Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Phát triển thị trường mua bán nợ Việt Nam: Rào cản chính sách và định hướng hoàn thiện
Ngày cập nhật 13/12/2012

 Đó là chủ đề cuộc Hội thảo khoa học do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (CL&CSTC) phối hợp với Trường Đại học Tài chính Marketing (miền Nam), dưới sự đồng chủ trì của TS.Phạm Hữu Hồng Thái - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing, TS.Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện CL&CSTC, Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam, vừa mới tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.

 Ở nước ta hiện nay, thị trường mua bán nợ được đánh giá còn khá sơ khai, cả về các điều kiện ra đời, phát triển cũng như thực tiễn hoạt động. Với tinh thần đóng góp và làm sâu sắc hơn vấn đề xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ, Hội thảo khoa học đã thu hút đông đảm sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các doanh nghiệp thuộc các Cục, Vụ, Viện ở hai miền Nam và Bắc.

Hội thảo đã tập trung đánh giá thực trạng thị trường mua bán nợ ở Việt Nam hiện nay; Khuôn khổ pháp lý đối với thị trường mua bán nợ và những định hướng sửa đổi bổ sung; Phân tích những cơ chế xử lý nợ hiện nay như xóa nợ, cơ cấu lại nợ, M&A, cổ phần hóa, hóa đổi nợ thành vốn chủ sở hữu v.v. và những vướng mắc; Định giá doanh nghiệp, tài sản trong quá trình mua bán nợ; Vai trò của các chủ thể (công ty xử lý nợ, tổ chức tín dụng, khách nợ) trong quá trình mua bán nợ; Phát triển thị trường mua bán nợ trong bối cảnh tái cấu trúc ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước; Đánh giá thực trạng nợ xấu trong các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay; Kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển thị trường mua bán nợ: cả thị trường mua bán nợ doanh nghiệp và nợ ngân hàng; Vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài; Và một số vấn đề khác liên quan khác đến hoạt động của thị trường mua bán nợ, cơ chế cho hoạt động mua bán nợ ở Việt Nam và trên thế giới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học trên tinh thần xây dựng để tìm ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ Việt Nam.

Theo TS. Phạm Hữu Hồng Thái, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến 31/3/2012 khoảng trên 200.000 tỷ đồng, đã có nhiều giải pháp được đưa ra để xử lý nợ xấu, tuy nhiên còn nhiều rào cản về vốn và pháp lý. Trong thực tế, các ngân hàng thương mại (NHTM) có rất nhiều động tác nghiệp vụ để che giấu các khoản nợ xấu. Ngân hàng có thể dùng thủ thuật gộp lãi thành khoản vay mới hoặc gia tăng thời gian ân hạn của khoản vay. Bên cạnh đó, một rào cản nữa khiến NHTM không muốn xử lý nợ xấu là do thủ tục kiện tụng, thu hồi tài sản thế chấp hiện nay là cực kỳ phức tạp, có thể kéo dài vài năm, chi phí xử lý nợ xấu là rất lớn. Trong việc phát triển các công ty mua bán nợ, các AMC sẽ làm méo mó thị trường mua bán nợ, khiến nó trở thành độc quyền thay vì vốn dĩ nên là thị trường tự do. Một độc quyền sẽ dẫn đến hàng loạt vấn đề về tính minh bạch, lợi ích nhóm, hiệu quả hoạt động, tiêu cực.

Còn theo ông Phạm Mạnh Thường, vượt rào cản chính sách trong xử lý nợ xấu cần kết hợp mô hình xử lý nợ tập trung với phát triển thị trường mua bán nợ; khuyến khích tài chính và cơ chế pháp lý để thu hút đầu tư vào thị trường mua bán nợ thứ cấp; xử lý bất cập về thuế, tòa án và thi hành án; cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và doanh nghiệp mắc nợ; xử lý nợ xấu VCB theo hướng thị trường.

Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm về một số phương án xử lý nợ xấu được để xuất trong Hội thảo như sử dụng công ty mua bán nợ hay mua bán sáp nhập các ngân hàng để đồng thời tái cơ cấu ngân hàng với xử lý nợ xấu. Trong đó, nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như chính các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cho rằng muốn giải quyết nợ xấu điều quan trọng là phải tạo dựng được thị trường để mua - bán nợ xấu.

Rõ ràng, để đạt được những mục tiêu như ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, yêu cầu cấp thiết trước mắt là phải xử lý nhanh chóng nợ xấu để khơi thông dòng vốn tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn vốn vay của các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất, hoạt động kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin và ảnh: MP - Theo mof.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 114
Chung nhan Tin Nhiem Mang