Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Công tác thống kê tài chính - từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế
Ngày cập nhật 31/05/2011

Trong những năm qua, công tác thống kê tại Bộ Tài chính đã từng bước được hoàn thiện và phát triển phù hợp với quá trình đổi mới của đất nước. Số liệu thống kê tài chính đã được sử dụng như là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá, phân tích thực trạng và xu hướng phát triển của tình hình kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước và ở từng cấp, từng ngành. Nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê tài chính, phương pháp thu thập và xử lý số liệu đã từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế

 

Điều chỉnh để phù hợp yêu cầu thực tế

Trong những năm qua, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) đã 2 lần điều chỉnh lại hệ thống chỉ tiêu thống kê cho phù hợp với các yêu cầu. Lần thứ nhất, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 616/QĐ-BTC ngày 17/2/2005 để xác định một hệ thống chỉ tiêu thống kê mới bao gồm đầy đủ hơn các lĩnh vực tài chính theo tổ chức mới của Bộ thay thế cho chế độ báo cáo thống kê tài chính định kỳ đã ban hành từ năm 2000.

Lần thứ hai, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 148/QĐ-BTC ngày 12/1/2007 về Chế độ báo cáo Thống kê tài chính theo Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (Quyết định 305/2005/QĐ-TTg ngày 24/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm đáp ứng một bước yêu cầu về các chỉ tiêu báo cáo phục vụ quản lý điều hành và hoạch định chính sách của ngành và gần hơn với định hướng thống kê tài chính Chính phủ (GFS).

Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tài chính cũng đã được tăng cường theo Quyết định phê duyệt của Bộ Tài chính số 2681/QĐ-BTC ngày 9/8/2007 về nội dung triển khai xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia tài chính - ngân sách giai đoạn 2007-2010. Đây là quyết định nhằm điều chỉnh cho phù hợp hơn với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và nhu cầu xây dựng cũng như khả năng thực thi đối với kế hoạch xây dựng và phát triển hệ thống kho dữ liệu quốc gia về tài chính ngân sách theo Quyết định số 30/1999/QĐ-BTC ngày 15/3/1999 của Bộ.

Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính – Phạm Công Minh cho biết: Thời gian qua, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã liên tục nâng cấp, củng cố hệ thống mạng máy tính và phần mềm đáp ứng yêu cầu thu thập và xử lý, lưu trữ và truyền tin theo yêu cầu của công tác thống kê tài chính. Cơ sở dữ liệu quốc gia tài chính - ngân sách cùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan là các cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng và hoạt động có hiệu quả. Điển hình là đã xây dựng lại phần mềm thu thập và tổng hợp thông tin thống kê đáp ứng các yêu cầu của hệ thống chỉ tiêu và báo cáo thống kê theo Quyết định 148/QĐ-BTC. Hệ thống phần mềm này có giao diện web chạy trên mạng hạ tầng truyền thông của Bộ Tài chính. Tất cả các báo cáo đều được truyền nhận bằng giao dịch điện tử; các cán bộ của ngành có thể truy cập và khai thác, sử dụng thông tin thống kê từ hệ thống này các số liệu thống kê theo các lĩnh vực, theo định kỳ: hàng ngày, 15 ngày, tháng, quý.

Thực hiện việc chuẩn hoá và đa dạng hoá các sản phẩm của công tác thống kê, hệ thống các chỉ tiêu thống kê tài chính đã được định nghĩa để đảm bảo hiểu và sử dụng thống nhất đối với  mọi người sử dụng. Gần đây nhất, hệ thống chỉ tiêu báo cáo thống kê ban hành theo Quyết định 148/QĐ-BTC cùng các Niên giám thống kê tài chính đều được định nghĩa rõ ràng, nhất là các chỉ tiêu về tài chính.

Sản phẩm của công tác thống kê còn được biểu hiện bằng trang “Thông tin thống kê tài chính - phục vụ lãnh đạo” được bắt đầu xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2008. Ý tưởng xây dựng trang này bắt nguồn từ giải pháp BI (Business Intelligence) tạo các thông tin tổng hợp nhanh thuận tiện cho lãnh đạo khi cần nắm bắt nhanh các thông tin cần thiết phục vụ điều hành và lãnh đạo; đồng thời có tác dụng rất lớn để cung cấp các bài phân tích của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, giúp ích cho việc phân tích hoạch định và điều chỉnh chính sách.

