Để thực hiện những định hướng trên, Bộ Tài chính đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý quy định toàn bộ thông tin, dữ liệu về thu NSNN (kể cả số phải thu, số đã thu của người nộp thuế) đã được trao đổi một cách tập trung, kịp thời giữa KBNN, cơ quan thu (thuế, hải quan), cơ quan tài chính, thông qua trung tâm trao đổi dữ liệu trung ương.
Đồng thời, tại các đơn vị KBNN cũng đã được cài đặt và sử dụng chương trình phần mềm ứng dụng thu NSNN (TCS), giúp cho việc tổ chức thu, nộp của KBNN và người nộp thuế thuận tiện, nhanh chóng.
Triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN, đặc biệt là việc xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về người nộp thuế tại trung tâm trao đổi dữ liệu trung ương đã tạo ra cơ sở vật chất cũng như điều kiện kỹ thuật cần thiết; đồng thời, thúc đẩy xu hướng tổ chức phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành Tài chính (KBNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) với hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm phục vụ tốt hơn và tạo thêm nhiều lựa chọn cho người nộp thuế.
KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 về hướng dẫn tập trung, quản lý các khoản thu NSNN qua KBNN. Trong đó, quy định việc tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN, cơ quan thu và NHTM theo hướng kết nối trao đổi, đối chiếu thông tin, dữ liệu điện tử về số phải thu, số đã thu NSNN giữa các đơn vị liên quan; tổ chức ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho hệ thống các NHTM đảm nhận…
Trên cơ sở quy định của Bộ Tài chính, KBNN cũng đã chủ trì phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và một số NHTM (NHTM cổ phần Công thương Việt Nam – Vietinbank; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Agribank) xây dựng và tổ chức ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác về việc tổ chức phối hợp thu NSNN.
Ngoài ra, KBNN cũng phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xây dựng quy trình và tổ chức triển khai thí điểm công tác phối hợp thu NSNN với một số NHTM cổ phần (NHTM cổ phần Tiên Phong – TienPhong Bank, NHTM cổ phần Liên Việt – LienViet Bank, NHTM cổ phần Quân đội – MB Bank).
Quy trình phối hợp
Đối với các NHTM nơi KBNN mở tài khoản tiền gửi: KBNN, cơ quan thu và NHTM tổ chức phối hợp thu NSNN theo nguyên tắc kết nối và trao đổi thông tin dữ liệu điện tử giữa các bên về số phải thu, số đã thu NSNN.
Đối với các khoản thu NSNN bằng chuyển khoản: Cơ quan thu (hoặc KBNN đối với trường hợp cổng thông tin điện tử của cơ quan thu sẵn sàng cho việc kết nối, trao đổi thông tin với NHTM) truyền dữ liệu về số phải thu NSNN cho các NHTM.
Các NHTM sử dụng chương trình thu NSNN tại NHTM để tổ chức thu tiền từ người nộp thuế trên cơ sở số phải thu NSNN do cơ quan thu hoặc KBNN chuyển sang; hàng ngày, các NHTM tổng hợp số đã thu NSNN trong toàn hệ thống, truyền cho KBNN dưới dạng dữ liệu điện tử để hạch toán (các NHTM cũng chuyển dữ liệu trực tuyến về số đã thu NSNN cho cơ quan hải quan để làm cơ sở thông quan nhanh chóng hàng hóa xuất nhập khẩu).
Đối với các khoản thu NSNN bằng tiền mặt: KBNN được phép ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho các chi nhánh NHTM nơi mở tài khoản thực hiện (với điều kiện NHTM phải xây dựng được chương trình thu NSNN tương tự như TCS của KBNN để tổ chức thu NSNN, chương trình này phải được tích hợp vào hệ thống corebanking của NHTM, có khả năng truyền nhận và đối chiếu số liệu thu NSNN với KBNN để quản lý an toàn, chặt chẽ các khoản thu NSNN, đảm bảo phù hợp với quy định tại Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính và kế hoạch triển khai ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt đã được các bên thống nhất; dữ liệu thu NSNN bằng tiền mặt phát sinh tại các NHTM cũng được các ngân hàng này tổng hợp và truyền về KBNN dưới dạng dữ liệu điện tử).
