Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nâng cao hiệu quả phân cấp quản lý kinh tế
Ngày cập nhật 24/11/2011

Việt Nam đã có những bước đi đúng hướng nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách hạn chế, việc tìm hướng đi cho việc nâng cao quá trình phân cấp quản lý kinh tế sẽ đóng vai trò quan trọng.

Đó là nội dung chính tại Hội thảo Quản lý  kinh tế ở Việt Nam và Mozambique vừa diễn ra sáng nay, ngày 22/11, tại Hà Nội.

 

Việt Nam: Phân cấp mạnh mẽ nhưng chưa hiệu quả

Theo TS.John Page, Viện sỹ cao cấp, Viện Brookings: Việt Nam là một trong những trường hợp thành công điển hình trong việc tăng mạnh tỷ trọng đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp.

Mà cụ thể là Việt Nam đã trở thành nước có hệ thống hành chính phi tập trung hóa cao so với các nước trong khu vực với việc phân cấp mạnh, với mục tiêu khơi dậy và thúc đẩy sáng kiến của các địa phương, để tiềm năng từng địa phương được khai thác tốt hơn. Việc phân cấp, khuyến khích các tỉnh cạnh tranh, sáng tạo để phát triển, trong đó, Đà Nẵng là một điển hình. - TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Với phân cấp đầu tư, từ năm 2007 các địa phương đã được trao quyền quyết định đầu tư dưới 300 tỷ đồng, nhưng chưa có quy định rõ ràng ai là người chịu trách nhiệm cung cấp tài chính. Do vậy, một số dự án đã không thể hoàn thành.

Cũng cần phải nói, thời gian qua, sự phân cấp đã diễn ra mạnh mẽ, nhưng vì năng lực quản lý ở các địa phương chưa đồng đều, một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu…dẫn đến tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, chia cắt nền kinh tế, khai thác tài nguyên chưa hiệu quả.

Tương tự, về quản lý đất đai, việc quy định cho phép chính quyền cấp huyện chuyển đất nông nghiệp thành các khu phát triển kinh tế, mà hệ quả là từng mảnh ruộng nối đuôi nhau trở thành đấy xây dựng.

Hay như việc phân cấp quản lý khoáng sản cũng vô cùng bất cập. Cụ thể, theo thống kê đến cuối tháng 4/2011, các địa phương đã cấp gần 4000 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản – một con số đáng báo động so với 900 giấy phép được cấp từ các Bộ. Thực tế, đóng góp của ngành khai khoáng mỏ chiếm 8% GDP song đôi khi các địa phương lại chia nhỏ các mỏ quy mô và 4000 giấy phép thăm dò, khai thác chính là minh chứng cho điều này.

Theo TS Doanh, cần tiến hành đánh giá độc lập và có hệ thống về hiện trạng phân cấp trong tất cả các lĩnh vực và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Theo đó, việc phân cấp phải đảm bảo trách nhiệm giải trình cần thiết và đảm bảo khả năng giám sát, tránh tình trạng chia cắt trong nền kinh tế, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời cần tăng cường sự phối hợp trong thực thi các chính sách và quy định về đất đai và xây dựng, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Mozambique: Chuyển đổi cơ cấu từ khu vực tư nhân

Là một trong những nước xây dựng mô hình kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa có điểm tương đối giống Việt Nam, Mozambique hiện đã đạt nhiều thành công trong quá trình cải cách kinh tế, sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ của quốc tế, duy trì mức tăng trưởng liên tục ở mức khá cao từ 7% đến 8%/năm.

Đạt được những thành quả này cũng nhờ Mozambique đã có chính sách chuyển đổi cơ cấu đầu tư mà theo TS.John Page thì quá trình chuyển đổi cơ cấu của Mozambique là thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân, trong đó, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.

Mặt khác, thay đổi cơ cấu cũng cần sử dụng nguồn lực kinh tế dồi dào mà các khoản viện trợ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, các khoản viện trợ này cần phải tập trung hướng vào hỗ trợ đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, thúc đẩy sự phát triển các tập đoàn kinh tế, hướng nhiều hơn vào việc cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kỹ năng doanh nghiệp. Chính điều này sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn trong công cuộc thay đổi cơ cấu.

Dưới góc độ nhà quản lý,  TS.Pedro Couto, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mozambique cho rằng: Chính quyền xác định cần tạo điều kiện kinh tế tư nhân phát triển nhưng không thể thiếu sự điều hành của Chính phủ, can thiệp giải quyết những khuyết tật của kinh tế thị trường. Từ năm 2005, Mozambique đã phân cấp ngân sách cho chính quyền địa phương, thay vì phân quyền cho cấp trung ương như trước đây. Mặc dù vậy, vẫn cần có sự quản lý chặt chẽ và chế tài nghiêm khắc với những vi phạm trong hoạt động đầu tư cùng với việc sử dụng không đúng mục đích các nguồn lực ngân sách.

(T.Hương) - Theo www.taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 39
Chung nhan Tin Nhiem Mang