Đây là chỉ số không những thấp nhất tính từ đầu năm đến nay (tháng 1 tăng 2,38%, tháng 2 tăng 3,56%, tháng 3 tăng 2,99%, tháng 4 tăng 2,20%, tháng 5 tăng 3,91%, tháng 6 tăng 2,14%, tháng 7 tăng 1,13%, tháng 8 tăng 1,56%), thấp xa so với mức tăng bình quân một tháng trong 8 tháng trước đó (tính chung 8 tháng tăng 21,65%, bình quân một tháng tăng 2,48%), mà còn thấp hơn tốc độ tăng của tháng 9 trong nhiều năm trước đó (tháng 9.2007 tăng 0,51%, tháng 9.2006 tăng 0,3%, tháng 9.2005 tăng 0,8%, tháng 9.2004 tăng 0,3%,…).
Cũng nhờ tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 9 năm nay thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 0,18% so với tăng 0,51%), nên sau một năm (tức là tháng 9 năm nay so với tháng 9 năm trước), giá tiêu dùng tăng 27,9%, thấp hơn so với tốc độ tăng tương ứng của tháng 8 (tăng 27,95 so với tăng 28,32%). Đây là chiều hướng mới của tốc độ tăng giá tiêu dùng sau một năm so với cùng kỳ năm trước (các tháng trước, tốc độ tăng giá so với cùng kỳ năm trước của tháng sau liên tục cao hơn của tháng trước). Một đặc điểm khác đồng thời cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho tốc độ tăng giá tiêu dùng chung chậm lại hẳn là do giá lương thực tiếp tục giảm mạnh và giá thực phẩm lần đầu tiên trong năm nay đã giảm. Ở đây, có hai vấn đề đặt ra. Một mặt, lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu dùng của người dân, nên giá giảm sẽ có tác động làm cho người tiêu dùng nói chung phấn khởi, nhất là nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, tỷ trọng chi tiêu cho nhóm hàng này thường cao hơn nhiều so với nhóm người có thu nhập cao. Mặt khác, giá lương thực giảm trong khi lượng hàng còn tồn đọng trong dân rất lớn: ở Nam Bộ sắp đến mùa lũ không đủ chỗ chứa, ở miền Bắc sắp bước vào vụ thu hoạch lúa mùa, nhiều nơi có triển vọng được mùa khá. Giá thực phẩm giảm do lượng nhập khẩu tăng mạnh, lên đến hàng trăm nghìn tấn thịt, với giá cả thấp. Đây là vấn đề cần được giải quyết để người nông dân đỡ thiệt thòi, tránh tình trạng "được mùa, mất giá" hoặc "trồng, chặt" tiếp tục diễn ra. Vấn đề cần được giải quyết ở đây là cung ứng vốn, ưu đãi lãi suất, mua dự trữ, đẩy mạnh xuất khẩu,…
Giá tiêu dùng tháng 9 tăng thấp do nhiều nguyên nhân. Ngoài những nguyên nhân như đã nói trên, còn có tác động của các giải pháp kiềm chế lạm phát được thực hiện quyết liệt từ các tháng trước và tác động của giá thế giới có xu hướng giảm, nhất là giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng,… Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, bởi giá tiêu dùng sau 9 tháng (tức là tháng 9 năm nay so với tháng 12 năm trước) vẫn còn tăng tới 21,9%; nếu tính theo năm (tức là tháng 9 năm nay so với tháng 9 năm trước) vẫn còn tăng tới 27,9% và bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước vẫn còn tăng tới 22,77%. Trong những tháng cuối năm nay do thông lệ, do yêu cầu đưa vốn ra thực hiện kế hoạch cả năm, do nhu cầu hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho Tết Dương lịch, Tết Âm lịch lớn và sự biến động khó lường của thiên tai, dịch bệnh…, nên vẫn cần phải tiếp tục coi kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu. Những tháng cuối năm nay, giá tiêu dùng có thể không cao bằng cùng kỳ năm trước (năm trước tháng 10 tăng 0,74%, tháng 11 tăng 1,23%, tháng 12 tăng 2,91%), nhưng nếu tăng bình quân khoảng 0,7%/tháng, thì 3 tháng cuối năm sẽ tăng trên 2,11% và tính chung cả năm sẽ tăng xấp xỉ 25%, cao gấp đôi tốc độ tăng 12,63% của năm trước; nếu tính bình quân năm thì cao gấp gần 3 lần tốc độ tăng 8,3% của năm trước.
(Theo Thanh nien)