Theo Dự thảo Quy chế của Chính phủ về lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến của nhân dân, thì Quỹ này sẽ có 6 nội dung thu và 8 nội dung chi.
Cụ thể, 6 nội dung thu gồm: (1)Các khoản thu hồi nợ từ các khoản vay về cho vay lại của Chính phủ (Gốc, lãi cho vay lại từ nguồn vốn ODA và các khoản vay khác của Chính phủ vay về cho vay lại (sau khi trừ phí dịch vụ cho vay lại) theo các kỳ hạn được quy định trong các thoả thuận cho vay lại hoặc hợp đồng uỷ quyền cho vay lại; Thu hồi các khoản phí (phí bảo hiểm, phí cam kết, phí quản lý...) do Ngân sách Nhà nước đã ứng trả theo các hiệp định vay); (2) Các khoản phí bảo lãnh theo Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ hiện hành; (3) Các khoản thu hồi (gốc, lãi) từ các khoản ứng vốn theo quy định; (4) Các khoản lãi do thực hiện các nghiệp vụ cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ Chính phủ; (5) Các khoản lãi tiền gửi, lãi uỷ thác quản lý vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ tích luỹ theo quy định; (6) Các khoản thu hợp pháp khác (là các khoản thu được luật pháp cho phép như các khoản lãi phạt do vi phạm hợp đồng, thu về thanh lý tài sản thế chấp...).
Còn 8 nội dung chi gồm: (1) Hoàn trả Ngân sách nhà nước các khoản Ngân sách nhà nước đã ứng trả nợ cho các khoản vay của Chính phủ vay về cho vay lại; (2) Ứng trả thay cho người được bảo lãnh trong trường hợp người được bảo lãnh không trả được toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ nợ phải trả; (3) Ứng vốn để thực hiện cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh; (4) Ứng vốn để bù đắp thiếu hụt tạm thời của Ngân sách Nhà nước; (5) Hỗ trợ các dự án vay được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn tạm thời về nguồn vốn để các dự án hoạt động có hiệu quả theo quyết định của cấp có thẩm quyền; (6) Xoá nợ đối với khoản tạm ứng của Quỹ nhưng không thu hồi được theo quyết định của cấp có thẩm quyền; (7) Chi phí nghiệp vụ quản lý Quỹ tích lũy (gồm Phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ, công chức quản lý Quỹ tích luỹ theo chế độ Nhà nước quy định; Chi phí giao dịch, phí chuyển tiền, mua hoặc in sổ sách kế toán, chứng từ, tài liệu của Quỹ...; Chi phí mua phần mềm quản lý Quỹ, ứng dụng công nghệ thông tin; Chi phí kiểm toán Quỹ tích luỹ); (8) Các khoản chi hoặc tạm ứng khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể hoá kế hoạch thu - chi
Về kế hoạch thu, hàng năm theo tiến độ lập dự toán ngân sách nhà nước, căn cứ vào các hợp đồng uỷ quyền cho vay lại ký kết với Bộ Tài chính, các cơ quan cho vay lại có trách nhiệm lập kế hoạch thu hồi vốn cho vay lại báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp. Thời hạn gửi báo cáo kế hoạch được thực hiện trước 1/9 của năm trước năm kế hoạch.
Đối với các khoản Bộ Tài chính cho vay lại trực tiếp, các khoản vay có bảo lãnh chính phủ, Bộ Tài chính xác định kế hoạch thu hồi nợ, kế hoạch thu phí căn cứ vào các quy định tại các thỏa thuận cho vay lại, các cam kết bảo lãnh đã ký.
Đối với các khoản thu khác: Bộ Tài chính căn cứ vào các hợp đồng tiền gửi, hợp đồng uỷ thác đầu tư, hợp đồng ứng vốn, đề án cơ cấu lại danh mục nợ để xây dựng kế hoạch thu hàng năm của Quỹ tích luỹ.
