Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Câu chuyện tỷ giá và xuất khẩu năm 2011
Ngày cập nhật 23/12/2011

Tỷ giá luôn được coi là một trong những chính sách vĩ mô rất quan trọng, có thể thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra trong những điều kiện nhất định và khác nhau giữa các sản phẩm và theo thời gian.

 

Thông tin này được đưa ra tại Báo cáo nghiên cứu Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000-2011 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và UNDP Việt Nam.

 

 

Thách thức trong quản lý tỷ giá

Trên thực tế, có nhiều mục tiêu được đặt ra cho chính sách tỷ giá, trong khi các công cụ thực thi chính sách và dư địa thực hiện chính sách lại khá hạn hẹp. Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng không có một khuôn mẫu sẵn có cho một nền kinh tế thực hiện chính sách tỷ giá của mình. Loại trừ một vài trường hợp cá biệt, phần lớn các nền kinh tế đều xây dựng một chính sách tỷ giá trong một không gian chính sách khá rộng rãi giữa: Chế độ tỷ giá cố định với biên dao động rất hẹp và chế độ thả nổi tỷ giá.

Việc giảm giá đồng nội tệ có thể thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra trong những điều kiện nhất định và khác nhau giữa các sản phẩm và theo thời gian.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giữa mục tiêu ổn định tỷ giá thực dựa trên tiêu dùng và mục tiêu điều chỉnh điều kiện thương mại đôi khi có sự mâu thuẫn do tác động của tỷ giá đến các mức giá cả của hàng tiêu dùng và hàng dành cho sản xuất là khác nhau.

Có thể thấy, tác động của tỷ giá đến lạm phát là không hề đơn giản. Trong một nền kinh tế mở, tỷ giá thực ảnh hưởng đến giá cả tương đối giữa các hàng hóa sản xuất trong nước và mặt hàng nhập khẩu. Việc thay đổi giá cả tương đối này đẫn đến sự thay đổi về nhu cầu đối với từng loại hàng hóa đó, từ đó dẫn đến thay đổi tổng cầu và tác động đến lạm phát. Tỷ giá cũng có thể tác động trực tiếp đến lạm phát do việc thay đổi giá cả tính bằng đồng nội tệ của hàng hóa nhập khẩu và qua đó ảnh hưởng đến chỉ số giá.

Điều đó cho thấy việc đánh giá tác động của điều chỉnh tỷ giá đến lạm phát là không hề đơn giản. Việc tăng trưởng xuất khẩu do tác động ban đầu của việc giảm giá đồng nội tệ rất có thể bị mất dần đi do những tác động bất lợi của lạm phát kéo theo trong các giai đoạn sau đó.

Quản lý tỷ giá đang là một thách thức chính sách lớn khi đang liên tục có những dấu hiệu về những méo mó trên thị trường ngoại hối, càng đặc biệt khi đây được coi là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế cùng với các vấn đề khác như thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại và lạm phát.

Điều hành tỷ giá hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại luôn được coi là những mục tiêu chính sách quan trọng của Việt Nam. Các biện pháp mạnh tay gần đây như cấm buôn bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức, yêu cầu kết hối không chính thức, hay như việc phá giá đồng Việt Nam hồi đầu năm 2011 sau một thời gian dài kìm giữ…đã đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả và phù hợp của các biện pháp này trong khuôn khổ chung của một chính sách tỷ giá.

Trong những tháng cuối năm 2011, thị trường ngoại hối chứng kiến sự tăng lên nhanh chóng của cầu ngoại tệ do nhu cầu mua ngoại tệ để trả các khoản vay đáo hạn của các doanh nghiệp tận dụng chênh lệch lãi suất trong hai quý đầu năm 2011. Cùng với đó là nhu cầu nhập khẩu thường tăng cao vào cuối năm cộng thêm nhu cầu nhập khẩu vàng nhằm kiếm lời từ sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Thêm vào đó, cung ngoại tệ giảm sút do các doanh nghiệp không muốn bán ngoại tệ cho ngân hàng bởi lo lắng về khả năng NHNN sẽ tiếp tục phá giá VND…

Tác động của giảm giá nội tệ

Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay ở nước ta trong hoạt động xuất nhập khẩu là ảnh hưởng của Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Một mặt chính sách tỷ giá của Trung Quốc theo hướng duy trì đồng nhân dân tệ yếu có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc do vậy có thể ảnh hưởng đến các đối thủ cạnh tranh khác trên cùng một thị trường, trong đó có Việt Nam. Hiện chúng ta có nhiều điểm chung về danh mục hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường chính giống Trung Quốc như dệt may, da giày, điện tử…nên việc bị ảnh hưởng là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, qua điều tra, trên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chịu ảnh hưởng tích cực của việc giảm giá danh nghĩa VND, nói cách khác, việc giảm giá đồng Việt Nam về tổng thể có thể có lợi cho xuất khẩu. Có tới 90% kim ngạch xuất khẩu có thể được cải thiện tại giai đoạn 2 sau khi VND giảm giá và chỉ có 10% bị giảm do tác động này. Tuy nhiên, tác động đến cải thiện xuất khẩu sẽ suy giảm dần theo thời gian và sẽ điều chỉnh còn ¾ kim ngạch. Xem xét cụ thể về các ngành xuất khẩu được hưởng lợi từ việc giảm giá đồng Việt Nam cho thấy đây là các nhóm hàng hiện đang dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ như dệt may, da giày, thực phẩm và đồ gỗ.

Cũng qua điều tra, các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có vẻ không phản ứng lớn đối với yếu tố tỷ giá. Kim ngạch xuất khẩu có thể được cải thiện nhờ giảm giá đồng Việt Nam chỉ chiếm khoảng 50%, trong khi con số này tại 2 thị trường Mỹ và EU là khoảng ¾. Tuy nhiên khi tính cả yếu tố Trung Quốc ảnh hưởng tới xuất khẩu thì tác động ròng của tỷ giá lên 2 thị trường này lại trở về tương tự như các thị trường khác.

Có thể nói, tỷ giá có ảnh hưởng rất lớn và tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam. Tác động này phụ thuộc vào cả 2 yếu tố là sản phẩm xuất khẩu và thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc nên hay không sử dụng công cụ này cần phải tính toán các yếu tố và mục tiêu trong nền kinh tế.

(T.Hương) - Theo www.taichinhdientu.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 24
Chung nhan Tin Nhiem Mang