Cũng giống như những nước phát triển khác, để cải thiện hạ tầng cơ sở, Việt Nam phải đầu tư phát triển, nâng cấp đồng bộ cả hệ thống. Tuy nhiên, để đầu tư trong lĩnh vực này, cần một lượng vốn khổng lồ, vì vậy việc kêu gọi vốn tư nhân tham gia vào mô hình hợp tác phát triển công - tư trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã được nhiều nước tính đến như Hàn Quốc, Philippines, Mexico, Chile, Australia hay Peru...
Vừa qua, đoàn công tác liên ngành về “Đối tác công - tư” do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc. Theo đánh giá, Hàn Quốc là nước có kinh nghiệm và rất thành công trong việc thực hiện đầu tưu cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP.
Tại đây, đoàn đã giới thiệu với các nhà đầu tư Hàn Quốc và quốc tế môi trường kinh doanh cùng những cơ hội đầu tư vào khu vực cơ sở hạ tầng ở Việt Nam theo phương thức PPP, qua đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác ở Việt Nam.
Cũng tại buổi tiếp xúc, đại diện của 150 công ty, tổ chức tài chính, ngân hàng Hàn Quốc đã thể hiện sự quan tâm tới việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam theo hình thức PPP. Cùng với đó, Đoàn đã làm việc với Bộ Tài chính Chiến lược Hàn Quốc, đưa ra thỏa thuận về nguyên tắc ký văn bản Hợp tác trao đổi kinh nghiệm về PPP giữa hai nước.
Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng là những nước tiên phong và rất thành công trong việc thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP.
Mới đây nhất, 2 quốc gia này cũng vừa nhất trí hợp tác để tài trợ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác theo hình thức Đối tác công - tư.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ hợp tác để hỗ trợ các quan hệ PPP ở tất cả các giai đoạn của dự án phát triển hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á, từ khâu lập kế hoạch đến thiết kế, mua sắm, xây dựng và điều hành.
JICA và USAID dự kiến thực hiện dự án hợp tác đầu tiên ở Việt Nam và sẽ đệ trình Chính phủ Việt Nam một kế hoạch, trong đó có việc thành lập một quỹ đầu tư vào năm tới.
Theo dự kiến vào tháng 3/2012, JICA sẽ thành lập một quỹ có trị giá từ 400 đến 500 triệu USD để tài trợ cho các dự án PPP và đóng góp vào quỹ này dưới dạng các khoản đầu tư và cho vay. Đồng thời, USAID cũng sẽ bảo lãnh lên tới 50% giá trị vốn vay cho các dự án sử dụng quỹ này và tìm kiếm sự hợp tác từ các tổ chức tài chính ở Việt Nam và Mỹ.
Các dự án nằm trong chiến lược hợp tác của hai cơ quan này gồm các nhà máy điện và các cơ sở năng lượng khác, thông tin và viễn thông, đường bộ và các hệ thống giao thông khác, các hệ thống cấp thoát nước.
Ngoài Việt Nam, JICA và USAID cũng có kế hoạch hỗ trợ các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Philippines, Lào và Campuchia.
Như vậy, động thái trên chứng tỏ một điều: PPP đang dần trở thành phương thức hợp tác hiệu quả, “đôi bên cùng có lợi”, được coi là hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, để mô hình này có thể thực sự hoàn thiện và đem lại lợi ích như mong muốn rất cần có một chính sách, một khung pháp lý đủ rộng. Thực tế, trong suốt thời hạn của một dự án cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư tư nhân phải đối mặt với nhiều rủi ro mà họ cần xem xét: rủi ro đấu thầu, rủi ro đàm phán, rủi ro xây dựng, rủi ro hoạt động và rủi ro từ Chính phủ.
Nếu được thực hiện đúng đắn, khuôn khổ PPP có khả năng giảm bớt rủi ro, đặc biệt trong các giai đoạn ban đầu, do khuôn khổ PPP quy định một quy trình lựa chọn nghiêm túc đối với các dự án PPP dựa trên các tiêu chuẩn cơ bản và bằng việc thực hiện một nghiên cứu tiền khả thi. Điều này sẽ giúp sàng lọc các dự án không phù hợp và chú trọng hơn vào các dự án chất lượng cao hơn…
(T.Hương) - Theo www.taichinhdientu.vn