Bộ Tài chính đã thực hiện thu thập, tổng hợp đầy đủ thông tin và gửi cho các bộ, ngành theo đúng quy định. Đặc biệt là các báo cáo về xuất nhập khẩu, ngân sách luôn đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Thực hiện Quyết định số 111/2008/QĐ-TTg ngày 15/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với bộ, ngành, Bộ Tài chính đã đảm bảo thu thập, tổng hợp báo cáo từ các đơn vị liên quan và cung cấp đầy đủ, thường xuyên phục vụ điều hành chính sách tiền tệ quốc gia theo Nghị định số 82/2007/NĐ-CP ngày 23/5/2007 của Chính phủ quy định cung cấp thông tin phục vụ xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Hầu hết các báo cáo Bộ Tài chính đều được định kỳ gửi và nhận thông tin từ Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, cơ sở dữ liệu luật Việt Nam… dưới dạng thông tin điện tử.

Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc sử dụng thống nhất các bảng mã phân loại thống kê trong ngành tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-BTC ngày 23/3/2004 quy định về hệ thống danh mục điện tử dùng chung ngành tài chính.  Theo đó, hệ thống danh mục điện tử dùng chung gồm 15 danh mục như: Mục lục ngân sách, Địa bàn hành chính, mã số đơn vị sử dụng ngân sách, danh mục đối tượng nộp thuế, danh mục hàng hoá xuất, nhập khẩu...

Từ năm 2004 đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng hệ thống “Cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung” gồm tất cả các danh mục mà ngành sử dụng. Đến nay hệ thống danh mục dùng chung này đã và đang được các đơn vị khai thác sử dụng có hiệu quả phục vụ cho việc tích hợp, trao đổi thông tin khi xây dựng các phần mềm ứng dụng của ngành.

Nhằm tiếp tục hoàn chỉnh bổ sung các danh mục và các quy định đảm bảo hệ thống danh mục điện tử dùng chung được tiếp tục xây dựng, quản lý, cập nhật, nâng cấp và khai thác sử dụng, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 35/QĐ-BTC ngày 6/1/2010 quy định rõ các bảng mã, danh mục sử dụng thống nhất trong toàn ngành Tài chính.

Theo Luật Thống kê được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2003, công tác thống kê của ngành Tài chính đã được thực hiện tập trung, thống nhất theo mô hình quản lý ngành gồm: Thống kê tại Bộ Tài chính, sở tài chính tỉnh, thành phố, Phòng tài chính huyện, quận, thị xã; Hệ thống thống kê các tổ chức ngành dọc trực thuộc: Thuế, Kho bạc, Hải Quan, Chứng khoán, Dự trữ.

Tại Bộ Tài chính theo Quyết định số 117/2003/QĐ-BTC ngày 29/7/2003 và số 2016/QĐ-BTC ngày 21/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã xác định Cục Tin học và Thống kê tài chính là đơn vị đầu mối để triển khai, thực hiện công tác thống kê của toàn ngành.

 

Vướng mắc cần tháo gỡ

 

Theo bà Đinh Mai Anh - Phó trưởng Phòng Thống kê, Vụ NSNN (Bộ Tài chính): Thống kê ngân sách nhà nước hiện nay mới chỉ dừng lại thống kê thu, chi của các cấp ngân sách (ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã). Còn cụ thể thu, chi ngân sách của từng huyện, từng xã chưa thống kê được. Thống kê ngân sách nhà nước hiện nay mới chỉ thống kê được số liệu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, còn chưa thống kê được số liệu thu, chi ngân sách cho khu vực thành thị, nông thôn: thu, chi ngân sách nhà nước cho mục tiêu phát triển và mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Điều này không chỉ khó khăn cho việc triển khai thực hiện mà khó khăn về cả cơ sở lý luận (như khoản thu, chi như thế nào cho xóa đói giảm nghèo và ngược lại,…).

Hiện nay thống kê ngân sách vẫn phải thực hiện hai hệ thống số liệu, một là hệ thống thống kê số thu, chi ngân sách theo cách phân tổ của Việt Nam; hai là, hệ thống thống kê số liệu thu, chi ngân sách nhà nước theo hệ thống chỉ tiêu Thống kê tài chính Chính phủ (GFS). Đây là hạn chế trong công tác phân tổ thống kê ngân sách. Chính vì vậy, cần sửa đổi các quy định hiện nay về phân tổ thống kê ngân sách gần sát với thông lệ quốc tế để tránh việc hệ thống thống kê ngân sách phải song song tồn tại hai số liệu khác nhau”, bà Mai Anh cho biết.

