Theo đánh giá chung, công tác bình ổn giá trong những tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả khả quan như sau: Kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng tăng đột biến về giá tại địa phương, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, chi từ nguồn Ngân sách nhà nước; chủ động cân đối nguồn tài chính tại chỗ của địa phương để tạm ứng cho các đơn vị được giao nhiệm vụ sản xuất, chế biến và tổ chức dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; tăng cường thanh tra kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà nước về quản lý giá…; về công tác quản lý, điều hành giá: đã thực hiện việc điều chỉnh tăng giá điện ở mức có kiềm chế 6,8% từ ngày 1/3/2010 theo lộ trình điều hành giá điện; giữ ổn định giá than bán cho điện đến hết năm 2010; thực hiện điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành kháchbằng đường hàng không nội địa tuyến đường chuẩn; điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/200/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp đã điều chỉnh giá 5 lần; thực hiện kiểm soát việc đăng ký giá đối với xi măng, sắt thép; kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của các hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, bình ổn giá, đăng ký giá; thực hiện kiểm tra, thanh tra giá một số mặt hàng thiết yếu…
Trong 5 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu của các Bộ, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp nên giá cả tuy có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và không nằm ngoài xu hướng vận động có tính quy luật hàng năm. Bên cạnh những thành công, việc quản lý điều hành giá còn có những bất cập như sau: Việc điều hành chính sách tiền tệ, giá cả trong những tháng đầu năm tập trung nhiều giải pháp vào cùng thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán – là thời điểm thường có chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đã tác động đến sản xuất kinh doanh và thị trường; việc thực hiện yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký giá gặp khó khăn và khó kiểm soát được theo mục tiêu đề ra do vướng mắc khi pháp luật chỉ quy định đăng ký giá đối với loại hình doanh nghiệp có trên 50% vốn sở hữu nhà nước kinh doanh mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá phải đăng ký giá; công tác kiểm tra, thanh tra các địa phương đã triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, việc xử lý nhiều hành vi vi phạm gặp khó khăn do chưa có quy định của pháp luật cụ thể đối với một số hành vi mới phát sinh; một số địa phương còn có những lúng túng trong việc triển khai công tác bình ổn giá trên địa bàn.
Trên cơ sở và phát huy những kết quả đạt được trong công tác quản lý, điều hành giá những tháng đầu năm 2010, Bộ Tài chính đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ quản lý, điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2010 như:tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý phục vụ quản lý điều hành giá; tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá, áp dụng các biện pháp khuyến mại, giảm giá theo quy định của pháp luật hiện đang áo dụng đối với đại bộ phận hàng hoá dịch vụ trong nền kinh tế; chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá; duy trì ổn định giá điện bán cho các hộ sản xuất, tiêu dùng và giá than bán cho sản xuất điện đến hết năm 2010; tiếp tục giãn thời gian điều chỉn tăng giá xăng dầu, giá than bán cho nền kinh tế (trừ than bán cho điện) đến hết tháng 6; tiếp tục mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá đối với hàng hoá dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước; thực hiện chính sách tài khoá linh hoạt, có kiểm soát chặt chẽ; nâng cao hiệu quả thu chi ngân sách; thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/1/2010 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.
(Theo mof.gov.vn)