Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Giá lương thực đang đe dọa các nước nghèo
Ngày cập nhật 15/06/2011

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 7/6 cho biết, hạn hán và lũ lụt đang khiến cho giá lương thực thế giới leo lên gần mức đỉnh điểm, đe dọa việc cung cấp lương thực cho người nghèo và các nước nhập khẩu lương thực.

Trong báo cáo nửa năm 2011, FAO dự kiến sản lượng ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 3,5% lên mức kỷ lục 2,3 tỷ tấn trong năm 2011, nhưng không đủ bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu và chưa thể làm lắng dịu tình trạng hỗn độn trên các thị trường lương thực thế giới.

Chỉ số lương thực của FAO, một chỉ số đo mức độ giá cả lương thực, đạt mức trung bình 232 điểm trong tháng 5/2011, cao hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù thấp hơn tháng 4 tới 3 điểm, nhưng chỉ số lương thực của FAO trong tháng 5 vẫn cao hơn chỉ cố tương tự của tháng 2 tới 6 điểm.

Giám đốc FAO phụ trách thị trường và thương mại David Hallam nói: “Tình hình chung về ngũ cốc và nông phẩm là hạn hẹp, với giá lương thực thế giới cao ở mức điên rồ, đe dọa nhiều nước có thu nhập thấp và nhập khẩu lương thực”.

Lời cảnh báo này được đưa ra sau nhiều tháng giá lương thực đã và đang làm rung chuyển nhiều nền kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. Giá lương thực leo cao cũng là một trong những yếu tố khiến cho lạm phát lan tràn trên toàn cầu. Ngân hàng Thế giới dự đoán giá lương thực leo cao đã đẩy 44 triệu người trên toàn thế giới lại rơi vào cảnh bần cùng kể từ tháng 6/2010 và là nguyên nhân dẫn đến bất ổn chính trị ở Bắc Phi. Ai Cập và Tunisia chính là hai nước nhập khẩu nhiều lương thực.

Trong báo cáo, FAO cho biết các nước thu nhập thấp và nhập khẩu lương thực dự kiến sẽ phải chi thêm 30% cho lương thực, khi kim ngạch nhập khẩu lương thực toàn thế giới đã lên tới con số kỷ lục 1,29 nghìn tỷ USD.

Sau nhiều năm bị hạn hán, thời tiết ở khu vực ven Biển Đen của Ukraine và Nga đã trở nên thuận lợi hơn và dự kiến sẽ mang lại một mùa vụ bội thu. Nhà phân tích Abdolreza Abbassian của FAO ước tính xuất khẩu lúa mì của Nga sẽ ở mức 8,5 triệu tấn, trong tổng số xuất khẩu ngũ cốc 11 triệu tấn của vụ thu hoạch 2011-2012. Giá ngũ cốc leo cao năm ngoái đã dẫn đến diện tích gieo trồng lúa mì lớn hơn trong năm nay.

Trong khi đó, Châu Âu và một phần của nước Mỹ lại bị hạn hán hoành hành trong năm nay. Không những thế, mưa lớn ở Bắc Mỹ và Canada đã đe dọa sản lượng của hai nước xuất khẩu lương thực chủ chốt của thế giới này. Sản lượng lúa mì của Pháp và Tây Âu dự kiến sẽ tụt từ 35,6 triệu tấn của năm 2010 xuống còn 31 triệu tấn trong năm nay, khiến cho khối lượng xuất khẩu lúa mì tụt từ 12,8 triệu tấn xuống còn 6-7 triệu tấn trong năm nay.

Nhà phân tích Abbassian cảnh báo nước Nga có thể áp thuế xuất khẩu lương thực như Ukraine từng làm và điều này sẽ tác động đến xuất khẩu lương thực toàn thế giới. Hội đồng ngũ cốc quốc tế dự đoán ngày 7/6 rằng sản lượng lúa mì toàn cầu không đáp ứng được nhu cầu thế giới trong vụ thu hoạch thứ hai liên tiếp do các vấn đề thời tiết.

Nguồn cung ngô và lúa mạch cũng đang trở nên hạn hẹp với việc sản lượng của vụ thu hoạch 2011-12 sẽ giảm 13,9% so với vụ thu hoạch trước.

Trong thời gian gần đây, mưa lớn đã trút nước xuống nhiều khu vực ở Tây Âu, với lượng nước mưa trong tháng 6 vượt xa tổng lượng nước mưa đổ xuống trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5/2011, nhưng cũng không đủ bù đắp cho những thiệt hại mà hạn hán trước đó gây ra. Các nhà chăn nuôi hiện đang chật vật trước tình trạng thiếu cỏ và buộc phải mua các loại thức ăn thay thế. Một số nhà chăn nuôi đã phải bán bớt gia súc vì thiếu thức ăn.

Các vị bộ trưởng nông nghiệp của G20 dự kiến sẽ nhóm họp vào cuối tháng 6/2011 tại Pháp và nước chủ nhà muốn thúc đẩy việc quản lý tốt hơn nữa trên thị trường lương thực thế giới, điều có thể vấp phải sự phản đối của Mỹ. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bruno le Maire hy vọng các bên tham dự cuộc họp sẽ đạt được một thỏa thuận về nâng cao tính minh bạch trên các thị trường thế giới và xây dựng được một mạng lưới dự trữ lương thực toàn cầu nhằm giảm thiểu những cú sốc về nguồn cung trong tương lai.

Phát biểu tại một hội nghị ở London, Bộ trưởng Bruno le Maire nói: “Tôi cho rằng chúng ta hiện đang tiến gần đến một thỏa thuận về chương trình hành động này. Cũng giống như tính minh bạch trên thị trường dầu lửa thế giới, chúng ta cần minh bạch trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực ngũ cốc”.

 

(Theo Tamnhin.net)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 78
Chung nhan Tin Nhiem Mang