Tổng cục Thuế là một trong số những đơn vị thuộc ngành Tài chính đã sớm ứng dụng CNTT vào thực hiện chế độ báo cáo kế toán – thống kê thuế, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Học, Phó vụ trưởng Vụ Kê khai thuế, Tổng cục Thuế: Nhìn chung, các cục thuế đã thực hiện khá nghiêm túc việc truyền và gửi báo cáo bằng văn bản. Đôi khi vẫn có hiện tượng truyền và gửi báo cáo chậm vì các lý do sau: Một số báo cáo  như TKT1A, TKT1B, TKT1C, TKT07, TKT11, TKT12  chưa được hỗ trong việc tổng hợp tự động từ máy tính nên cán bộ thống kê phải tổng hợp thủ công. Một số cục thuế lớn có địa bàn gồm nhiều chi cục nên mất nhiều thời gian đôn đốc và tổng hợp. Bên cạnh đó, việc tổng hợp báo cáo của cơ quan thuế các cấp ngoài việc tổng hợp từ các chứng từ thu, tờ khai thuế, sổ thuế vẫn phải tổng hợp từ các báo cáo kế toán, thống kê thuế của cơ quan thuế cấp dưới. Do vậy, việc tổng hợp báo cáo của cơ quan thuế cấp trên (cục thuế, Tổng cục Thuế) chưa đảm bảo chất lượng, độ chính xác và thời gian.

Bà Học cho rằng: “Cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành Thuế hiện đang phân tán tại các cục và các chi cục thuế. Vì vậy, việc tổng hợp báo cáo kế toán, thống kê chưa thực hiện kết xuất tự động trên ứng dụng tin học để phục vụ cho yêu cầu quản lý của từng cơ quan thuế các cấp. Việc truyền tin từ cấp chi cục lên cấp cục chưa được tốt, nên cán bộ thống kê cấp cục phải nhập báo cáo chi cục gửi lên vào chương trình. Nhiều chỉ tiêu báo cáo thống kê cần phải tổng hợp từ cơ sở dữ liệu và báo cáo của các ngành, nhưng chưa có sự liên kết, trao đổi giữa các ngành với ngành Tài chính, nên không tổng hợp được, như: chỉ tiêu về quản lý lao động và việc làm, chỉ tiêu về hiện trạng sử dụng đất của ngành Tài nguyên, môi trường... Dữ liệu thống kê quản lý hộ cá thể chưa được chính xác. Nguyên nhân chủ yếu do hiện nay ngành Thuế chưa có cơ sở dữ liệu tập trung, dữ liệu về quản lý thuế của các hộ cá thể vẫn phải nhập bằng thủ công vào ứng dụng quản lý thuế của các chi cục thuế, chưa tích hợp vào hệ thống quản lý thuế của ngành.

Đại diện cho đơn vị đi đầu trong công tác thống kê của ngành Tài chính, ông Phan Sinh, Phó cục trưởng Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) chia sẻ: Thực tiễn hoạt động thống kê hải quan trong thời gian quan gặp một số vướng mắc về mặt pháp lý như: Hiện nay số liệu thống kê hàng hóa XNK đang trở thành một nguồn số liệu được đông đảo người sử dụng ở các cấp, các ngành quan tâm. Thống kê hải quan thường xuyên nhận được các yêu cầu về cung cấp thông tin ở cả cấp trung ương và cấp địa phương nhưng rất vướng về cơ sở để xử lý. Mặc dù vậy, Luật Thống kê và Nghị định số 40/2004/NĐ-CP chưa có quy định rõ ràng về việc cung cấp thông tin và công bố thông tin. Luật có ghi nhận thẩm quyền công bố thông tin nhưng không đưa ra được khái niệm rõ ràng.

Theo nguyên tắc, thông tin thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân khi chưa được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân đó là những thông tin không được cung cấp cho bên thứ ba (Điều 27 Luật Thống kê). Nhưng, thống kê hải quan vẫn thường xuyên nhận được yêu cầu cung cấp thông tin để phục vụ cho mục đích quản lý nhà nước, cho công tác điều tra về XNK.

“Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được làm rõ, do thống kê hải quan vừa là cơ quan thống kê, vừa là cơ quan quản lý nhà nước về hải quan nên việc phân tách mảng nghiệp vụ hải quan chưa được rõ ràng, cần có quy định rõ hơn để đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động của thống kê hải quan nói riêng và cơ quan thống kê bộ, ngành nói chung”, ông Sinh nói.

Theo Ðiều 23 Luật Thống kê quy định “Tổ chức thống kê tập trung có quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu của các cơ quan thuộc đối tượng thực hiện chế độ báo cáo thống kê tổng hợp. Các cơ quan thuộc đối tượng thực hiện chế độ báo cáo thống kê tổng hợp có, trách nhiệm cung cấp các thông tin thuộc cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu do mình quản lý theo yêu cầu của tổ chức thống kê tập trung”, ông Sinh cho rằng về lĩnh vực thống kê hải quan, cơ sở dữ liệu thống kê ban đầu chính là cơ sở dữ liệu nghiệp vụ của toàn ngành Hải quan, có liên quan đến việc quản lý hoạt động XNK. Do vậy, nếu thực hiện như yêu cầu tại Điều 23 Luật Thống kê thì không đảm bảo an ninh an toàn cho hệ thống thông tin của ngành Hải quan.