Trường hợp KBNN đã ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho chi nhánh NHTM đảm nhận, song người nộp thuế vẫn đến KBNN để làm thủ tục nộp tiền, thì KBNN vẫn tổ chức thu tiền để tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Đối với các NHTM cổ phần mà KBNN không mở tài khoản: Việc tổ chức phối hợp thu NSNN được triển khai trước mắt đối với các khoản thu NSNN bằng việc chuyển khoản (chưa triển khai đối với các khoản thu NSNN bằng tiền mặt) và được thực hiện theo nguyên tắc kết nối và trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về số phải thu. Trao đổi thông tin, dữ liệu về số đã thu NSNN chỉ được thực hiện giữa NHTM với cơ quan hải quan để thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngoài ra, các bên còn tổ chức phối hợp cung cấp thông tin về tài khoản của người nộp thuế còn nợ thuế để cơ quan thu thực hiện cưỡng chế thuế.
Một số đánh giá ban đầu
Theo báo cáo của KBNN địa phương, trong tổng số 53 KBNN tỉnh, thành phố và 508 KBNN quận, huyện đã triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN, thì đã có 29 KBNN tỉnh, thành phố với khoảng 250 KBNN quận, huyện, tổ chức công tác phối hợp thu NSNN với các NHTM. Trong đó có khoảng 200 KBNN quận, huyện đã triển khai phối hợp thu NSNN với NHTM cả bằng tiền mặt và chuyển khoản (khoảng 50 KBNN quận, huyện mới chỉ triển khai phối hợp thu bằng chuyển khoản).
Số lượng các điểm giao dịch của NHTM (bao gồm cả chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc) đã tham gia phối hợp thu là hơn 600 đơn vị, gấp hơn 2 lần số đơn vị KBNN đã triển khai phối hợp thu NSNN (tức là số điểm giao dịch cho người nộp thuế tại những địa bàn đã triển khai phối hợp thu đã được tăng gấp hơn 3 lần).
Việc triển khai phối hợp thu NSNN được thực hiện tại các địa bàn trọng điểm có số thu NSNN lớn, đối tượng nộp thuế đông, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc tại KBNN như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa; trong đó, nhiều địa phương đã triển khai tại 100% đơn vị cấp huyện như: Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, Hải Dương, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ninh…
Trong số 32 cục hải quan và 192 chi cục hải quan đã triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN, thì mới chỉ triển khai công tác phối hợp thu NSNN giữa KBNN – Tổng cục Hải quan – NHTM được khoảng 20 đơn vị và chủ yếu tập trung tại một số địa bàn tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Nguyên nhân chủ yếu là do: Cơ quan hải quan tham gia vào dự án hiện đại hóa thu NSNN sau cơ quan thuế và KBNN và lịch triển khai của cơ quan hải quan chưa đồng nhất với lịch triển khai của KBNN (có nơi cơ quan hải quan đã triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN, song KBNN lại chưa triển khai hoặc ngược lại), nên chưa thể tổ chức phối hợp thu NSNN đối với họat động thu thuế xuất nhập khẩu được, mô hình trao đổi phần mềm ứng dụng của cơ quan hải quan cũng chưa đồng bộ với mô hình chung của dự án, nên việc truyền nhận thông tin giữa các bên còn vướng mắc.
Nhìn chung, việc truyền, nhận số phải thu NSNN từ nội địa của cơ quan thuế cho KBNN và các NHTM tại các địa phương đã tương đối đi vào nề nếp. Tuy nhiên, tại một vài địa bàn, dữ liệu về số phải thu NSNN do cơ quan thuế cung cấp chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời và chính xác, gây khó khăn cho công tác tổ chức thu, đối chiếu số liệu của KBNN và các NHTM; một số khoản thu phát sinh không thường xuyên chưa được cơ quan thuế cập nhật và truyền sang KBNN và NHTM như thuế trước bạ, các khoản phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế…
Ngoài ra, việc tổ chức dữ liệu của Tổng cục Hải quan theo mô hình tập trung, số lượng tờ khai hải quan truyền nhận giữa các bên hàng ngày quá lớn (bình quân hàng ngày truyền, nhận khoảng 220.000 tờ khai hải quan trong cả nước), trong khi đó, máy chủ truyền tin của KBNN theo dự án hiện đại hóa thu NSNN lại có cấu hình thấp (đặc biệt là máy chủ tại các KBNN quận, huyện do sử dụng máy trạm làm máy chủ) nên việc nhận danh sách dữ liệu tờ khai hải quan tại các KBNN gặp khó khăn, nhiều đơn vị KBNN không nhận được dữ liệu danh sách tờ khai hải quan, đặc biệt là tại các điểm giao dịch của KBNN, nên không hỗ trợ KBNN trong quá trình nhập liệu.
