Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tỷ giá, thâm hụt ngân sách: 2 áp lực của kinh tế Việt Nam năm 2010
Ngày cập nhật 14/04/2010

“Những cân đối vĩ mô như thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại đang có khuynh hướng trở thành căn bệnh kinh niên. Năm 2010, kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với 2 áp lực lớn về tỷ giá và thâm hụt ngân sạch”, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định.

VND sẽ tiếp tục giảm giá

 

Bàn về vấn đề tỷ giá, TS. Thành cho rằng VND sẽ tiếp tục bị áp lực giảm giá trong thời gian tới vì 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, lạm phát của Việt Nam luôn ở mức cao trong khu vực và trên thế giới. Ngay cả trong năm 2010, kỳ vọng chung về mức lạm phát đã là khoảng 10%.

Thứ hai, trong năm 2010, phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự vững vàng, dẫn đến cầu xuất khẩu và đầu tư nước ngoài chưa thể có cải thiện đột biến. Thêm vào đó, ngay cả khi có sự cải thiện đáng kể nguồn cung ngoại hối trong năm nay thì việc tái lập quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là không thể tránh khỏi. Điều này dẫn tới áp lực giữ cho đồng VND trong trạng thái tương đối liên tục yếu.

Thâm hụt ngân sách: Mối lo trung và dài hạn

Liên quan đến vấn đề thâm hụt ngân sách, TS. Thành thừa nhận rằng đây là vấn đề mới chỉ được thảo luận nhiều gần đây, đặc biệt là từ đầu năm 2009, khi nhiều người lo sợ chính sách kích cầu để chống đỡ khủng hoảng kinh tế đi liền với việc suy giảm các nguồn thu cũng do khó khăn kinh tế sẽ đẩy thâm hụt lên mức rất cao (từ 7 – 10%).

“Thâm hụt ngân sách là một vấn đề đáng lo ngại trong trung và dài hạn vì bội chi ngân sách của Việt Nam thực ra đã luôn ở mức 5% GDP từ nhiều năm gần đây. Riêng năm 2009, bội chi ngân sách Nhà nước ước tính bằng 7% GDP”, TS. Thành nhận xét.

Cũng theo TS. Thành, trong năm 2010, do nền kinh tế vẫn còn yếu nên mức thâm hụt dự báo vẫn ở mức cao.

 

 

“Các giải pháp hỗ trợ tài chính trong năm 2010 nên tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các biện pháp nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (đào tạo, dạy nghề, khai phá thị trường), hỗ trợ an sinh xã hội. Giảm bớt và không nên kéo dài các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như bù lãi suất, giảm thuế…”, VEPR khuyến nghị..

Để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ phải tăng thuế hoặc vay nợ thông qua phát hành trái phiếu. Cả hai hành động này đều tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Với việc tăng thuế, các doanh nghiệp sẽ phải chịu gánh nặng chi phí nhiều hơn, làm giảm động lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Nếu tăng thuế thu nhập thì mức tiêu dùng cũng giảm, làm giảm một phần tổng cầu. Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh và cạnh tranh với các nước trong khu vực để tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn thì khả năng tăng thuế thu nhập doanh nghiệp là không nhiều. Thêm vào đó, việc cam kết các điều khoản của WTO và tham gia vào các hiệp định thương mại song phương cùng các khu vực tự do kinh tế cũng dẫn tới cắt giảm thuế quan chứ không phải ngược lại. Do đó, cơ hội tăng thuế đối với Chính phủ chủ yếu đến từ việc tăng thuế thu nhập cá nhân. Đây là đối tượng còn dư địa cho chính sách thuế, nhưng cũng chưa cải thiện được về quy mô trong ngắn và trung hạn vì đối tượng thu thuế và số thu thuế hiện không đáng kể (chỉ khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng/năm). Do đó, việc tăng thuế để cải thiện nguồn thu có tính khả thi thấp trong điều kiện hiện nay.

Vì thế, Chính phủ sẽ buộc phải tài trợ cho ngân sách bị thâm hụt trong thời gian tới chủ yếu thông qua vay nợ. Có 2 nguồn vay nợ: trong nước và nước ngoài.

Đối với nguồn thứ nhất (đang tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới) thì hậu quả là khiến lãi suất chung bị ghìm giữ ở mức cao. Do đó, việc vay nợ nội địa quy mô lớn khiến cho mặt bằng lãi suất cao hoặc không duy trì được mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế.

Đối với nguồn thứ hai thì việc vay nợ thành công từ nước ngoài đồng thời có thể tài trợ cho thâm hụt trên cán cân thanh toán. Tuy nhiên, việc vay nợ nước ngoài thường xuyên và quy mô ngày càng tăng có thể dẫn tới những rủi ro rất cao như từng thấy ở các nước Mỹ La tinh những năm 1980 – 1990.

2 kịch bản cho nền kinh tế năm 2010

Dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2010, có 2 kịch bản xảy ra. Một là kịch bản lạm phát thấp, ở mức 8,5% trong năm. Để đạt mức lạm phát này, cần có sự thận trọng trong chính sách tiền tệ. Nền kinh tế có thể đạt tăng trưởng ở mức 6,3%.

Hai là mức lạm phát khoảng 10,5% nếu Chính phủ lựa chọn hướng không quyết liệt chống lạm phát vì cho rằng việc thắt chặt tiền tệ có thể khiến gây ra nhiều chi phí cho nền kinh tế trong ngắn hạn như lãi suất cao và cung tín dụng thấp. Trong kịch bản này, VEPR dự báo tăng trưởng sẽ cao hơn, có thể đạt mức 6,8 – 6,9%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này có thể dẫn tới những bất ổn vĩ mô như lạm phát vượt mức 1 con số, thâm hụt thương mại tiếp tục tăng và thâm hụt ngân sách có thể không thay đổi đáng kể so với năm 2009.

 

Những thông tin đáng chú ý nêu trên vừa được công bố sáng nay, 8/4/2010, tại Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên “Kinh tế Việt Nam 2010: Ổn định vĩ mô để tăng trưởng bền vững”. Báo cáo này là sản phẩm khoa học của VEPR.

Năm 2009, Báo cáo lần thứ nhất với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thích thức đổi mới” đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các nhà khoa học cũng như các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Báo cáo năm nay do TS. Nguyễn Đức Thành chủ biên được hoàn thành theo các yêu cầu đặt hàng của Hội đồng Lý luận Trung ương. Báo cáo sẽ được in thành sách và sẽ có cả phiên bản tiếng Anh.

(Bình Minh)

(Theo eFinance Online)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 233
Chung nhan Tin Nhiem Mang