Quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện
Trong thời gian qua, cơ chế quản lý tài chính đối với giáo dục đại học đã luôn luôn được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển. Ngay từ đầu những năm 2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP về chế độ tài chính đối vơi đơn vị sự nghiệp có thu, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khoá XII về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm 2010-2011 đến năm học 2014-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2009/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015,… có thể nói các cơ chế tài chính trên đã tạo động lực quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc nâng cao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm trong việc khai thác, phát huy các tiềm năng về cơ sở vật chất, tài sản, đội ngũ giáo viên để mở rộng quy mô, đa dạng hoá các loại hình đào tạo, gắn với nhu cầu xã hội, tăng nguồn tài chính cho nhà trường, tăng cường tái đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động… Tuy vậy, thực tế cho thấy bên cạnh những thành tích quả tích cực mang lại, cơ chế tài chính hiện nay đối với giáo dục đại học vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới cho phù hợp với các chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.
Ngày 26/5/2011, Bộ Chính trị đã có Thông báo Kết luận số 37-TB/TW về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công” và khẳng định việc tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong thời gian tới là cần thiết, phải được tiến hành với quyết tâm cao hơn, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện hơn về cơ chế hoạt động và tài chính… Do vậy yêu cầu đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công nay lại càng trở nên cấp thiết.
Toàn cảnh hội thảo
Định hướng lớn
Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh cho biết, tại Hội thảo lần này, một số định hướng dự kiến sẽ được đề xuất với các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể như: chi phí cho giáo dục đại học trước hết cần phải được tính đủ các chi phí đào tạo. Sau khi tính chi phí đào tạo cho từng ngành học, sẽ tiến hành phân nhóm, đối với những ngành nghề có khả năng xã hội hoá cao, người học có nhu cầu thì ngoài phần ngân sách có thể hỗ trợ một phần, còn lại sẽ thu bổ sung để đảm bảo đủ chi phí đào tạo thì mới đảm bảo được chất lượng đào tạo là cái đích cuối cùng. Tuy nhiên, nguồn thu để bù đắp có 2 phần: phần đối với học sinh không thuộc diện ưu tiên, có đủ điều kiện mà muốn được hưởng chất lượng giáo dục tốt thì sẽ bỏ ra một số tiền lớn hơn trước đây để được hưởng một chất lượng dịch vụ tốt; còn lại những đối tượng như người nghèo, con em gia đình nghèo, con em gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa thì nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho những người có đủ điều kiện về kiến thức có điều kiện để theo học đại học.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng nêu rõ, đối với những ngành nghề như khoa học cơ bản, người học không có nhu cầu nhưng nhà nước rất cần thì nhà nước sẽ đặt hàng với các trường và sẽ lo tài chính để đảm bảo không mất cân đối cơ cấu các ngành học.
Theo PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội, hiện nay các cơ sở giáo dục đào tạo được giao tự chủ chi nhưng lại không được giao tự chủ thu, đây là 1 cơ chế hơi nghịch lý với một yêu cầu rất quan trọng là các cơ sở giáo dục đào tạo nhất là các cơ sở có thể có nguồn thu cao đang được vận động, khuyến khích chuyển sang hoạt động theo cơ chế như một DN mà cơ chế của họ hiện nay lại ngược lại hoàn toàn so với cơ chế của một DN. Do đó, cần phải từng bước nới lỏng để các cơ sở này có nhiều quyền hơn trong vấn đề tự chủ thu giống như các DN, lúc đó ta mới gọi là áp dụng cơ chế cho các cơ sở đào tạo theo cơ chế DN. Do đó, rất cần thiết phải cho các cơ sở giáo dục đào tạo quyền tự quyết các chương trình đào tạo gắn với chất lượng. Nếu yêu cầu các cơ sở này tự chủ dựa vào học phí thì người học sẽ phải đóng góp và thay vì đóng học phí ở mức độ bình thường để đáp ứng yêu cầu của người dân thì cần phải cho các cơ sở giáo dục đào tạo cơ chế tự chủ thu từ các dịch vụ đó kể cả vượt khung so với quy định nếu như họ cam kết làm tốt, khi đó nhà nước không cần đầu tư nhiều mà người học vẫn có thể chấp nhận được. Đây mới là cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục đào tạo hoạt động theo cơ chế DN theo đúng nghĩa của nó.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm thành công về việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2008-2012; trao đổi những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm mở rộng hơn nữa việc giao quyền tự chủ về tài chính gắn với tự chịu trách nhiệm, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã cùng nhao trao đổi, thảo luận về nội dung Đề án thí điểm đặt hàng đào tạo và Đề án thí điểm việc mở rộng quyền tự chủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với nhóm các cơ sở giáo dục đại học công lập có đào tạo các chuyên ngành có nhu cầu cao trên thị trường.
Theo mof.gov.vn