Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tuyên bố báo chí Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 14 (AFMM 14)
Ngày cập nhật 14/04/2010

Trong ngày 8/4/2010, tại khu du lịch Vinpearl Land, Nha Trang, Khánh Hòa, Hội nghị Bộ Trưởng Tài chính ASEAN đã kết thúc tốt đẹp. Hội nghị đã ra tuyên bố báo chí. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính trân trọng đăng tòan văn tuyên bố báo chí như sau:

Chúng tôi, Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN đã nhóm họp Hội nghị thường niên lần thứ 14 dưới sự chủ trì của Ngài Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Tài chính, Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

 

 

Chúng tôi đã tổ chức cuộc gặp với các Thống đốc Ngân hàng Trung ương ba nước Troika tại thời điểm quan trọng các nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu. Chúng tôi đã thảo luận về các thách thức chính sách quan trọng trong thời gian tới và tái khẳng định cam kết phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định tài chính. Chúng tôi đã có phiên thảo luận hiệu quả với Ngài Harohiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngài Juan Jose Daboub, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngài Shinohara Naoyuki , Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chúng tôi kêu gọi các tổ chức này tiếp tục hỗ trợ hợp tác khu vực mạnh mẽ hơn thông qua các sáng kiến và cam kết nhằm góp phần vào sự phục hồi bền vững và tăng trưởng cân bằng.

 

Chúng tôi đã đánh giá tiến triển của các cam kết đối với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2015, bao gồm các sáng kiến trong khuôn khổ Lộ trình Hội nhập Tiền tệ và Tài chính ASEAN. Để thúc đẩy hội nhập thị trường tài chính, chúng tôi nhất trí cần tiến hành thêm các hành động. Chúng tôi vui mừng với những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong việc tăng cường hệ thống tài chính và duy trì ổn định tài chính khu vực. Về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh sự vận hành công cụ hoán đổi trị giá 120 tỷ đô-la Mỹ trong khuôn khổ Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và chúng tôi hướng tới việc thành lập cơ quan giám sát khu vực của CMIM vào đầu năm tới. Chúng tôi khẳng định cam kết thành lập Cơ chế bảo lãnh Tín dụng và Đầu tư (CGIF) vào tháng 5 năm 2010 nhằm thúc đẩy hơn nữa các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ trong khu vực.

 

Triển vọng khu vực và các thách thức kinh tế sau khủng hoảng

Chúng tôi vui mừng rằng ASEAN đã duy trì được tăng trưởng bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới, thể hiện sự năng động của khu vực. Các nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ nhờ sự dẻo dai của cầu nội địa, hệ thống tài chính lành mạnh, khung khổ kinh tế vững chắc, sự phục hồi của thương mại và thị trường tài chính toàn cầu cũng như sự dịch chuyển và phản hồi chính sách phù hợp. Các chính sách hướng tới kinh doanh và các điều kiện thuận lợi đã giúp các nền kinh tế ASEAN giảm nhẹ tác động của các cú sốc từ bên ngoài và nhanh chóng thu hút trở lại các luồng vốn đầu tư. Chúng tôi tin tưởng khu vực sẽ tăng trưởng từ 4,9 đến 5,6% trong năm 2010, cao hơn mức 1,5% của năm trước.

 

Tuy nhiên, trong khi còn nhiều thách thức đối với sự phục hồi mạnh mẽ hơn của kinh tế toàn cầu, chúng tôi cam kết sẽ hành động kiên quyết, kịp thời và trên tinh thần hợp tác để duy trì động lực tăng trưởng và xây dựng một hệ thống tài chính ổn định, hiệu quả và bền vững trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách hỗ trợ cho đến khi sự phục hồi được đảm bảo, nhưng đồng thời chúng tôi cũng sẽ thận trọng thoái lui các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực tài khoá, tiền tệ và tài chính khi cầu trong khu vực tư nhân đã trở nên bền vững. Chiến lược thoái lui của chúng tôi sẽ được định hướng bởi nền tảng kinh tế của từng quốc gia, và phù hợp với các mục tiêu trung hạn về bền vững tài khóa, ổn định giá và ổn định tài chính.

 

Chúng tôi tiếp tục cam kết thực hiện các chính sách nhằm khôi phục tăng trưởng mạnh và bền vững, bao gồm các chính sách thúc đẩy hơn nữa cầu nội địa và dịch vụ, nâng cao năng suất lao động và tăng cường sự hội nhập của các thị trường. Chúng tôi nhận thức rằng việc củng cố thương mại nội vùng cùng với cầu nội địa và khu vực sẽ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng bền vững. Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh đầu tư chính phủ và tư nhân, trong đó bao gồm đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giáo dục, và đổi mới công nghệ.

