Đối với công tác quản lý tài chính cần phải có nhiều thay đổi, đột phá để đáp ứng yêu cầu thời cuộc, nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước đã phục hồi nhưng nhiều lĩnh vực vẫn còn yếu ớt, dễ bị tổn thương, một số cán cân lớn của nền kinh tế còn bấp bênh.
Giảm bội chi xuống 4,5% GDP
Dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011 đã được Quốc hội quyết định là 595.000 tỷ đồng, bằng 26,2% GDP, trong đó từ thuế và phí là 24,6% GDP; thu nội địa chiếm 64,2% tổng thu NSNN (năm 2010 là 63,9%), thu dầu thô chiếm 11,6%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 23,3% tổng thu NSNN. Dự toán chi NSNN năm 2011 là 725.600 tỷ đồng, tăng 143.400 tỷ đồng (24,6%) so với dự toán năm 2010. Bội chi NSNN là 120.600 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP.
Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, vì vậy kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm 2011 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn sắp tới.
Nhận thức rõ điều này, Bộ Tài chính đã chủ động đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – NSNN cho thời gian tới. Theo đó, điều chỉnh lại mặt bằng phân bổ NSNN cho các Bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; góp phần điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế; tăng mức và tỷ trọng NSNN đầu tư cho con người; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Phấn đấu đạt và vượt mức một số chỉ tiêu cơ bản như chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 40%GDP,... Phấn đấu thực hiện hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất khá nhiều giải pháp trọng tâm trong năm 2011. Trong đó có việc vận dụng hợp lý, kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành, quản lý vĩ mô nền kinh tế. Theo đó, thực hiện chính sách tài khoá thận trọng, kiểm soát chặt chẽ thu, chi NSNN; Thực hiện rà soát, bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật; Sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; Sử dụng linh hoạt chính sách lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở để thu hút và điều hoà lượng tiền trong lưu thông, trong đó chú trọng tới tính chu kỳ và mùa vụ của lạm phát. Về dài hạn, chính sách tài khóa sẽ tập trung vào hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí để giảm áp lực lạm phát.
Giải pháp đáng lưu ý khác là sử dụng linh hoạt, đồng bộ các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, ổn định cân đối vĩ mô nền kinh tế. Chẳng hạn, khẩn trương nghiên cứu để hình thành quỹ xúc tiến nhập khẩu công nghệ nguồn trên cơ sở quỹ xúc tiến xuất khẩu, trong đó tính toán tỷ lệ đóng góp hợp lý giữa nhà nước và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế để hình thành quỹ. Điều chỉnh chính sách tỷ giá theo hướng ổn định để tạo môi trường vĩ mô lành mạnh cho các doanh nghiệp phát triển. Thực hiện quản lý chặt chẽ thị trường vàng và thị trường ngoại tệ, tránh tạo ra hiện tượng đầu cơ gây bất ổn cho nền kinh tế.
Tại Hội nghị Cán bộ Công chức ngành Tài chính vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh lưu ý: kinh tế vĩ mô và một số cân đối cán cân lớn của nền kinh tế vẫn có biểu hiện chưa vững chắc, đặc biệt là cán cân thanh toán, cán cân xuất nhập khẩu. Nhập siêu năm 2010 đã giảm xuống 17,3% song kết quả này còn rất bấp bênh. Xuất khẩu năm nay tăng trưởng được 25,5%, gấp hơn 4 lần so với kế hoạch đặt ra, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn tồn tại nguy cơ thiếu hụt ngoại tệ, biến động về tỷ giá, lãi suất, tác động không tốt đến nền kinh tế. Nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng bội chi còn cao, đầu tư công còn kém hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh rằng: thời gian tới, toàn ngành cần tiếp tục phấn đấu tăng thu để giảm bội chi, hướng tới mục tiêu giảm bội chi xuống 4,5%GDP sau 5 năm nữa. Với những tín hiệu tốt trong công tác thu ngân sách như thời gian qua thì mục tiêu giảm bội chi xuống 4,5% GDP rất có thể thành hiện thực. Để giảm bội chi NSNN, một giải pháp hữu hiệu khác nữa là đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các biện pháp huy động nguồn lực xã hội như BOT, BOO, công tư kết hợp… Không thể để tồn tại hiện trạng mọi việc đều trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước vốn dĩ chỉ có hạn. Tuy nhiên, muốn thực hiện được giải pháp này thì sẽ phải thay đổi căn bản phương thức quản lý về tài chính.
Bảo đảm an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia
Theo công bố của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2009, tổng số dư nợ công của Việt Nam khoảng 52,6% GDP, trong đó, nợ Chính phủ bằng 41,9% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng 9,8% GDP; nợ của chính quyền địa phương bằng 0,8% GDP, nợ nước ngoài quốc gia bằng 38,8% GDP.
Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ phần lớn đều là các khoản vay dài hạn với lãi suất ưu đãi (vay ODA chiếm 75% tổng số nợ tính đến 31/12/2009), điển hình là khoản vay của Ngân hàng Thế giới có thời hạn 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, mức lãi suất là 0,75%/năm; khoản vay Ngân hàng phát triển Châu Á có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm; các khoản vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn và mức lãi suất 1-2%/năm. Lãi suất bình quân các khoản vay tru ng và dài hạn nước ngoài là 3,3%/năm, trong đó lãi suất bình quân đối với các khoản vay của Chính phủ là 1,9%/năm. Kỳ hạn vay bình quân gia quyền của các khoản vay của Chính phủ khoảng 11 năm, trong đó kỳ hạn vay nước ngoài bình quân khoảng 26,6 năm, vay trong nước bình quân là 4,9 năm. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định ‘‘Thời gian vay và mức lãi suất hiện tại không gây sức ép cho NSNN về nghĩa vụ trả lãi đến hạn. Các chỉ số nợ của Việt Nam hiện nay đang ở mức an toàn và nợ công đang được quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật Quản lý nợ công’’.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, trong khoảng 10 năm tới, nợ công của Việt Nam vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn và chủ động. Thế nhưng 10 năm tiếp theo thì công tác quản lý nợ công sẽ phải thận trọng, suy tính kỹ càng hơn rất nhiều. Bởi khi đó, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, đồng nghĩa các nguồn vốn vay ODA sẽ giảm, sẽ phải vay với lãi suất cao hơn. Vì vậy ngay từ bây giờ phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công, làm cơ sở pháp lý để quản lý nợ công, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài chính huy động từ bên ngoài.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ rất nhiều đầu việc như: Tăng cường công tác giám sát, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia; Thực hiện giám sát chung các chỉ số, số liệu về nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong khuôn khổ chỉ tiêu an toàn nợ; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, xử lý, cung cấp thông tin về tình hình nợ; dự báo, cảnh báo mức độ rủi ro đối với danh mục nợ; Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, giám sát, dự báo thị trường và xử lý rủi ro đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương trong việc đánh giá tình hình thực hiện, hiệu quả sử dụng vốn vay công; Chủ động có biện pháp quyết liệt trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân; Khẩn trương tiến hành xác định nhu cầu sử dụng vốn vay theo từng chương trình, dự án trong giai đoạn 5 năm - 10 năm tới để tổng hợp vào Chiến lược nợ công giai đoạn 2011 - 2020.
Quản lý giá theo cơ chế thị trường
Bộ Tài chính đã đặt ra mục tiêu điều hành, quản lý giá theo kinh tế thị trường từ nhiều năm trước, song thực tế đến nay vẫn tồn tại hiện trạng nhiều mặt hàng chưa theo đúng quy luật kinh tế thị trường, cản trở sự phát triển của nền kinh tế, gây khó khăn cho việc điều hành. Điển hình là giá điện, giá than cho 4 hộ (điện, giấy, xi măng, phân bón); giá xăng dầu; một số loại phí như viện phí, học phí…
Nhấn mạnh về giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh bày tỏ sự lo ngại: vì mục tiêu kiềm chế lạm phát nên các Bộ, ngành hữu quan đã triển khai nhiều giải pháp để kìm lại. Tuy nhiên, nếu cứ kìm mãi sẽ có nguy cơ lò xo bật mạnh khi bị nén nhiều. Với sự biến động phức tạp của giá các loại hàng hóa, chỉ tiêu lạm phát 7% thực sự là một ‘‘bài toán’’ vô cùng khó. Năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng tới 11,75%. Dự kiến sang năm 2011 cũng sẽ không dễ gì đạt được chỉ tiêu 7% này.
Để CPI năm 2011 tăng không quá 7% (chỉ tiêu được đặt ra theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 8 ngày 8/11/2010), Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính đã đề xuất 7 giải pháp về quản lý, điều hành giá :
Một là tiếp tục kiên trì đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, Nhà nước can thiệp bằng biện pháp kinh tế gián tiếp.
Hai là tập trung đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá theo yêu cầu (xây dựng Luật Giá thay cho Pháp lệnh Giá; sửa đổi, bổ sung các Nghị định của Chính phủ về thẩm định giã; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, cơ chế xác định giá trong các lĩnh vực cụ thể…).
Ba là chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá một số hàng hoá, dịch vụ Nhà nước còn định giá như điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí, nước sạch…, các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục. Sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu…
Bốn là tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp như đăng ký giá, kê khai giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá… đối với một số hàng hoá - dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá. Thực hiện kiểm soát chặt các phương án giá, chi từ ngân sách Nhà nước thanh toán cho các hàng hoá - dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kê hoạch sản xuất, hàng dự trữ Nhà nước, hàng hoá - dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá… Chuyển mạnh hơn nữa sang cơ chế đấu thầu, đấu giá, thoả thuận giá đối với các loại hàng hoá - dịch vụ này.
Năm là đẩy mạnh và tiến hành thường xuyên hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về cơ chế, chính sách và công tác quản lý điều hành về giá tới các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp.
Sáu là chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước. Tham mưu kịp thời và có hiệu quả cho Bộ Tài chính, Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành giá, bình ổn giá.
Bảy là thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá. (Ngọc Mai)
(Theo taichinhdientu.vn)