Trong đó, Việt Nam tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu. Bên cạnh đó, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà và chuyển thẩm quyền chứng nhận quyền sở hữu nhà từ cơ quan chính quyền địa phương sang Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm cho việc cấp phép xây dựng thuận lợi hơn nữa. Ngoài ra, hệ thống thông tin tín dụng cũng được cải thiện, cho phép người đi vay được kiểm tra báo cáo tín dụng về họ và được quyền sửa chữa các thông tin sai lệch.
Với nỗ lực như vậy, Việt Nam đã tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh thuận lợi, “vươn” lên vị trí 78 trong số 183 nền kinh tế đề cập trong Báo cáo.
Ông Simon Andrews, Giám đốc Khu vực IFC phụ trách Việt Nam, Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan khẳng định: Các nỗ lực cải cách thể chế và hành chính công của Chính phủ Việt Nam đã thể hiện ở sự tăng bậc xếp hạng chung của Việt Nam. Trước mắt, Việt Nam phải tiếp tục tập trung vào việc triển khai các cải cách trên thực tế và duy trì động lực cải cách.
Động lực cải thiện môi trường kinh doanh
Báo cáo Môi trường Kinh doanh phân tích các quy định áp dụng cho các doanh nghiệp trong một nền kinh tế trong suốt vòng đời của doanh nghiệp, từ khi thành lập và hoạt động, thực hiện giao thương quốc tế, đóng thuế, đến đóng cửa doanh nghiệp. Môi trường Kinh doanh không đề cập đến tất cả mọi lĩnh vực của môi trường kinh doanh mà chỉ những lĩnh vực quan trọng đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chẳng hạn, không đề cập đến các yếu tố an ninh, ổn định kinh tế vĩ mô, tham nhũng, trình độ tay nghề hay năng lực của hệ thống tài chính.
Các kết quả của Báo cáo đã khơi dậy những tranh luận về chính sách ở hơn 80 nền kinh tế và tạo điều kiện hình thành một cơ quan chuyên nghiên cứu về mối liên hệ giữa các quy định ở cấp độ doanh nghiệp và thành quả kinh tế ở khắp các nước.
Từ năm 2005 tới nay đã có khoảng 85% các nền kinh tế trên thế giới tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp địa phương thông qua 1.511 cải cách trong quy định về kinh doanh. Trung Quốc là một trong 15 nền kinh tế cải cách tích cực nhất khi đã triển khai 14 thay đổi về thể chế nhằm tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn trong những năm gần đây, trên cả 9 lĩnh vực mà Báo cáo Môi trường Kinh doanh xem xét.