Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
8 trọng tâm trong cải cách quản lý tài chính công.
Ngày cập nhật 23/05/2010

Bộ Tài chính cho biết, hơn hai năm triển khai (2007-2009), chương trình cải cách quản lý tài chính công đã đạt nhiều kết quả tích cực, các hoạt động này sẽ tiếp tục được ngành Tài chính đẩy mạnh và theo đuổi trong năm 2010 cũng như những năm tiếp theo nhằm nâng cao tính hiệu quả, bền vững. Trong đó 8 lĩnh vực trọng tâm được đặt ra:

Về quản lý chi ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) sửa đổi, trong đó tập trung vào 6 chủ đề gồm: Nghiên cứu và rà soát kỹ cơ chế phân cấp kinh tế giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu để có quy định rõ  trong Luật NSNN về phân cấp nhiệm vụ giữa các Bộ và các địa phương trong quản lý NSNN theo ngành, lĩnh vực; thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân sách; nghiên cứu xử lý những nhiệm vụ đột xuất phát sinh như chống lạm phát, suy giảm kinh tế; thí điểm thực hiện cơ chế quản lý NSNN theo kết quả đầu ra; xây dựng định mức phân bổ ngân sách thời kỳ ổn định mới, áp dụng từ năm 2011.

Bộ sẽ hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quản lý ngân quỹ để lấy ý kiến tham gia của các đơn vị thuộc Bộ. Nội dung cơ bản của Nghị định bao gồm 4 vấn đề lớn: Dự báo dòng tiền; Thiết lập tài khoản thanh toán tập trung (TSA); Quản lý và đầu tư ngân quỹ; Kế toán, kiểm toán trong việc quản lý và đầu tư ngân quỹ; Báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo đánh giá trách nhiệm tài chính quốc gia CFAA; Chuẩn bị các nội dung cần thiết cho việc thực hiện thí điểm đánh giá trách nhiệm giải trình tài chính và chi tiêu công (PEFA); Hoàn thiện chế độ kế toán áp dụng cho TABMIS, đánh giá giai đoạn triển khai rộng hệ thống tại 6 địa phương trong năm 2009, tiếp tục triển khai diện rộng trên phạm vi toàn quốc.

Trong công tác quản lý thu, ngành Tài chính sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ 2 dự án: Hiện đại hoá quản lý thuế và hải quan; triển khai Quyết định 103/2009 của Thủ tướng ngày 12/8/2009 về việc thí điểm thủ tục hải quan điện tử và thí điểm nộp hồ sơ kê khai thuế qua mạng; kết nối thông tin qua mạng giữa các đơn vị trong ngành; áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra thực tế hàng hoá nhằm giảm thời gian thông quan.

Về quản lý nợ công, cơ quan Tài chính tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về nợ trong nước kết hợp với cơ sở dữ liệu nợ nước ngoài để tạo thành cơ sở dữ liệu thống nhất về nợ công; bổ sung, sửa đổi các quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp trong Bộ Tài chính để quản lý nợ chủ động, hiệu quả trong các khâu vay nợ, phát hành nợ, cho vay lại và trả nợ; hoàn thiện và tổ chức thực hiện cơ chế thu thập thông tin báo cáo nợ từ các chủ thể khác nhau của khu vực công (doanh nghiệp Nhà nước, chính quyền địa phương); xây dựng phương pháp hiện đại về quản lý nợ công gồm phương pháp ghi chép nợ tổng hợp, phương pháp xác định, phân tích, xử lý và quản lý rủi ro tài khoá; tiếp tục chuyển hướng sang phương thức quản lý nợ chủ động, xây dựng chương trình quản lý nợ trung và dài hạn.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thống nhất việc quản lý, giám sát đối với thị trường tài chính ở Việt Nam, tạo ra cơ chế quản lý, giám sát và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong quản lý, giám sát thị trường tài chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý và an toàn thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia. Đồng thời xây dựng Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020, trong đó, trọng tâm của việc phát triển thị trường trái phiếu là phát triển thị trường trái phiếu của Chính phủ và thị trường các công cụ phái sinh với trái phiếu Chính phủ là công cụ gốc…

Trong công tác đổi mới quản lý tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ củng cố, hoàn thiện mô hình SCIC và ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách tài chính, tạo điều kiện thuận lợi để SCIC hoạt động, phát triển theo đúng mục tiêu đề ra, đáp ứng điều kiện hội nhập WTO; xây dựng và ban hành Nghị định về sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào kinh doanh, thực hiện chung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư giữa các thành phần kinh tế; hoàn thiện các quy định về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang công ty cổ phần và tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN; chuyển đối các DNNN sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 từ tháng 7/2010.

Bộ Tài chính sẽ rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý tài sản công như hệ thống tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản phù hợp với điều kiện mới, các văn bản về quản lý tài sản Nhà nước thuộc kế cấu hạ tầng, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài sản Nhà nước và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước.

Về quản lý giá, Luật Giá sẽ được Bộ Tài chính xây dựng để thay thế Pháp lệnh Giá hiện hành, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2011. Mặt khác, Bộ Tài chính sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn về thẩm định giá tài sản, dự kiến hoàn tất ngay trong năm 2010; tiếp tục lộ trình thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với một số sản phẩm và dịch vụ.

Cuối cùng, dự kiến trong năm 2010 Bộ Tài chính sẽ ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính công trên cơ sở tiền mặt, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa vào áp dụng đối với các chuẩn mực khác. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động ngành nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó hoàn chỉnh khung pháp lý nghề nghiệp cho kế toán và kiểm toán./.

TBTCVN số 59

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 230
Chung nhan Tin Nhiem Mang