Mặc dù Luật Thống kê đã có quy định, nhưng hiện nay việc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân trích dẫn số liệu nhưng không nêu rõ nguồn số liệu, thậm chí còn mập mờ, tự nhận... Do vậy, Cục CNTT & Thống kê hải quan đề nghị nghiên cứu thêm các biện pháp để bảo đảm thực hiện tốt việc trích dẫn nguồn số liệu khi công bố, tham khảo...

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kiến nghị: Luật Thống kê số 04/2003/QH11 được Quốc hội thông qua vào ngày 17/06/2003, có hiệu lực vào ngày 01/01/2004. Tại thời điểm đó, UBCKNN là cơ quan thuộc Chính phủ. Ngày 19/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 66/2004/NĐ-CP về việc chuyển UBCKNN vào Bộ Tài chính.

Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện Luật Thống kê và Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13/02/2004 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê phát sinh một số vấn đề liên quan đến cơ sở pháp lý cho việc thành lập bộ phận thống kê thuộc UBCKNN, công tác tuyển dụng, đào tạo chuyên môn về thống kê, vai trò của hệ thống thông tin thống kê.

Cũng theo vị đại diện này, thời hạn công bố thông tin tổng hợp về tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng, quý được thực hiện theo Khoản 4, Điều 19, Nghị định 40/2004/NĐ-CP. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán rất nhạy cảm với những thông tin nêu trên và để tạo sự công bằng trong tiếp cận thông tin cần phải quy định cụ thể hơn về thời hạn công bố thông tin. Theo thông lệ quốc tế,  thông tin về tình hình kinh tế xã hội thường được ấn định công bố vào một thời điểm cụ thể. Chẳng hạn, thông tin về GDP hằng quý được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào hồi 08h30 sáng ngày thứ 6 cuối cùng của tháng kế tiếp. Cần cụ thể hoá Điều 33 Luật Thống kê quy định về người làm công tác thống kê trong đó chú trọng về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với người làm công tác thống kê.     

 

10 nhiệm vụ trọng tâm

Ông Minh cho biết, từ nay đến năm 2015, Thống kê tài chính sẽ phải tập trung hoàn thành 10 nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

1. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu quốc gia của ngành tài chính nhằm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu quản lý tài chính công và hoạch định chính sách quản lý tài chính công phù hợp với thông lệ quốc tế.

2. Bổ sung, sửa đổi chế độ thông tin báo cáo thống kê định kỳ từ các đơn vị thuộc Bộ, các quỹ tài chính công ngoài ngân sách, quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

3. Xây dựng chế độ báo cáo thống kê tài chính thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Tăng cường hỗ trợ các sở tài chính xây dựng và phát triển công tác thống kê tài chính tại địa phương cả về nghiệp vụ, năng lực, tổ chức và phương tiện, công cụ.

4. Từng bước cải tiến và hoàn thiện phương pháp thống kê tài chính, các bảng phân loại, bảng danh mục, mã dung chung của toàn ngành đáp ứng các yêu cầu công việc chính của ngành từ hoạch định, điều chỉnh chính sách đến quản lý, điều hành và phân tích dự báo; đồng thời phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thuận lợi cho ứng dụng công nghệ thông tin.

5. Bổ sung và sửa đổi các phần mềm thu thập và phân tích số liệu thống kê thuộc lĩnh vực tài chính để bao hàm được các thông tin theo nhiệm vụ 2 nêu trên; đồng thời đảm bảo tích hợp với các chế độ thông tin báo cáo thống kê định kỳ, đặc biệt là hệ thống chế độ kế toán áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc tích hợp (TABMIS), Hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp (ITAIS), Hệ thống thông tin quản lý Hải quan (VCIS), Hệ thống thông tin quản lý dự trữ quốc gia.

6. Thực hiện đầy đủ các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu với Chính phủ và giữa các Bộ, ngành đáp ứng nhu cầu phân tích, nghiên cứu phục vụ hoạch định chiến lược, dự báo, cảnh báo, nghiên cứu khoa học.

7. Đẩy mạnh chuẩn hoá, đồng bộ dữ liệu. Xây dựng các cơ sở dữ liệu thống kê vi mô, vĩ mô ngành Tài chính.

8. Đa dạng hoá các sản phẩm thông tin thống kê, đảm bảo thông tin thống kê được phổ biến kịp thời, minh bạch, đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế của Việt Nam.

9. Hoàn thành việc củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức thống kê theo Nghị định số 03/NĐ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2010 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; tăng cường môi trường pháp lý, cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho công tác thống kê của Bộ.

10. Tiếp tục đẩy mạnh các lớp đào tạo nâng cao năng lực thống kê và phân tích dự báo cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ thống kê tài chính toàn ngành Tài chính.

(Theo mof.gov.vn)

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 77
Chung nhan Tin Nhiem Mang