Bên cạnh đó, do cơ quan thuế còn tổ chức thông tin theo mô hình phân tán và chưa xây dựng được cổng thông tin điện tử, nên việc kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu về số phải thu NSNN còn chậm, đôi lúc xảy ra tình trạng lỗi hoặc thất lạc trong quá trình truyền, nhận dữ liệu.
Chương trình phần mềm ứng dụng thu NSNN (TCS) đã được KBNN, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và nhà thầu FPT trao đổi, phối hợp để hoàn thiện theo các yêu cầu quản lý đặt ra, nhất là việc giao diện giữa TCS và TABMIS. Vì vậy, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu trao đổi thông tin về số phải thu, số đã thu giữa KBNN – Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan – NHTM và tổ chức thu nộp NSNN từ người nộp thuế.
Cũng trong thời gian này, việc triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN đã đáp ứng được tiến độ triển khai TABMIS trong năm 2010, nhưng trong quá trình thực hiện cũng còn một số tồn tại như: thủ tục phê duyệt dự toán, xây dựng yêu cầu kỹ thuật, hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian và qua nhiều bước phê duyệt, nên việc ký hợp đồng, triển khai của cơ quan thuế, hải quan bị chậm hơn so với việc triển khai TCS và TABMIS tại KBNN dẫn tới việc, tại một vài địa bàn như Cà Mau, Bạc Liêu… KBNN không có dữ liệu về số phải thu NSNN khi triển khai TCS và TABMIS tại địa phương.
Mặt khác, việc triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN theo mô hình phân tán như hiện nay cũng chưa thực sự đạt hiệu quả cao so với mô hình tập trung (thời gian và chi phí triển khai, chi phí mua sắm máy móc thiết bị cao hơn so với mô hình tập trung), chưa thực sự tạo thuận lợi cho kết nối, trao đổi thông tin với hệ thống NHTM (các NHTM này đều thực hiện theo mô hình tập trung).
Máy chủ của Trung tâm trao đổi dữ liệu trung ương được thiết kế trong giai đoạn 1 chỉ triển khai cho 30 tỉnh và trên 100 huyện. Song hiện nay, để phục vụ cho việc triển khai TABMIS, phải triển khai mở rộng tới 53 tỉnh và 513 quận, huyện nên cấu hình máy chủ hiện không đảm bảo đủ và dẫn tới việc thông tin, dữ liệu truyền nhận giữa các đơn vị bị chậm hoặc đôi khi bị thất lạc… Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chưa xây dựng xong (hoặc đã xây dựng xong, nhưng chưa triển khai như đối với trường hợp của Tổng cục Hải quan) cổng kết nối trao đổi thông tin điện tử với các NHTM, nên vẫn phải truyền, nhận dữ liệu số phải thu NSNN cho các NHTM thông qua KBNN.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có thỏa thuận cơ quan hải quan thực hiện nhận số đã thu NSNN trực tuyến từ NHTM để thực hiện thông quan ngay hàng hóa xuất nhập khẩu cho người nộp thuế. Song do cơ quan hải quan chưa triển khai kết nối trực tuyến với các NHTM, nên hiệu quả triển khai đối với nội dung này còn thấp, chưa đạt mục tiêu so với yêu cầu đặt ra.
Chương trình KT559 của Tổng cục Hải quan cũng chưa đồng bộ với mô hình chung của dự án, đơn cử như theo mô hình chung của dự án hiện đại hóa thu NSNN, thì mã cơ quan thu đối với các đơn vị hải quan chỉ theo dõi chi tiết đến cấp chi cục (không theo dõi chi tiết tới các đội, phòng nghiệp vụ); song thiết kế của chương trình KT559 lại theo dõi chi tiết đến các đội, phòng nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cách đánh số tờ khai hải quan tại các đơn vị hải quan hiện nay có thể bị trùng. Vì vậy, khi KBNN chuyển dữ liệu về số đã thu NSNN cho Tổng cục Hải quan (bao gồm cả số đã thu NSNN nhận được từ các NHTM), thì tại một số đơn vị hải quan không thể đưa được dữ liệu nhận từ KBNN vào chương trình KT559 của mình.
