Trong 5 năm qua, Thanh tra Tài chính đã thực hiện 265 cuộc thanh tra: Thanh tra Tài chính địa phương thực hiện 215 cuộc thanh tra lĩnh vực quản lý vốn đầu tư xây dựng, Thanh tra Bộ thực hiện 52 cuộc. Trong đó, Thanh tra Bộ thực hiện thanh tra chuyên đề 02 cuộc về Dự án đầu tư Kiên cố hoá trường lớp học tại 28 tỉnh, thành phố và chuyên đề về Dự án phân lũ, chậm lũ bảo vệ Thủ đô tại 05 tỉnh, thành phố; thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư tại 20 tỉnh, thành phố; thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư tại 01 Bộ và thanh tra 29 cuộc tại 32 dự án độc lập .
Nhìn chung, công tác quản lý đầu tư và xây dựng của các Bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã chấp hành đúng qui định về trình tự thủ tục và nội dung qui định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên vẫn còn có nhiều sai phạm, khuyết điểm xảy ở các khâu, từ công tác chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, thực hiện đầu tư, bố trí vốn, phê duyệt tổng mức đầu tư, phê duyệt dự toán, công tác đấu thầu, tạm ứng, nghiệm thu thanh toán, đến quyết toán công trình hoàn thành ở một số dự án; sai phạm về tài chính 31.248 tỷ đồng (Sai phạm qua thanh tra Bộ Phát hiện 30.098 tỷ đồng; qua thanh tra Tài chính địa phương phát hiện 150 tỷ đồng).
Các sai phạm tập trung chủ yếu vào các nội dung:
Thứ nhất, công tác bố trí vốn không căn cứ vào nguồn vốn của ngành, địa phương có thể huy động được dẫn đến mất cân đối ngay từ khi giao dự toán; bố trí vốn đầu tư còn dàn trải kéo dài thời gian không đúng so với qui định, chưa tập trung dứt điểm cho các công trình chuyển tiếp; bố trí vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ định có mục tiêu sai mục đích; bố trí vốn cho các dự án không đủ điều kiện ghi kế hoạch vốn, dẫn đến tiến độ thi công kéo dài, hiệu quả thấp; nợ khối lượng XDCB lớn vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách, gây mất cân đối ngân sách và gây khó khăn về vốn cho doanh nghiệp… (Những sai sót về tài chính qua các cuộc thanh tra, do Thanh tra Bộ thực hiện tại các Bộ, ngành địa phương, cơ quan, đơn vị về các sai sót nêu trên với số tiền là 22.954,20 tỷ đồng).
Thứ hai, công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dự toán - thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán các dự án, công trình XDCB còn có nhiều sai sót, Phê duyệt tăng tổng mức đầu tư, tăng giá trị tổng dự toán, dự toán, giá gói thầu không đúng gây lãng phí tiền vốn, như: tính trùng, tính thừa khối lượng, áp không đúng định mức, đơn giá theo biện pháp thi công trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt, tính chi phí đảm bảo giao thông không đúng chế độ…(Những sai sót về tài chính qua các cuộc thanh tra, do Thanh tra Bộ thực hiện tại các Bộ, ngành địa phương, cơ quan, đơn vị về các sai sót nêu trên với số tiền là 3.880,417 tỷ đồng).
Thứ ba, công tác nghiệm thu, tạm ứng, thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng còn xảy ra tình trạng chưa chấp hành đúng các quy định về trình tự, thủ tục nghiệm thu khối lượng XDCB hoàn thành; ở một số nơi công tác khảo sát thiết kế chưa được coi trọng, còn sơ sài, mặt khác công tác giám sát của chủ đầu tư đối với phần khuất, ẩn dấu chưa được chặt chẽ và đúng trình tự quy định, nên có nội dung công việc chưa đủ cơ sở pháp lý để nghiệm thu thanh quyết toán; việc kiểm tra khối lượng nghiệm thu, áp đơn giá để lập phiếu giá thanh toán chưa đúng qui định, công tác nghiệm thu khối lượng hoàn thành còn trùng lắp, không đúng khối lượng thực tế thi công, không đúng đơn giá vật liệu, không đúng đơn giá công việc được nghiệm thu …(Những sai sót về tài chính qua các cuộc thanh tra, do Thanh tra Bộ thực hiện tại các Bộ, ngành địa phương, cơ quan, đơn vị về các sai sót nêu trên với số tiền là 2.013,371 tỷ đồng)
Thứ tư, tình trạng vi phạm Luật và quy chế đấu thầu vẫn còn diễn ra ở các ngành, địa phương được thanh tra, như: Cho phép chỉ định thầu thi công các công trình thuộc diện phải đấu thầu; Cho phép đấu thầu hạn chế các dự án thuộc diện phải đấu thầu rộng rãi; Việc thẩm định và xét thầu không rõ căn cứ phê duyệt giá trúng thầu cao hơn giá Dự toán, điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng kinh tế sai qui định... … với sai phạm về tài chính lên tới 2.250,433 tỷ đồng.
Qua kết quả thanh tra, Thanh tra Tài chính đã có nhiều kiến nghị với các Bộ, ngành địa phương, chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan. Trong đó, xử lý tài chính Thu hồi nộp vào ngân sách Nhà nước: 996,63 tỷ đồng; Giảm trừ khi nghiệm thu, thanh toán: 526,414 tỷ đồng; Đề nghị trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý: 601,200 tỷ đồng; Kiểm tra làm rõ và bổ sung căn cứ để thanh, quyết toán: 269,698 tỷ đồng.
(VĐT) - Theo mof.gov.vn