Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế được xác định trên cơ sở Kết luận số 48 của Bộ Chính trị và Quyết định số 86 của Thủ tướng Chính phủ là: “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao...”.
Với mục tiêu đã xác định, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khẩn trương xây dựng các đề án, chương trình cụ thể để thực hiện tốt lộ trình đề ra, trong đó, những vấn đề quan trọng cần tập trung là: Xây dựng đô thị Huế xứng tầm là đô thị hạt nhân, đô thị động lực, trung tâm tỉnh lỵ, là trung tâm du lịch, y tế, văn hoá, đào tạo, thành phố Festival, tạo nền tảng đề thúc đẩy phát triển chuỗi đô thị trong tỉnh; Đồng thời hoàn chỉnh và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và các doanh nghiệp để phát triển nhanh và bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế để tập trung xây dựng các trung tân văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, công nghệ cao, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực cao, chất lượng cao của khu vực miền Trung và cả nước. Gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái.
Trên cơ sở mục tiêu, các chỉ tiêu đã đề ra, Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 8 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV: Chương trình nâng cấp và phát triển đô thị, trọng tâm là đô thị Huế, các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An; Chương trình phát triển du lịch. Chương trình phát triển KT-XH vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Chương trình xây dựng và phát triển khu kinh tế, đô thị Chân Mây-Lăng Cô; Chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; Chương trình giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Chương trình phát triển công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm; Chương trình bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.
Việc lập Đề án đề ra lộ trình, bước đi thích hợp trên cơ sở xác định chương trình phát triển đô thị cho hệ thống đô thị toàn tỉnh trong giai đoạn 2010 - 2015 nhằm “Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương” là rất cần thiết. Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, các ban, ngành liên quan khẩn trương xây dựng các đề án, chương trình cụ thể để thực hiện tốt lộ trình đề ra. Với lộ trình này, những vấn đề quan trọng cần tập trung là: Xây dựng đô thị Huế xứng tầm là đô thị hạt nhân, đô thị động lực, trung tâm tỉnh lỵ, là trung tâm du lịch, y tế, văn hoá, đào tạo, thành phố Festival, tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển chuỗi đô thị trong tỉnh; Hoàn chỉnh và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng; Đẩy mạnh CNH, HĐH, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm và các doanh nghiệp để phát triển nhanh và bền vững;Phát huy tiềm năng, lợi thế để tập trung xây dựng 3 trung tâm: Trung tâm văn hoá - du lịch đặc sắc của Việt Nam; Trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghệ cao của khu vực miền Trung và cả nước; Trung tâm y tế chuyên sâu. Gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xây dựng và ban hành các chính sách liên quan; khẩn trương rà soát lại quy hoạch, nhất là quy hoạch hạ tầng để tập trung đầu tư theo hướng “Ưu tiên mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, trọng tâm là thành phố Huế, Hương Trà, Thuận An. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ để hướng tới xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - Thành phố cảnh quan, di sản, thân thiện với môi trường”. Trong đó, tập trung rà soát các quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch xây dựng đô thị, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo định hướng phát triển đô thị toàn tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ưu tiên đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị Huế và cụm đô thị động lực đạt chuẩn; phát triển hệ thống đô thị vệ tinh kết nối với thành phố Huế và cụm đô thị động lực để thúc đẩy tiến trình đô thị hóa toàn tỉnh. Trong đó, tập trung xây dựng đô thị Huế xứng tầm và đô thị hạt nhân, “đô thị môi trường, cảnh quan, văn hóa”; một đô thi đặc trưng về phát triển bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, làm nền tảng để đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống đô thị vệ tinh, nhất là các đô thị Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền...; đầu tư phát triền hạ tầng kỹ thuật đô thị ở thành phố Huế, nhất là các dự án xử lý nước thải, các dự án chỉnh trang đô thị, các dự án đầu tư khu đô thị mới, nâng cao chất lượng đô thị hóa trên toàn tỉnh, gắn với đầu tư phát triển các khu, cụm đô thị mới...
Để thực hiện tốt điều này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh, các ban, ngành, địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực có thể cho đầu tư xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế. Với tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010- 2015 dự báo khoảng 110 - 150 ngàn tỷ đồng. Trong đó, đầu tư cho khu vực đô thị chiếm khoảng 70% trong tổng vốn đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước quản lý 31 - 32%, vốn ngoài Nhà nước chiếm 68-69%. Các nguồn vốn đầu tư sẽ được tập trung cho một số chương trình, công trình và dự án trọng điểm như: Công tác Quy hoạch bảo tồn và phát huy di sản Cố đô Huế; Đề án phát triển vùng kinh tế tổng hợp Tam Giang - Cầu Hai; các dự án phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các dự án giao thông đối ngoại và một số dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông; các dự án chỉnh trang và phát triển hạ tầng đô thị Huế; đầu tư xây dựng và phát triển Đại học Huế; (theo dangcongsan.vn)