Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đăng đàn đầu tiên, trả lời chất vấn về các vấn đề: Thực hiện Ngân sách nhà nước; tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế; khắc phục bội chi ngân sách; phòng ngừa rủi ro trong vay nợ chính phủ, vay nợ quốc gia...
Trước khi trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo một số vấn đề các ĐB và cử tri cả nước quan tâm. Đối với những công việc triển khai của ngành Tài chính thời gian qua, Bộ trưởng đã nêu một số vấn đề về Đề án đảm bảo cho người nông dân khi sản xuất và bán lúa gạo có lãi tối thiểu 30% so với giá thành và thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp. Bộ trưởng đã nhận được 15 câu hỏi chất vấn, trong đó có 2 câu do Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, 1 câu không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính. Các câu trả lời đã được Bộ Tài chính gửi tới các ĐBQH. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề về lập dự toán thu, chi và kết dư ngân sách; về chuyển nguồn theo Luật Ngân sách; điều hành giá cả một số mặt hàng như giá điện, giá xăng dầu, giá than bán cho điện những tháng đầu năm...
Không có nợ xấu, nợ khó đòi
Các câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) tập trung vào vấn đề: Tăng thu NS trong năm 2009 là quá cao thực chất được hiểu như thế nào; nợ đọng thuế; con số thực về nợ công và quản lý sử dụng nợ công; dư dự toán chi năm 2009.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, hiện nay cơ cấu thu của chúng ta gồm thu từ trong nước, dầu thô và thuế XNK. Thu từ trong nước, hiện nay chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế, mức động viên đang ở mức trung bình trên thế giới. Thu từ dầu thô, có năm khai thác khoảng 15- 17 triệu tấn. Thu thuế XNK, chúng ta đang hội nhập, thực hiện cam kết, chúng ta phải điều chỉnh giảm dần. Về xu hướng, thu nội địa đã tăng. Trước đây chỉ chiếm 35-40% nhưng nay đã lên 57%. Thuế XNK và dầu thô có xu hướng giảm. Tuy nhiên cái gốc là tiếp tục cơ cấu nền kinh tế mạnh hơn, trong đó xây dựng các dự án, là nguồn thu quan trọng và là cơ sở đảm bảo vững chắc các nguồn thu như từ các nhà máy lọc dầu, xi măng, sắt thép...
Về nợ đọng thuế, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, cơ cấu chủ yếu là nợ luân chuyển theo chế độ là 17.277 tỷ/23.000 tỷ. Ví dụ như Thuế Thu nhập doanh nghiệp (DN), chúng ta đang cho các DN được tạm nộp hàng quý, quyết toán vào quý 1, quý 2 của năm sau nên số thuế này không phải chúng ta mất mà các DN nếu nộp thừa phải hoàn lại cho DN, nếu thiếu DN phải nộp thêm. Thuế TNCN cũng vậy. Với Thuế XNK, có những mặt hàng được NK hàng hóa, nguyên liệu để sản xuất hàng XK, được gia hạn thời hạn nộp thuế là 275 ngày. Cá biệt có mặt hàng được gia hạn theo chu kỳ sản xuất. Đây là những quy định tại các Luật thuế. Còn trường hợp nợ thuế do truy thu, khai man, khai chưa đúng sẽ bị xử lý. Luật Quản lý thuế quy định, DN được tự khai, tự tính, tự nộp, cơ quan quản lý thuế thanh tra, kiểm tra. Thời hiệu sau 5 năm thanh tra thuế nếu phát hiện trốn thuế, khai không đúng sẽ bị truy thu hoặc có thể bị truy tố. Hiện Bộ Tài chính cũng đang tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đang triển khai thực hiện bộ phận cưỡng chế thuế để hạn chế thất thu thuế, nợ đọng thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.
