"Chạy đua" số liệu
Ngày 17/2/2007 - đúng ngày mồng một Tết Đinh Hợi, VN nhận tin vui đặc biệt khi Bộ BCVT công bố: VN đã có 29,54 triệu máy TBĐT, đạt mật độ 35 máy/100 dân. Đây là dấu mốc quan trọng bởi mật độ điện thoại 35 máy/100 dân chính là chỉ tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra cho ngành BCVT trong kế hoạch 5 năm từ 2006-2010. Điều đó có nghĩa VN đã đạt được chỉ tiêu của Đại hội Đảng đề ra trước 4 năm.
Tuy nhiên, các DN lại liên tiếp tung "hỏa mù". Theo phân tích của các chuyên gia, nếu như 70% của 29,54 triệu TBĐT là TB di động, thì đến tháng 2/2007 số lượng này cũng chỉ ước đạt khoảng hơn 20 triệu TB. Thế nhưng, chỉ 3 DN là MobiFone, Vinaphone và Viettel công bố thì liên tục con số này đều vượt con số của Bộ TTTT cả chục triệu TB.
Chưa hết, năm 2008 mới thực sự là cuộc đua nóng trong việc công bố số lượng TBĐT. Điều này buộc Bộ TTTT phải vào cuộc. Tháng 6/2008, Bộ này "chốt" con số TB di động của Viettel có 19,42 triệu TB, MobiFone có hơn 13,4 triệu, VinaPhone có 12,1 triệu TB. Cuối tháng 9/2008 vừa qua, TCTK cũng công bố số lượng TBĐT. Theo công bố này, cả nước có 70,4 triệu TBĐT, đạt mật độ gần 82 máy/100 dân. Trong đó TB di động chiếm gần 81%, tương đương với khoảng 57 triệu TB.
Tuy nhiên, các DN thì khác. MobiFone vừa trao tặng 100 triệu đồng cho TB 01267693147 tại TPHCM được xác định là TB thứ 21 triệu. Ngay sau đó, theo công bố của MobiFone thì chỉ sau 1 tháng chạm mốc 21 triệu TB thì đến nay DN đã có gần 23 triệu TB. Trước đó tháng 6/2008, Viettel cũng trao thưởng cho TB thứ 20 triệu. Sau 3 tháng, nếu theo cách tính mỗi ngày DN này có thêm khoảng 40.000 TB thì đến nay con số chắc sẽ có thể là hơn 23 triệu (?)...
Cần sự thống nhất
Rõ ràng với diễn biến trên thì không chỉ cách công bố thông tin có vấn đề; mà đối tượng công bố thông tin cũng không thống nhất. Vì thế, điều hiển nhiên là số lượng TBĐT công bố cũng không thống nhất. Vì thế, một số chuyên gia viễn thông đã nghi ngờ về tính xác thực của những con số này.
Nếu lấy con số của Bộ TTTT làm chuẩn thì liệu con số của TCTK có chính xác? Bởi điều đó đồng nghĩa với việc sau 3 tháng, các DN di động phát triển mới được thêm khoảng 9 triệu TB, tưng ứng với mỗi tháng phát triển được 3 triệu TB (?). Nhưng, nếu cộng con số TB của DN công bố thì con số này còn vượt xa hơn rất nhiều.
Điều này đặt ra một vấn đề hết sức nghiêm túc là cần có sự thống nhất về đầu mối quản lý, công bố số liệu. Từ đây thì việc quản lý này cần đặt ra câu hỏi lớn: Cơ quan nào sẽ có quyền công bố số liệu trên? Cách thức điều tra, khảo sát sẽ phải được tiến hành ra sao? Khi nào thì cần thực hiện việc làm trên và khi nào thì cần công bố?
Báo chí đã từng nhiều lần đề cập đến vấn đề quản lý TBĐT. Đây là điều quan trọng bởi nó phản ánh thị trường, sự phát triển dịch vụ và là một phần của kinh tế xã hội. Đặc biệt, qua đó để biết và hoạch định con đường phát triển phù hợp. Đối với NTD, số liệu này cũng là quan trọng bởi nó là một "góc" của tấm gương phản chiếu khả năng phát triển của DN viễn thông. Sâu xa hơn, tương lai của số liệu này sẽ liên quan đến việc thực hiện đánh giá tài sản DN nếu như cổ phần hóa, hợp tác chiến lược, liên doanh... Tóm lại, việc điều tra và công bố số lượng về TBĐT là rất quan trọng, bởi đây chính là "cơ sở dữ liệu" về lĩnh vực kinh tế này.