Cụ thể, lương tối thiểu đối với người lao động tại vùng 1 sau khi điều chỉnh sẽ là 1,9 triệu đồng/tháng, cao hơn mức hiện hành từ 350.000 - 550.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; tại các vùng 2, 3 và 4, mức lương tối thiểu sẽ lần lượt được điều chỉnh lên 1,73 triệu, 1,55 triệu và 1,4 triệu đồng/tháng.
Điều chỉnh càng sớm càng tốt
Đó là ý kiến chung của phần lớn các đại biểu đại diện cho các sở lao động địa phương, các khu chế xuất, khu công nghiệp tham dự Hội nghị nói trên.
Ông Ngô Chí Hùng, Phó ban quản lý Khu công nghiệp chế xuất Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, tại các khu công nghiệp Hà Nội xảy ra 34 cuộc đình công, chủ yếu là để đòi tăng lương. 257 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hầu như chỉ chấp hành đúng khung bậc lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Phần lớn họ bám vào mức lương tối thiểu để thực hiện và cho rằng mình đã thực hiện đúng pháp luật, ngoài ra không hề có một khoản trợ cấp nào.
Ông Hùng lấy ví dụ, tại Công ty Yamaha Nội Bài sử dụng hơn 4.000 lao động đều áp dụng mức lương tối thiểu, không hề có một chút trợ cấp thâm niên nào. Sau khi lao động ở công ty này đình công, mức lương của họ mới được nâng lên được vài trăm nghìn và họ vẫn không đủ sống.
Ông Hùng cho biết, hầu hết công nhân khu công nghiệp phải làm thêm, không có công nhân nào làm 8 tiếng/ngày vì không có tiền làm thêm giờ, công nhân đói.
Cùng quan điểm trên, ông Bùi Hồng Mai, Phó ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh cũng cho rằng 6 tháng đầu năm Bắc Ninh có 14 cuộc đình công, nội dung chỉ đòi tăng lương. Ông Mai cho rằng, lương tối thiểu cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt vừa đảm bảo được đời sống công nhân, lại ngăn ngừa được thực trạng tranh chấp lao động giữa các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Còn theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, mức lương tối thiểu hiện nay đang mất ý nghĩa, chỉ để doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động. Còn để thu hút, giữ được lao động, nhiều doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tối thiểu rất nhiều.
Vị đại diện đến từ Quảng Ninh cũng đề xuất một điểm cần chú ý: nên thống nhất một thời điểm tăng lương đối với doanh nghiệp, nếu tăng vào hai thời điểm thì tạo hiệu ứng tăng giá cả sinh hoạt hai lần.
Riêng đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng Cơ chế chính sách, Ban chính sách pháp luật, lại đưa ra quan điểm rằng mức đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xa hội nói trên bị xem là lạc hậu so với mức chi trả của doanh nghiệp và lao động chưa thể tiếp cận được với mức sống tối thiểu.
Ông Tư cho biết, theo khảo sát của cơ quan này thì tiền lương bình quân thấp nhất của người lao động làm việc trực tiếp tại Hà Nội và Tp.HCM trong khoảng từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Ở một số địa phương khác, mức này dao động từ 1,8 đến 2,0 triệu đồng/tháng. Như vậy, theo ông Tư, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mức đề xuất thấp nhất là 1,6 triệu cho vùng 4 và 2,2 triệu cho vùng 1.
Doanh nghiệp phải “oằn mình”?
Trong khi đại diện sở lao động các địa phương, các tổ chức công đoàn đều thống nhất quan điểm mức điều chỉnh lương tối thiểu mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất là hợp lý và cần phải điều chỉnh ngay, thì đại diện các doanh nghiệp lại cho rằng thời điểm này, phải tăng dù chỉ một đồng cho chi phí đầu vào cũng là vô cùng khó khăn đối với họ.
Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành đang sử dụng số lao động lên đến 60.000 người, cho rằng, nếu Chính phủ quyết thì buộc lòng doanh nghiệp phải theo. “Tuy nhiên, tôi xin đề xuất không phải là lúc này, bởi đây là thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp”.
Bà Dung giải thích, lạm phát, giá cả tăng cao, trong lúc các yếu tố đầu vào tăng thì đầu ra lại dẫm chân tại chỗ. Đối với doanh nghiệp các ngành khác có thể “dễ thở” hơn, riêng ngành dệt may, trong thời buổi kinh tế khó khăn, may mặc chưa phải là thứ hàng thiết yếu. Con người không thể nhịn ăn nhưng họ có thể nhịn mua sắm quần áo mới.
Cùng quan điểm tăng lương doanh nghiệp gặp khó, ông Nguyễn Văn Tiến, giám đốc một doanh nghiệp chế biến thực phẩm chia sẻ: “Đồng ý là lạm phát tăng cao, mức lương hiện tại khó có thể đáp ứng được cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, hiện các chi phí đầu vào của chúng tôi đã tăng khoảng 20%, cộng thêm lãi suất ngân hàng hiện khoảng 25%, bây giờ mà tăng lương nữa chúng tôi không chịu nổi. Đấy là chưa kể đến việc, nếu doanh nghiệp khó khăn quá, sẽ không thực hiện được mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát”, ông Tiến nói.
Đồng cảm với doanh nghiệp, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho rằng, tăng lương, có thể các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng ít nhưng số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước chịu áp lực rất lớn do chi phí đầu vào tăng.
Đại diện này cũng đưa ra quan điểm, doanh nghiệp trong nước không thể chạy theo doanh nghiệp FDI thì rất vất vả vì doanh nghiệp tư nhân hiện chiếm số lượng lớn (80%) nhưng quy mô sản xuất nhỏ. Vì vậy nếu được, nên để thành 2 khối riêng.
Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, với phương án điều chỉnh trên thì chi phí (do tăng lương và bảo hiểm xã hội) của những doanh nghiệp lâu nay vẫn bám vào mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may và da giầy tăng khoảng 1,8% đến 2,0%. Những doanh nghiệp còn lại có mức độ ảnh hưởng thấp hơn.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp phát biểu rằng, “với tác động này, nhiều doanh nghiệp thực sự phải “oằn mình” tính toán, tiết kiệm các chi phí khác để chia sẻ lợi ích với người lao động”.
(Theo VnEconomy)