Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 18/7, với sự tham dự của lãnh đạo 24 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành. Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Chủ động ban hành các văn bản thực thi đơn giản hóa TTHC
Đây là Hội nghị kiểm điểm về công tác kiểm soát TTHC theo Nghị quyết 57/2010/QH12 về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách TTHC trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010.
Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện công tác kiểm soát TTHC và thực thi giai đoạn 3 của Đề án 30 tại các bộ ngành, địa phương cho biết, thực thi 25 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, ngành, tính đến 30/6/2011, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa 3.037 TTHC trên tổng số 4.800 thủ tục phải đơn giản hóa, đạt tỷ lệ 63%.
Trong đó, số TTHC đã được ban hành thành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi lên tới 1.882 TTHC.
Với 63 tỉnh, thành trong cả nướ,c đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hóa của 3.636 TTHC đang được thực hiện tại các sở ngành, quận huyện, xã phường.
Đến nay, công tác kiểm soát TTHC đã có chuyển biến về chất, các TTHC mới ban hành được nâng cao, việc cập nhật và công khai quy định về TTHC có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế, chậm trễ hoặc thực hiện chưa nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc công bố, công khai và minh bạch TTHC, cập nhật những TTHC này trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, việc đánh giá tác động các quy định về TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chế độ thông tin báo cáo, thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC…
Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là vấn đề nhận thức của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và của đội ngũ cán bộ, công chức được giao trách nhiệm triển khai nhiệm vụ này.
Cốt lõi là việc đơn giản hóa phải đi vào cuộc sống
Đề cập đến kết quả cải cách TTHC tại Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá, những cải cách mạnh mẽ này đã đem lại sự thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuế, hải quan.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Trí cho biết, cải cách TTHC được thành phố xác định là giải pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển KT-XH. Vì thế, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể cho công tác này và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội để giám sát, phản ánh, kiến nghị các vấn đề liên quan đến cải cách TTHC.
“Thành phố chỉ đạo Sở Tư pháp không thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật của các sở ngành khi chưa có ý kiến của Phòng kiểm soát TTHC”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Minh Phúc cho rằng, để công tác này đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC giai đoạn 2011-2015, sửa đổi bổ sung quy trình ban hành văn bản có chứa TTHC và tổ chức việc tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân một cách công khai, minh bạch và kịp thời.
Vì thế, kinh nghiệm của Đồng Nai là có sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, tạo sự đồng bộ trong quy trình xử lý và minh bạch hóa TTHC.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại lại kiến nghị cần có cơ chế giám sát cụ thể, đủ mạnh và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác kiểm soát TTHC cũng như việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và thi đua khen thưởng.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc biểu dương một số bộ, ngành, địa phương có thành tích cao trong thời qua như Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ…
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Nghị quyết 57/2010/QH12 của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và doanh nghiệp đồng thời cũng thể hiện quyết tâm của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC thời gian qua.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, các bộ ngành, địa phương cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của đơn vị mình. Các cán bộ chuyên môn cũng phải xác định đây là nhiệm vụ chung của cán bộ, công chức chứ không phải riêng của cơ quan kiểm soát TTHC.
Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC chủ động hỗ trợ, tư vấn cho VPCP trong công tác kiểm soát TTHC, phát huy vai trò phản biện xã hội và giám sát việc kiểm soát TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước.
“Cải cách TTHC không phải là sửa đổi được bao nhiêu quy định mà cốt lõi là những sửa đổi này phải đi vào cuộc sống, giảm thiểu gánh nặng, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo đối với kết quả cải cách”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Chinhphu.vn