 

Lộ trình Hội nhập Tài chính Tiền tệ ASEAN


Chúng tôi quyết tâm hợp tác nhằm tăng cường tính cạnh tranh và phát triển chiều sâu của các thị trường tài chính ASEAN. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi tái khẳng định cam kết về hội nhập tài chính trong khuôn khổ Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt trong các lĩnh vực Phát triển Thị trường Vốn, Tự do hóa Dịch vụ Tài chính và Tự do hóa Tài khoản Vốn.

 

Chúng tôi hài lòng với sự tiến triển trong việc nghiên cứu xây dựng một khung khổ và lộ trình rõ ràng nhằm đạt được mục tiêu hội nhập tài chính rộng hơn trong ASEAN vào năm 2015.


Chúng tôi hy vọng nghiên cứu sẽ đưa ra những đề xuất và thời gian biểu cụ thể cho mục tiêu này.

 

Phát triển và Hôi nhập Thị trường Vốn


Các thị trường vốn vững mạnh, hiệu quả và có tính thanh khoản đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nhiều hơn vào khu vực, tạo điều kiện phát triển thương mại nội khối, và đảm bảo tính cạnh tranh trong dài hạn của ASEAN. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của các thị trường trái phiếu, chúng tôi đã thông qua bộ chỉ số “phát triển thị trường trái phiếu” làm chuẩn mực tham khảo đánh giá mức độ phát triển của các thị trường trái phiếu ASEAN, và là bảng chấm điểm nhằm xác định các ưu tiêu chính đối với sự hội nhập và phát triển thị trường trái phiếu trong ASEAN. Trên cơ sở nhận thức được sự khác biệt trong mức độ phát triển của các thị trường trái phiếu giữa các nước, chúng tôi nhất trí về các sáng kiến tăng cường năng lực cho các mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao tính thanh khoản và hiệu quả chung của các thị trường vốn. Đồng thời, việc khuếch trương ASEAN như một tài sản đầu tư tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tiếp cận các nhà đầu tư nhằm phát triển sâu và mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư trong khu vực.

 

 

Chúng tôi cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong hội nhập thị trường vốn nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Các công việc đang được triển khai nhằm xây dựng sự nhận biết thương hiệu đối với các sản phẩm của ASEAN, nâng cao các tiêu chuẩn quản lý, xây dựng niềm tin trong khu vực và toàn cầu đối với các tiêu chuẩn ASEAN thông qua các cơ chế thừa nhận lẫn nhau, và thúc đẩy các luồn vốn và tiếp cận đối với các thị trường của chúng ta. Bản “ASEAN và Các Chuẩn mực Bổ sung” để chào bán chứng khoán ở nhiều quốc gia trong khu vực đã được áp dụng tại Malaysia, Singapore và Thái Lan. Chúng tôi sẽ khuyến khích việc niêm yết song song chứng khoán, phát hành các công cụ nợ qua biên giới, và các chương trình đầu tư chung. Chúng tôi vui mừng trước những tiến bộ trong việc thiết lập  liên kết giữa các thị trường chứng khoán ASEAN. Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến xây dựng khung khổ thừa nhận lẫn nhau trong các ngành nghề kinh doanh trên thị trường vốn trong khu vực. Thông qua các cơ quan thuế, chúng tôi sẽ tìm kiếm các biện pháp giải quyết vấn đề thuế khấu trừ tại nguồn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường vốn khu vực.

 

Tự do hóa Dịch vụ Tài chính

 

Chúng tôi nhất trí áp dụng Khung khổ Phòng vệ cho phép các quốc gia thành viên duy trì sự linh hoạt trong khuôn khổ đã thoả thuận đối với các phân ngành dịch vụ tài chính sẽ được tự do hoá vào năm 2015 như đã được xác định trong Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Chúng tôi sẽ sử dụng Khung khổ này làm mô hình hướng dẫn cho Vòng đàm phán thứ 5 về Tự do hóa Dịch vụ Tài chính ASEAN trong khuôn khổ Thỏa thuận khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS). Chúng tôi ghi nhận rằng các nước thành viên đã bắt đầu vòng đàm phán thứ 5 nhằm hướng tới việc hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các Đối tác đối thoại về đàm phán thương mại dịch vụ, và chúng tôi hy vọng vào kết quả thành công của tiến trình đàm phán thương mại dịch vụ trong khuôn khổ các Hiệp định Tự do hoá Thương mại với Trung Quốc và Ấn Độ.

