Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm
Ngày cập nhật 13/07/2011

Nhìn lại những diễn biến của thị trường giá cả trong 6 tháng đầu năm, từ đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát, tạo ổn định cho phát triển kinh tế là những nội dung chủ yếu của buổi Hội thảo Khoa học Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm do Học viện Tài chính do Viện Kinh tế-Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội.

Tình hình giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2011: Nhiều biến động

Tại buổi toạ đàm, diễn biến của thị trường giá cả trong nước và thế giới đã được nêu rõ qua các bản tham luận của đại diện Cục Quản lý Giá cũng như các đại biểu và các nhà khoa học tham dự. Theo đó, giá cả tháng 6 nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung có những diễn biến khó lường do tác động của cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Về thị trường thế giới, kinh tế thế giới tuy đang trong xu hướng hồi phục, một số nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, do nhiều tác động, tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, nhiều nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, cắt giảm nợ công để kiềm chế lạm phát. Một số mặt hàng thuộc yếu tố đầu vào của các ngành sản xuất như xăng dầu, phân bón có nhiều biến động. Trong khi giá phân bón những tháng đầu năm có xu hướng giảm và tăng trở lại ở những tháng tiếp theo thì giá xăng dầu lại có xu hướng tăng ở những tháng đầu năm và diễn biến phức tạp lúc tăng, lúc giảm từ cuối tháng 5 trở lại đây. Nhìn tổng quan, bình quân 6 tháng đầu năm 2011, giá dầu thô WTI tăng khoảng 25,58%, giá xăng tăng khoảng 36,39%, dầu hoả tăng 43,88%, Diezel 0,05S tăng 43,56%. Giá thức ăn chăn nuôi giao kỳ hạn trên thị trường Chicago tăng mạnh trong tháng đầu năm nhưng sau đó cơ bản ổn định, giá gas biến động tăng giảm cùng với diễn biến giá dầu thô và tình hình cung cầu trên thị trường…

Về thị trường trong nước, 6 tháng đầu năm, giá cả hàng hoá, dịch vụ trên thị trường nhìn chung có xu hướng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng cả nước 6 tháng đầu năm 2011 tăng 16,03% so với cùng kỳ năm 2010, đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ của nhiều năm thông thường trước đây (6 tháng đầu năm 2005: tăng 5,2%, 2006 tăng 4,4%, 2007 tăng 5,2%, 2009 tăng 2,68%, năm 2010 tăng 4,46%).

Các nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao trong tháng 6 là: nhóm giao thông (18,74%), đóng góp làm tăng chỉ số giá 6 tháng là 1,662% (chiếm 12,509% mức tăng chỉ số giá chung); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 18,68% (lương thực tăng 11%, thực phẩm tăng 22,21%, ăn uống ngoài gia đình tăng 16,3%) đóng góp làm tăng chỉ số giá 6 tháng là 7,459% (chiếm 56,136% mức tăng chỉ số giá chung); nhóm nhà ở và VLXD tăng 14,73%, đóng góp làm tăng chỉ số giá 6 thág là 1,474%. Ba nhóm hàng trên đã đóng góp làm tăng chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2011 là 10,59% so với tháng 12/2010.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2011 đạt được mức 5,57%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 (6,16%) nhưng được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hiện tại.

Các yếu tố gây tác động tăng giá: Yếu tố khách quan và chủ quan

Hầu hết các đại biểu tham dự Toạ đàm đều có chung nhận định hai nhóm yếu tố khách quan và chủ quan là nguyên nhân chính gây tác động tăng giá trong 6 tháng đầu năm.

Về tác động của yếu tố khách quan: Tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và bất ổn, do ảnh hưởng biến động chính trị-kinh tế ở các nước Bắc Phi và Trung Đông; thảm hoạ động đất, sóng thần ở Nhật Bản; đồng đô la Mỹ suy yếu; bội chi ngân sách cao; nguy cơ khủng hoảng nợ công từ khối các nước EU, an ninh lương thực bị đe doạ do mất cân đối cung-cầu…Trong khi đó giá hàng hoá, đặc biệt là giá lương thực, xăng dầu và các nguyên liệu cơ bản tăng cao dẫn đến lạm phát có xu hướng tăng cao tại nhiều quốc gia. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến kinh tế trong nước, gây ra các yếu tố tiềm ẩn bất ổn của kinh tế vĩ mô của Việt Nam, khi  sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên liệu nhập khẩu từ nước ngoài; Dịch bệnh trên vật nuôi lan rộng và kéo dài làm giảm mạnh nguồn cung thực phẩm và gia tăng chi phí giá thành chăn nuôi; Sức hút từ thị trường các nước lân cận do chênh lệch giá một số mặt hàng khi trong nước thực hiện chính sách bình ổn giá gây mất cân đối nguồn cung hàng hoá trong nước.

Các yếu tố chủ quan, nội tại của nền kinh tế: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan trên, trong 6 tháng đầu năm 2011, giá cả thị trường trong nước còn chịu áp lực từ việc: điều chỉnh tăng giá theo lộ trình của một số mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế như điện, than và việc tăng lương tối thiểu ở các lĩnh vực lao động; điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng từ mức 18.932 lên mức 20.693 VND/USD (tăng lên 9,3%) từ ngày 11/2/2011; giá xăng dầu tăng 2 lần, giá than bán cho các hộ tiêu dùng trong nước được doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ 1/4/2011. Ngoài ra, tác động theo độ trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế của các năm trước đã làm cho cung tiền trên thị trường chưa thể giảm ngay sau khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP (Theo số liệu của ADB, cung tiền của Việt Nam đã tăng bình quân 31,2% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2009, và tăng 27% trong năm 2010); yếu tố tâm lý người tiêu dùng dẫn đến phản ứng tăng giá dây chuyền; chi phí vay vốn tăng do áp lực của chính sách tiền tệ thắt chặt theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ; tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung thực phẩm trong nước

Cần xây dựng nhiều kịch bản điều hành kinh tế thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát

Tình hình sáu tháng cuối năm, theo dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường giá nhiều loại hàng hóa trên thế giới có xu hướng tăng vào dịp cuối năm cùng với tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng tại nhiều nước sẽ gây tình trạng tăng giá lan toả của hàng hoá qua biên giới. Bên cạnh đó là mùa mưa bão sắp tới có thể gây đứt nguồn cung hàng hoá và tăng giá cục bộ tại một số địa phương, đặc biệt là khả năng giá điện tiếp tục được điều chỉnh tăng để bù đắp chi phí tăng. Do vậy, để thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong đó có chỉ số CPI ở mức 15-17%, các đại biểu đều thống nhất quan điểm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này. Theo đó, Chính phủ và cơ quan chức năng cần xây dựng nhiều kịch bản điều hành kinh tế để đưa ra những chính sách phù hợp với từng hoàn cảnh; cần tiếp tục kiên trì với chính sách tiền tệ thắt chặt, tránh để lạm phát bùng phát vào những tháng cuối, kiểm tra, kiểm soát thị trường theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Theo www.mof.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 48
Chung nhan Tin Nhiem Mang