Triển khai cơ chế một cửa ASEAN: Kết quả khả quan
Đến nay, đã có 15 phiên họp của Nhóm làm việc về các vấn đề kỹ thuật, 10 phiên họp của Nhóm chuyên gia kỹ thuật, 11 phiên họp của Nhóm làm việc về các vấn đề pháp lý và 06 phiên họp của Ban chỉ đạo ASEAN. Qua đó, đã đạt được một số kết quả khả quan:
Thứ nhất, triển khai các nội dung về mặt kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ: Tập trung phát triển mô hình dữ liệu ASEAN phiên bản 2.0 với các tài liệu chủ yếu là tờ khai hải quan và giấy chứng nhận xuất xứ; Phát triển các quy trình trao đổi thông tin đối với các tài liệu trong mô hình dữ liệu ASEAN trên môi trường Dự án thử nghiệm Cơ chế một cửa ASEAN (ASW); Hoàn thành cấu phần 1 (xây dựng kiến trúc kỹ thuật cho dự án thử nghiệm ASW) bao gồm một số chuẩn kỹ thuật như: giao thức truyền thông, chuẩn thông điệp dữ liệu,… để phục vụ dự án thử nghiệm ASW cũng như nghiên cứu xây dựng các chuẩn kỹ thuật cho ASW. Chuẩn bị các nội dung kỹ thuật để thí điểm việc trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên trong khuôn khổ dự án thử nghiệm song song với việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về triển khai dự án thử nghiệm ASW; Chuẩn bị điều kiện để hình thành các chuẩn mực kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ xây dựng ASW.
Thứ hai, triển khai các nội dung về mặt pháp lý và tăng cường năng lực: Thông qua Biên bản ghi nhớ (MoU) về triển khai dự án thử nghiệm ASW nhằm xây dựng mô hình ASW và chuẩn bị cơ sở để xây dựng hệ thống pháp lý cho ASW sau này; Dự thảo và trao đổi một số nội dung cơ bản về pháp lý để xây dựng khung pháp lý cho ASW; Xây dựng ma trận chỉ số đánh giá tiến độ thực hiện NSW của các nước thành viên ASEAN; Thực hiện các chương trình tăng cường năng lực cho hải quan các nước thành viên thông qua các hội thảo trong khu vực.
Thứ ba, ASW được xây dựng nhằm đạt được các mục đích chủ yếu sau: Xây dựng và thử nghiệm mô hình và kiến trúc về mặt kỹ thuật để đưa ra giải pháp kỹ thuật, công nghệ cho hệ thống CNTT một cửa ASW; Phân tích những vấn đề pháp lý cần giải quyết trong quá trình thử nghiệm mô hình kỹ thuật để tổng hợp thành các nội dung phục vụ xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của ASW; Dự án được thiết kế thành 03 cấu phần chính với sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Hoa Kỳ dành cho ASEAN dưới tên gọi ADVANCE.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, việc tham gia dự án sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước một cách toàn diện về các mặt pháp lý, kỹ thuật nghiệp vụ, công nghệ, cơ chế quản lý điều hành… tranh thủ ý kiến của các chuyên gia tư vấn quốc tế về cách thức xây dựng và thực hiện NSW và ASW; theo sát các hoạt động của ASEAN để có thể nắm bắt các vấn đề kỹ thuật, pháp lý và qua đó chủ động tham gia vào các phiên đàm phán xây dựng, thực hiện các cam kết về ASW. Vì vậy, trên cơ sở đồng thuận của các Bộ, ngành và các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Biên bản ghi nhớ (MoU) về triển khai Dự án thử nghiệm ASW, theo đó Việt Nam sẽ là một bên tham gia dự án (hiện tại, có 03 nước tham gia với tư cách quan sát viên bao gồm: Campuchia, Lào và Myanmar).
Thứ tư, Dự án USAID – Phân tích khoảng cách pháp lý: Trong khuôn khổ chương trình ADVANCE hỗ trợ các nước thành viên ASEAN do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ thông qua USAID, Việt Nam đã đề nghị tiến hành dự án phân tích khoảng cách pháp lý giữa khung pháp lý hiện hành của Việt Nam với các chuẩn mực quốc tế nhằm đưa ra các khuyến nghị thực thi trong lĩnh vực xây dựng văn bản pháp quy đảm bảo cho việc thực thi Cơ chế một cửa quốc gia và tham gia Cơ chế một cửa ASEAN của Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của dự án là hỗ trợ Việt Nam xác định những quy định có thể là rào cản đối với: Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam; Đảm bảo sự tương thích về các quy định qua biên giới giữa cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam với các quy định của các quốc gia thành viên khác của ASEAN; Đảm bảo sự tương thích về mặt pháp lý của các cơ chế một cửa quốc gia hoặc các cấu phần của các cơ chế một cửa quốc gia với các thể chế phi chính phủ sẽ tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia và các giao dịch thương mại điện tử của từng quốc gia và giao dịch thương mại điện tử qua biên giới.
