Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Áp dụng chỉ số mới: Sản xuất công nghiệp giảm tốc
Ngày cập nhật 15/06/2011

Đó là thông tin được đưa ta tại Hội thảo Công bố Thông tư số 07/2011/TT-BKHĐT về việc áp dụng “Chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng - IIP” thay thế “Chỉ tiêu chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994 hàng tháng” vừa diễn ra sáng nay, ngày 8/6, tại Hà Nội.

Chính thức áp dụng chỉ số sản xuất công nghiệp từ 1/6

Theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, công nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong GDP cả nước với 35% và đang có xu hướng tăng lên trong các năm tới đây. Cùng với đó, việc xây dựng các chỉ tiêu chỉ số thể hiện sự phát triển của ngành là hết sức quan trọng.

Thực tế, chỉ tiêu chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp đã được Tổng cục Thống kê sử dụng từ những năm 1994. Phương pháp này được đánh giá là đơn giản, biểu thị ý niệm trực quan rõ ràng và phù hợp với nền kinh tế kế hoạch tập trung và với điều kiện chủng loại sản phẩm không nhiều, chất lượng ít thay đổi và giá cả ổn định trong thời gian dài.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, sản xuất công nghiệp phát triển nhanh và đa dạng, đơn vị sản xuất luôn đổi mới sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Qua thời gian, phương pháp tính chỉ tiêu và bản thân chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định bộc lộ những bất cập như: Nhiều sản phẩm mới xuất hiện nhưng không có giá trong bảng giá cố định, nhiều sản phẩm có giá nhưng không còn sản xuất và lưu thông trên thị trường hoặc nhiều sản phẩm giá bán ngày càng hạ do đơn vị sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm…Vì vậy, áp dụng phương pháp xác định gái trị từ giá và lượng để tính giá trị sản xuất không phù hợp đối với ngành công nghiệp.

Mặt khác, sử dụng giá từ những năm 1994 để làm phương tiện so sánh chịu ảnh hưởng nhiều của kết cầu sản phẩm năm 1994.

Do vậy, nếu dùng bảng giá cố định 1994 để tính giá trị sản xuất theo giá cố định 1994 dẫn đến việc đánh giá kết quả sản xuất ngành công nghiệp và tính chỉ tiêu giá trị tăng thêm, GDP ngành công nghiệp theo giá so sánh ngày càng không phản ánh đúng thực tế…

Nhận thức và khắc phục những hạn chế, tồn tại này, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu, đưa vào áp dụng tính bộ chỉ tiêu mới: Chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp hàng tháng theo phương pháp mới để thay thế.

Chia sẻ về kết quả đạt được, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay, trong suốt thời gian thử nghiệm, phương pháp thống kê này đã phản ánh đúng xu hướng và sát với kết quả sản xuất thực chất của ngành công nghiệp như tốc độ tăng trưởng tính theo giá trị tăng thêm và GDP của ngành công nghiệp. Đồng thời, cho kết quả phong phú, chi tiết và đa dạng hơn theo ngành, sản phẩm/ mặt hàng, chu kỳ sản xuất – tiêu thụ - tồn kho của toàn ngành công nghiệp hàng tháng...phù hợp với phương pháp tính của quốc tế.

Cũng theo ông Thúy, chính doanh nghiệp sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ bộ chỉ số mới này.

Tuy vậy, cũng như nhiều quốc gia khác, Bộ chỉ số mới này của Việt Nam còn nhiều tồn tại khi mà các con số thống kê được thể hiện dưới dạng số tương đối, phản ánh sự biến động bằng %. Mặt khác, cũng như Chỉ tiêu chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994, bộ chỉ số mới sử dụng năm gốc đẻ so sánh là năm 2005 nên cũng không phản ánh hoàn toàn đầy đủ biến động về cơ cấu ngành công nghiệp của những năm sau năm gốc.

Chỉ số IIP thấp hơn so với chỉ số cũ

Thống kê mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng theo phương pháp mới của Việt Nam từ tháng 01/2008 đến nay thường thấp hơn chỉ số sản xuất công nghiệp tính theo giá trị sản xuất giá cố định 1994.

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp được tính theo phương pháp mới năm 2010 so với 2009 chỉ tăng 9,4% (công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,6% và công nghiệp sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 14,9%). Trong khi đó, theo chỉ số cũ, con số này tăng những 14,0%.

Tương tự, kết quả tính toán quý I/2011 so với cùng kỳ 2010 cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp theo phương pháp mới tăng 9,6%, trong đó, công nghiệp khai thác mỏ tăng 1,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,4% và công nghiệp sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,0%. Còn theo chỉ số sản xuất công nghiệp theo giá cố định 1994 là tăng 14,1%.

Theo nguồn số liệu chính thức, ước tính giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá 1994) trong tháng 5/2011 đạt khoảng 74 nghìn tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng 3,9% so với tháng trước. Tính chung, luỹ kế 5 tháng cho kết quả giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ năm 2010, cao hơn con số tương ứng do cơ quan này công bố năm 2010.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm, qua chỉ số IIP, có thể thấy sản xuất công nghiệp đang giảm tốc khi mà chỉ số IIP tháng 2 và 2 tháng so với cùng kỳ tăng 12,3%, song, theo số liệu mới nhất, IIP 5 tháng chỉ còn 9,2%.

Vào tháng 2 năm nay, Tổng cục Thống kê công bố tốc độ tăng của chỉ số IIP 2 tháng so với cùng kỳ lên tới 12,3%, cải thiện hơn so với năm 2010. Nhưng cũng kể từ đó, các tháng tiếp sau ghi nhận con số giảm dần. IIP 5 tháng năm 2011 chỉ còn tăng 9,2% so với cùng kỳ. Con số này đã thấp hơn IIP năm 2010 so với năm 2009.

Lý giải sự chênh lệch chỉ số giữa 2 phương pháp này, ông Thúy chia sẻ: Sở dĩ vì sao tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp tính theo giá trị sản xuất theo giá cố định 1994 thường cao hơn tốc độ tăng trưởng IIP chủ yếu là do chỉ tiêu giá trị sản xuât nói chung là chỉ tiêu phản ánh toàn bộ giá trị gồm cả nguyên, vật liệu, phục tùng nên bị tính trùng nhiều. Trong khi sản xuất công nghiệp Việt Nam đang phát triển theo hướng tăng nhanh các ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng thấp như: gia công, lắp ráp ô tô, xe máy, sản xuất máy móc, thiết bị gia đình, thiết bị điện tử, chế biến thủy sản…Thì ngược lại, các ngành có tỷ trọng giá trị gia tăng thấp lại có tốc độ tăng trưởng chậm hoặc giảm.

Mặt khác, chỉ số sản xuất công nghiệp là chỉ tiêu phản ánh biến động của ngành công nghiệp về mặt lượng với quyền số là giá trị gia tăng nên phản ánh thực hơn tốc độ tăng thực tế của ngành công nghiệp, phản ánh sát thực hơn tốc độ tăng trưởng tính theo GDP – Ông Thúy nhấn mạnh.  (T.Hương)

(Theo taichinhdientu.vn)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 77
Chung nhan Tin Nhiem Mang