Về kế hoạch chi, đối với nghĩa vụ trả nợ trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước: Căn cứ vào các điều kiện, điều khoản của thoả thuận vay hoặc phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch trả nợ chi tiết hàng năm, trong đó tách riêng nghĩa vụ chi trả nợ cho các khoản vay của Chính phủ vay về cho vay lại để tổng hợp vào kế hoạch chi của Quỹ tích luỹ.
Trường hợp cơ quan cho vay lại được uỷ quyền trả nợ trực tiếp cho người cho vay: Các cơ quan cho vay lại lập kế hoạch trả nợ cho người cho vay và gửi cho Bộ Tài chính trước ngày 1/9 của năm trước năm kế hoạch để tổng hợp vào kế hoạch trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ.
Đối với các khoản chi khác: Bộ Tài chính căn cứ vào nhu cầu của Ngân sách Nhà nước, các đề án cơ cấu lại danh mục nợ, báo cáo của các đơn vị được Chính phủ bảo lãnh vay vốn và tình hình thực tế thu chi của Quỹ tích luỹ để xây dựng kế hoạch chi cho năm kế hoạch.
Kế hoạch thu chi của Quỹ tích luỹ được tổng hợp trong kế hoạch vay và trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ do Bộ Tài chính xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Những trường hợp ứng vốn
Một là ứng vốn để thực hiện cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh nhằm giảm thiểu chi phí đi vay: Trên cơ sở quản lý danh mục nợ của Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại khoản nợ và danh mục nợ khi điều kiện cho phép trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Tài chính được sử dụng nguồn từ Quỹ tích luỹ để thực hiện đề án cơ cấu lại danh mục nợ đã được phê duyệt. Trường hợp Quỹ tích luỹ không đủ nguồn, Bộ Tài chính có thể tạm ứng từ các nguồn khác của ngân sách Nhà nước để thực hiện và Quỹ tích luỹ có trách nhiệm hoàn trả ngay cho Ngân sách Nhà nước khoản tạm ứng này khi có nguồn.
Sau khi hoàn thành giao dịch, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Hai là ứng vốn khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ tích lũy: Nguồn vốn của Quỹ tích luỹ, sau khi đảm bảo các khoản chi và đảm bảo đủ mức dự trữ tối thiểu theo quy định, có thể sử dụng để: Cho Ngân sách Nhà nước vay để bù đắp thiếu hụt tạm thời. Thời hạn cho vay do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định cho từng đợt vay. Bộ Tài chính chủ động điều hành Ngân sách Nhà nước kết hợp với yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Quỹ tích luỹ để thực hiện;
Cho các ngân hàng chính sách vay để bổ sung nguồn vốn tín dụng theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong trường hợp Quỹ tích luỹ có thể cân đối được nguồn. Thời hạn cho vay theo thoả thuận giữa các bên nhưng tối đa không quá 3 năm và lãi suất bằng lãi suất trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn phát hành vào thời điểm gần nhất hoặc do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong trường hợp không có lãi suất trái phiếu chính phủ để tham chiếu;
Hỗ trợ các dự án vay được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn tạm thời: Trong trường hợp các dự án vay được Chính phủ bảo lãnh vì các lý do đột xuất và khách quan dẫn đến gặp khó khăn tạm thời về nguồn vốn để thực hiện dự án, Bộ Tài chính có thể xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ứng vốn từ Quỹ tích luỹ để cho vay theo điều kiện thị trường nhằm đảm bảo cho dự án thực hiện đúng tiến độ và không ảnh hưởng đến cam kết bảo lãnh;
Các khoản ứng vốn khác do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền.
Mức dự phòng tối thiểu
Quỹ tích luỹ duy trì mức dự phòng tối thiểu bằng ngoại tệ để bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ nước ngoài. Mức dự phòng tối thiểu được xác định dựa trên biến động nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ trong từng năm và được tính bằng 100% tổng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm của các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định cơ cấu ngoại tệ dự phòng của Quỹ tích luỹ nhằm tăng cường mức an toàn của Quỹ, hạn chế những rủi ro về tỷ giá và tận dụng lợi thế của từng loại ngoại tệ trong từng thời kỳ khác nhau.
(eFinance Online)