Hiện nay, NHTM chưa tham gia vào việc kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu thu NSNN, nên chưa có sự điều chỉnh chuẩn thông tin của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng phù hợp với chuẩn thông tin của TCS. Vì vậy, phần nào gây khó khăn cho các NHTM (đặc biệt là các NHTM cổ phần, nơi KBNN không mở tài khoản) trong việc truyền, nhận dữ liệu thu NSNN từ ngân hàng phục vụ người nộp thuế về ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản thông qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Cần sớm hoàn thiện công tác phối hợp thu NSNN với các NHTM
Trên cơ sở chương trình ứng dụng TCS của KBNN, NHTM đã đầu tư xây dựng ứng dụng thu NSNN theo mô hình tập trung trên công nghệ web, có gắn với hệ thống corebanking và có đầy đủ chức năng tương tự như ứng dụng TCS tại KBNN. Vì vậy, việc triển khai có thuận lợi hơn so với KBNN, đơn cử như dữ liệu được tập trung tại trung ương, nên tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống NHTM – KBNN – Tổng cục Hải quan – Tổng cục Thuế; các NHTM không phải truyền nhận thông tin giữa hội sở chính và các chi nhánh, nên tránh được tình trạng dữ liệu bị chậm hoặc bị thất lạc trên đường truyền; việc tập trung dữ liệu tại trung ương cũng tạo điều kiện cho các NHTM có thể nghiên cứu, phát triển các ứng dụng thu NSNN hiện đại khác (như tổ chức thu đa điểm, thu qua ATM, Internetbanking…) cũng như tra cứu thông tin, hỗ trợ người nộp thuế bổ sung, hoàn thiện đầy đủ các thông tin trên chứng từ thu NSNN khi họ đến làm thủ tục nộp NSNN.
Tuy vậy, chương trình ứng dụng thu NSNN tại các NHTM hiện mới chủ yếu phục vụ cho các hình thức nộp NSNN bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản tại trụ sở chi nhánh hoặc phòng giao dịch của NHTM, chưa chú trọng phát triển các hình thức thu nộp NSNN khác như Internetbanking, ủy nhiệm thu không chờ chấp thuận, hình thức thu qua ATM còn hạn chế… Điều này chủ yếu do các NHTM chưa đầu tư công nghệ và phát triển được các dịch vụ gia tăng đi kèm các hình thức thu nộp trên, nên chưa thu hút đông đảo các đối tượng nộp thuế tham gia sử dụng.
Riêng đối với hệ thống Vietinbank cũng đã phối hợp với KBNN, Tổng cục Thuế nghiên cứu xây dựng ứng dụng thu NSNN qua thẻ ATM để tổ chức triển khai thí điểm đối với hộ kinh doanh cá thể tại quận Ngô Quyền – thành phố Hải Phòng từ tháng 5/2010. Đến nay, số lượng chủ thẻ ATM của Vietinbank đã tham gia nộp thuế qua thẻ ATM hơn 300 người.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thí điểm cũng còn một số vướng mắc như: Dữ liệu người nộp thuế Vietinbank nhận được từ Tổng cục Thuế còn bị thiếu một số trường nội dung như thiếu hoặc sai thông tin về số chứng minh thư của người nộp thuế, không có thông tin về mã cơ quan thu trong dữ liệu người nộp thuế… nên một số chủ thẻ ATM không có đủ dữ liệu để nộp NSNN tại máy ATM và họ lại phải đến NHTM để làm thủ tục nộp tiền. Do đặc tính công nghệ in nhiệt chứng từ tại các máy ATM, nên sau một thời gian lưu trữ, thì các chứng từ nộp NSNN in từ các máy ATM bị mờ; đồng thời, cũng chưa có một văn bản pháp lý quy định rõ về tính pháp lý của chứng từ nộp NSNN được tin từ máy ATM nên gây bất tiện và tăng thủ tục hành chính không cần thiết cho người nộp thuế…
Từng bước giảm bớt áp lực về biên chế, kinh phí cho hệ thống KBNN khi phải tổ chức các điểm thu ngoài trụ sở, thu phạt ngoài giờ hành chính… cũng đang tạo điều kiện cho KBNN xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bố trí sắp xếp điều chuyển cán bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung vào việc thực hiện Chiến lược phát triển KBNN và triển khai dự án TABMIS.
(Khánh Huyền) Theo taichinhdientu.vn