi, doanh nghiệp được phép đặt in hóa đơn, tự in hóa đơn và sử dụng hóa đơn điện tử.
Mặc dù vậy, theo 9 Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam không ít doanh nghiệp vẫn lúng túng trong việc có được tiếp tục sử dụng hóa đơn đặc thù mà Bộ Tài chính đã cho phép doanh nghiệp in trước đây hay không. Nếu không cho phép tiếp tục sử dụng thì đây là sự lãng phí và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc in hóa đơn và xuất hóa đơn đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đồng thời làm gia tăng đáng kể công việc không cần thiết cho hoạt động kế toán, tài chính của doanh nghiệp.
Chỉ ra nguyên nhân cốt lõi của bất cập là hóa đơn trở thành một loại giấy tờ quan trọng trong quản lý và sử dụng hóa đơn. Hóa đơn trở thành một loại giấy tờ quan trọng cũng như gây ra nhiều tốn kém trong việc quản lý và sử dụng nó vì hóa đơn đang được gắn cho quá nhiều chức năng như: đi đường, chứng từ thanh toán, thực hiện thuế, kế toán, quản lý thị trường, nguồn gốc hàng hóa... Ngay cả việc trả hàng về cũng phải xuất hóa đơn trả hàng (bằng cách ghi giống như bán lại hàng hóa đó cho bên bán). Hàng cho, biếu, tặng vẫn coi là bán không thu tiền và tính thuế, do đó vẫn yêu cầu xuất hóa đơn và giữ lại. Thậm chí hiện nay ngay cả việc tạm ứng cũng phải xuất hóa đơn; phạt tiền cũng phải xuất hóa đơn, đi đâu cũng phải có hóa đơn. Thực tế, không phải giao dịch nào cũng tạo thành doanh thu của doanh nghiệp, do đó việc xuất hóa đơn trong mọi trường hợp có thể bóp méo tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo Nghị định 51 và Thông tư 153 yêu cầu nội dung bắt buộc phải có tại các hoá đơn bao gồm 11 loại thông tin. Nội dung bắt buộc trên hóa đơn chủ yếu vẫn dựa trên các yêu cầu của Thông tư 120/2002/TT-BTC ngày 30/12/2002. Theo yêu cầu này, trong hóa đơn có những nội dung quá chi tiết và có thể không phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Có doanh nghiệp cho rằng việc yêu cầu phải có thông tin về tài khoản, địa chỉ của người mua hàng không thực sự cần thiết. Theo một số chuyên gia trong hóa đơn thông tin quan trọng là bên bán, giá trị giao dịch và thuế GTGT.
Theo 9 Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam, nên xem xét giảm bớt chỉ tiêu bắt buộc đối với các hóa đơn bán hàng cho cá nhân, có giá trị nhỏ ví dụ bỏ chữ ký và con dấu của người mua, người bán. Tiếp tục cho phép sử dụng các mẫu hóa đơn đặc thù đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phê duyệt trước đây. Cho phép các doanh nghiệp tự thiết kế thêm các mẫu chứng từ thay thế hóa đơn phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp.
Chi phí tính thuế TNDN
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì chi phí cho marketing, quảng cáo không vượt quá 10% trên tổng chi phí, như vậy dù chi phí quảng cáo thực tế có thể lên tới 20% nhưng doanh nghiệp cũng chỉ được tính 10%. Thêm nữa, trong các hóa đơn quảng cáo như của cơ quan báo chí doanh nghiệp phải chịu thuế GTGT, như vậy doanh nghiệp phải chịu 2 lần thuế.
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam, thực tế quảng cáo là một hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động quảng cáo quan trọng đối với doanh nghiệp mới hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới. Việc hạn chế chi phí quảng cáo có thể vô tình làm ảnh hưởng cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp; cản trở gia nhập thị trường của doanh nghiệp mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chỉ ra nguyên nhân của sự hạn chế này, Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, khoản 2, điều 9, Nghị định 124/NĐ-CP quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, bao gồm: phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới (không bao gồm hoa hồng môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, hoa hồng đại lý bán hàng đúng giá); chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ. Đối với doanh nghiệp mới thành lập từ 1/1/2009 là phần chi vượt quá 15% trong 3 năm đầu, kể từ khi thành lập. Có thể hiểu rằng quy định này xuất phát từ việc hạn chế gian lận thuế thông qua việc khai tăng chi phí quảng cáo, tiếp thị và tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Thực tế cho thấy, việc giới hạn định mức chi phí quảng cáo, tiếp thị không là công vụ có hiệu quả để đấu tranh chống gian lận thuế, nhưng lại làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như ảnh hưởng thị trường cạnh tranh.
Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi khoản 2, điều 9 Nghị định 124 theo 1 trong 2 cách sau: Bãi bỏ hạn chế này theo đó chi phí tính theo thực chi của doanh nghiệp. Việc đấu tranh chống gian lận thuế đòi hỏi sử dụng đồng thời nhiều công cụ khác nhau. Hoặc cần nghiên cứu để thu hẹp phạm vi áp dụng của quy định nói trên theo hướng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp theo tiêu chí: mức doanh thu doanh nghiệp có doanh thu từ một mức nhất định trở lên mới bị áp dụng quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị; hoặc áp dụng cho một số loại ngành nghề kinh doanh nhất định hoặc sản phẩm, dịch vụ nhất định.
Điều kiện áp dụng thuế suất GTGT % đối với dịch vụ xuất khẩu
Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam, việc xây dựng các tiêu chí cơ bản nhằm xác định khi nào thì dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất GTGT 0% chưa rõ ràng. Thực tế thực hiện không thống nhất và do đó gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc muốn được hưởng lợi ích của quy định này.
Nguyên nhân của bất cập này là do quy định tại khoản 1, điều 6 Nghị định 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/12/2008 và điểm 1, mục II, phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26/12/2008 đã đưa ra tiêu chuẩn mới tổ chức ở nước ngoài "không có cơ sở thường trú tại Việt Nam" để được hưởng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu nói chung. Điều 2 Nghị định 123 và Công văn 3824/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 18/9/2009 có hướng dẫn khái niệm "cơ sở thường trú tại Việt Nam" được xác định theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước.
Một trong những điều kiện tiên quyết cho việc doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% là dịch vụ phải được "tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam". Tuy nhiên, khái niệm này lại không được định nghĩa hay hướng dẫn cụ thể dẫn tới tình huống các cơ quan thuế địa phương mỗi nơi giải thích một kiểu. Có nơi giải thích "dịch vụ tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam" là dịch vụ được tiêu dùng ở nước ngoài, không dính dáng tới Việt Nam. Có nơi lại hiểu là nếu dịch vụ đó phục vụ cho lợi ích của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thì sẽ không được coi là tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Một số nơi còn giải thích rộng hơn là chỉ cần dịch vụ đó có liên quan hay đề cập đến Việt Nam là có thể xem như tiêu dùng tại Việt Nam.
Tiêu chí thứ hai là "tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam", hiện nay không có hướng dẫn làm thế nào để xác định được tổ chức ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam tại thời điểm ký hợp đồng dịch vụ với bên cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Điều này thật sự gây khó khăn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc thực hiện yêu cầu này.
Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam kiến nghị sửa đổi Thông tư số 129 theo hướng cần bổ sung các giải thích rõ ràng và minh bạch bằng các ví dụ cụ thể hơn về điều kiện dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất GTGT 0%.
Bất cập trong quyết toán thuế TNDN
Hiện nay, nhiều công ty lớn, đặc biệt là các tổng công ty lớn (tập đoàn) thường không thể kịp nộp tờ khai và nộp số thuế tồn đọng vào dịp cuối năm. Vì thời gian này, các công ty, tập đoàn cần nhiều thời gian để tập hợp và hoàn chỉnh dự thảo báo cáo hàng năm. Tiếp theo đó các công ty kiểm toán cũng cần có thời gian nhất định để hoàn tất công tác kiểm toán. Giai đoạn này thường rơi vào kỳ nghỉ Tết âm lịch nên tạo áp lực rất lớn (thậm chí tạo ra rủi ro cao) cho doanh nghiệp, kế toán và công ty kiểm toán. Vì theo quy định quản lý thuế hiện hành, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tờ khai và nộp số thuế tồn đọng chậm nhất 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm theo dương lịch hoặc kết thúc năm tài chính.
Theo kiến nghị của Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu thông lệ các nước và cho phép các doanh nghiệp có doanh số lớn, nhiều chi nhánh, công ty thành viên được phép nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, báo cáo kiểm toán trong giai đoạn phù hợp, ví dụ như công ty có quy mô nhỏ được phép nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, báo cáo kiểm toán trong vòng 90 ngày; công ty có quy mô lớn được phép nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, báo cáo kiểm toán trong vòng 180 ngày.
(K.Hoa) - Theo taichinhdientu.vn