Trả lời câu hỏi về con số thực của nợ công, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, con số nợ công (nợ quốc gia và nợ Chính phủ) là hoàn toàn chính xác, đã bao gồm nợ của DN tự vay tự trả và nợ bảo lãnh của Chính phủ cho các DN. Chúng ta đang điều hành quản lý nợ theo chỉ tiêu cho phép. Nợ vay nước ngoài chủ yếu là vay dài hạn. Đặc biệt, đến nay chúng ta không có khoản nợ nào đến hạn không trả được. Đây là chỉ tiêu vô cùng quan trọng. Có thể nói, chúng ta sử dụng nợ có hiệu quả, không có khoản nợ xấu, nợ khó đòi, Bộ trưởng cho biết.
Kiểm soát giá chặt chẽ
ĐB Danh Út (Kiên Giang), ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu tăng nhanh nhưng giảm chậm và Chính phủ có biện pháp hữu hiệu nào để hạn chế tình trạng này. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ Tài chính luôn kiểm soát chặt chẽ về giá và đứng về phía người tiêu dùng. Về việc các DN thực hiện giá xăng dầu tăng nhanh nhưng giảm chậm là do giá của thời điểm những tháng đầu năm biến động, nếu bình thường, giá xăng dầu của chúng ta đã phải điều chỉnh do giá tăng cao. Nhưng Chính phủ ra Nghị quyết ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại nên Nhà nước phải áp dụng các chính sách như lùi thuế, trích Bình ổn giá bù giá. Vì vậy, khi giá xăng giảm thì không thể giảm ngay được mà phải bù lỗ.
Đối với một số mặt hàng thiết yếu tăng giá có tác động đến đời sống của người dân, Bộ trưởng thừa nhận. Để hỗ trợ cho người dân, Chính phủ đã có nhiều giải pháp như: Năm 2008 hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân. Năm nay tăng giá điện nhưng từ 50 số đầu không tăng giá. 50-100 số điện tiếp theo điều chỉnh ở mức giá vừa phải. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tăng thêm 7.000 đồng/hộ/100 số điện. Chính sách đó được thiết kế để hạn chế tác động đối với người dân. Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài chính đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và cho rằng sắp tới cần tăng các chế tài xử phạt để tăng tính răn đe.
SCIC sẽ có mô hình mới
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) về vấn đề lương, thu nhập của lãnh đạo Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC); có nước nào bộ trưởng kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT hay không; và làm rõ cơ cấu của SCIC, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, hiện nay Bộ trưởng đang là chủ tịch HĐQT của SCIC. Đây là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ phân công. SCIC là một mô hình đặc thù, được thành lập năm 2005 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, để đại diện chủ sở hữu vốn tại các DN có vốn của Nhà nước. Đây là mô hình mới nên cần phải điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp. Trên thế giới, ở Singapore có mô hình này, trong đó Thủ tướng là Chủ tịch HĐQT, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Singapore là thành viên của hội đồng phê duyệt.
Về tiền lương và thu nhập của các thành viên SCIC, Bộ trưởng giải thích rõ: Đây là tổng công ty của NN và thực hiện theo Nghị định của Nhà nước nên thực hiện theo Luật DN 2003, Nghị định số 206, 207 về chế độ tiền lương tiền thưởng và chế độ trách nhiệm của Tổng giám đốc tổng công ty nhà nước. Khoản thu nhập và tiền lương nêu ra chưa thật rõ nên dư luận có hiểu chưa đúng. Thu nhập không phải là tiền lương nhưng cộng vào bảo là tiền lương thì không đúng như khoản ăn trưa, làm thêm giờ, tiền thưởng... Bộ trưởng cũng thừa nhận, công tác kế toán của SCIC chưa thực sự chuẩn, đây cũng là trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng vấn đề tài chính tiền tệ vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh suy giảm của kinh tế quốc tế, Việt Nam dù là nền kinh tế đi sau nhưng giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, không có xáo động về tài chính tiền tệ là một thành tựu, trong đó phải kể đến sự đóng góp của Bộ Tài chính. Chủ tịch QH đánh giá Bộ trưởng đã trình bày khá kỹ, cụ thể nhưng chất vấn của ĐB. Tuy nhiên, trong số 21 lượt ĐB QH đăng ký, còn 7 ĐB chưa được chất vấn sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi trả lời bằng văn bản./.
(Theo mof.gov.vn)