 

 

Tự do hoá Tài khoản Vốn

 

 

Chúng tôi vui mừng trước sự trở lại của các dòng vốn vào khu vực và đây là yếu tố đã hỗ trợ và giúp cải thiện các điều kiện kinh tế và tài chính. Chúng tôi cũng nhận thức những rủi ro có liên quan và sự cần thiết quản lý các luồn vốn lớn và biến động thông qua việc tăng cường hệ thống giám sát. Về vấn đề này, chúng tôi tái khẳng định cam kết tiếp tục tự do hoá tài khoản vốn. Chúng tôi hài lòng với việc thực hiện quy trình cùng đánh giá và xác định những nguyên tắc thúc đẩy hơn nữa đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

 

Tăng cường Hợp tác Tài chính và Hội nhập Kinh tế ASEAN


Tăng cường Giám sát Khu vực


Nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng đang đặt ra những thách thức mới cho khu vực. Do đó, điều quan trọng là chúng ta tiếp tục tăng cường năng lực giám sát để hỗ trợ hội nhập kinh tế và tài chính khu vực nhằm xác định sự phát sinh của các rủi ro và điểm yếu mới. Nhằm mục tiêu này, chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc tôhiết lập một Văn phòng Giám sát Tài chính và Kinh tế vĩ mô (MFSO) thuộc Ban Thư ký ASEAN.

 

Chúng tôi cam kết thành lập cơ quan giám sát khu vực độc lập nhằm hỗ trợ thực hiện thành công thỏa thuận CMIM đúng thời hạn. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các đối tác từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để thiết lập cơ quan này vào đầu năm tới.

 

Tài trợ cơ sở hạ tầng

 

Tiếp theo Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo về Kết nối ASEAN, chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi nhất trí về nguyên tắc sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Phat triển Châu Á để xây dựng cơ chế phù hợp của Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN để sớm đưa Quỹ này vào hoạt động. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao Ngân hàng Thế giới trong việc liên tục hỗ trợ cho Mạng lưới Tài chính Cơ sở hạ tầng (IFN). Chúng tôi cũng đã thông qua chương trình dự kiến của Ngân hàng Thế giới trong khuôn khổ IFN năm 2010.

 

Hợp tác bảo hiểm

 

Chúng tôi vui mừng với kết quả  hợp tác bảo hiểm và cam kết sẽ đẩy mạnh hợp tác bảo hiểm trong thời gian tới.

 

Hội nhập Hải quan


Hội nhập hải quan ASEAN tiếp tục được triển khai thông qua việc ký kết Nghị định thư lần thứ hai sửa đổi Nghị định thư quy định việc thực hiện Danh mục Hài hòa Thuế quan ASEAN. Chúng tôi vui mừng vì phần lớn các quốc gia thành viên đã triển khai hệ thống danh mục thuế quan khu vực để thống nhất việc phân loại hàng hoá tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại khu vực. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực trong việc đơn giản hoá và hợp lý hoá các thủ tục hải quan theo các tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc triển khai Tờ khai Hải quan ASEAN. Chúng tôi ghi nhận những tiến bộ trong triển khai các hoạt động hải quan khác, đặc biệt là việc thực thi Kế hoạch chiến lược Phát triển Hải quan và Cơ chế một cửa ASEAN.
 

 

Chúng tôi cũng yêu cầu các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN đẩy nhanh việc điều chỉnh Hiệp định Hải Quan ASEAN và hoàn thành Nghị định thư số 2 và số 7 trong Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hoá quá cảnh, cũng như việc triển khai các biện pháp hải quan có liên quan trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tập trung vào thoả thuận thừa nhận chung giữa các cơ quan hải quan trong ASEAN.

 

 

 

Cam

kết và Xây dựng một ASEAN ngày càng lớn mạnh

 

Trên cơ sở thành tựu hội nhập kinh tế, chiến lược của chúng ta sẽ tiếp tục tập trung vào việc phối hợp chính sách chặt chẽ hơn và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn. Về mặt này, chúng tôi hoan nghênh đề xuất của Malaysia đăng cai Hội thảo xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN 2010 tại Kuala Lumpur vào quý 4 năm 2010 nhằm khuyếch trương ASEAN như một tài sản đầu tư và tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư qua biên giới.

 

 

Chúng tôi vui mừng chứng kiến Châu Á đang dẫn đầu trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Chúng tôi cam kết biến nỗ lực phục hồi này thành tăng trưởng ổn định và bền vững cho khu vực. Chúng tôi sẽ hành động nhằm duy trì động lực của tiến trình cải cách và nâng cao sự bền vững và ổn định của các hệ thống tài chính. Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa cho việc định hình bức tranh kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng và tích cực tham gia vào những nỗ lực quốc tế nhằm xây dựng một nền kinh tế toàn cầu lớn mạnh hơn. Với mục tiêu này, chúng tôi hy vọng vào vai trò chủ tịch của Hàn Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 năm nay. 

 

Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ và nhân dân nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc tổ chức chu đáo và lòng hiếu khách dành cho tất cả đại biểu. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM) lần thứ 15 sẽ được tổ chức vào năm 2011.


 (Theo mof.gov.vn)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 233
Chung nhan Tin Nhiem Mang