Tiến trình hoạt động trong khuôn khổ quốc gia
Ban chỉ đạo quốc gia đã phê duyệt bản “Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và tham gia cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2008-2012” cũng như thành lập các Nhóm chuyên môn về các vấn đề pháp lý và kỹ thuật để hỗ trợ cho công tác triển khai. Ngoài ra trong quá trình triển khai thực hiện các cấu phần của kế hoạch tổng thể nói trên, các thành viên Ban chỉ đạo cũng đã được cập nhật thông tin từ Cơ quan trường trực thông qua cơ chế báo cáo, xin ý kiến đối với các nội dung cụ thể liên quan đến Bộ, ngành mình.
Cho tới thời điểm điểm hiện tại, cơ sở triển khai công việc xây dựng NSW chủ yếu dựa trên “Kế hoạch tổng thể triển khai cơ chế một cửa quốc gia và tham gia cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2008 – 2012” đã được Ban chỉ đạo quốc gia phê duyệt tại Quyết định số 2599/QĐ-BCĐASW ngày 21/10/2009. Theo đó, các nội dung đã và đang thực hiện bao gồm:
- Rà soát lại các khuôn khổ pháp lý, hệ thống ứng dụng CNTT có liên quan đến các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh của Tổng cục Hải quan nói riêng và các bên liên quan để xác định mô hình và xây dựng hệ thống tương lai;
- Rà soát và mô hình hoá tất cả các quy trình nghiệp vụ của các bên liên quan để phục vụ cho việc chuẩn hoá và hài hoà hoá các quy trình nghiệp vụ trên cơ sở các quy định hiện hành;
- Rà soát và tổng hợp các chỉ tiêu thông tin cũng như các chứng từ do các cơ quan chính phủ yêu cầu để xây dợng bộ dữ liệu thương mại Việt Nam trên cơ sở các loại chứng từ do cơ quan hải quan thu thập;
- Rà soát, đối chiếu với kết quả Đề án 30 của các Bộ, ngành đối với các quy trình thủ tục có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá và phương tiện vận tải;
- Phê duyệt Bộ dữ liệu hành chính và thương mại quốc gia phiên bản 1.0 bao gồm dữ liệu và mô hình quy trình thủ tục liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của 06 Bộ: Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Thông tin và truyền thông;
- Tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ để triển khai NSW và ASW (bao gồm: nguồn lực tài chính và chuyên gia của các dự án có sẵn, xây dựng các dự án mới, tìm nguồn tài trợ mới…);
- Triển khai các dự án hỗ trợ trong khuôn khổ ASEAN của USAID về rà soát pháp lý;
- Thực hiện các thủ tục để triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật bao gồm: dự án hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ tài trợ của Quỹ tín thác đa biên giai đoạn 2; dự án hỗ trợ kỹ thuật do USAID tài trợ;
Trong thời gian vừa qua, các Bộ, ngành đã triển khai một loạt các hoạt động cải cách, hiện đại hoá có tác động tới việc triển khai NSW bao gồm: Đề án 30 về cải cách thủ tục hành của Chính phủ; Dự án hiện đại hoá Hải quan kết hợp với thủ tục Hải quan điện tử; Dự án hiện đại hoá thu ngân sách (TABMIS); Dự án hiện đại hoá ngành Thuế; Hệ thống C/O điện tử của Bộ Công thương.
- Hệ thống quản lý thông tin phương tiện XNC tại cảng biển và yêu cầu triển khai thực hiện Công ước FAL 65 về tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải đường biển do Bộ Giao thông vận tải chủ trì…
Những dự án, hoạt động nêu trên có tác động khá tích cực và đem lại rất nhiều thông tin hữu ích cho công tác chuẩn bị trước giai đoạn triển khai. Trong dài hạn các hoạt động này cần phải được kết hợp và hài hoà với các hoạt động trong khuôn khổ NSW để đảm bảo tận dụng hiệu quả nguồn lực và ngân sách đầu tư.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các hoạt động nhằm triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN đều được thực hiện theo đúng lộ trình.
Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN được thành lập theo Quyết định số 1263/QĐ-TTg ngày 16/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm thành viên là Lãnh đạo cao cấp của các Bộ, ngành với nhiệm vụ hỗ trợ Chính phủ đưa các quyết sách lớn và vấn đề mang tính định hướng cho triển khai NSW mà không tập trung vào các nội dung chuyên môn sâu.
Ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN 2008-2012 (gọi tắt là Ban chỉ đạo) do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng ban; các Phó trưởng Ban là Thứ trưởng các Bộ: Tài chính, Công thương và Giao thông vận tải; thành viên là các đồng chí lãnh đạo của các cơ quan : Bộ Tư pháp, Bộ giao thông vận tải; Bộ Y tế; Bộ Ngông nghiệp và phát triển nonog thôn; Boọ Công an; boọ Quốc phòng; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên – Môi trường; Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; Tỏng cục Hải quan; Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam.
|
(Theo mof.gov.vn)