Là một trong 2 nội dung quan trọng được đề cập trong phiên Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, bên cạnh việc tổng kết hoạt động bầu cử, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng được đề cập ngay trong diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Theo đó, tình hình kinh tế 6 tháng được đánh giá là có những tín hiệu tích cực: Tốc độ tăng GDP đạt 5,57%, sản xuất công nghiệp - dịch vụ tăng khá. Xuất khẩu của toàn nên kinh tế tăng trưởng 30,3% so với cùng kỳ, gấp 3 lần kế hoạch đề ra. Nhập siêu và chỉ số giá tiêu dùng bước đầu có dấu hiệu ổn định…
Tuy vậy, cũng theo Chủ tịch Quốc hội, thực trạng nền kinh tế cũng bộc lộ không ít khó khăn, như tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ, lạm phát còn cao, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của lãi suất cao và đầu tư nước ngoài sụt giảm…
Những tồn tại này được làm rõ hơn trong báo sau đó của Chính phủ, do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày. Báo cáo chỉ ra 3 khó khăn cấp bách, cần giải quyết đối với nền kinh tế Việt Nam là lạm phát, mặt bằng lãi suất cũng như tỷ lệ nhập nhập siêu so với xuất khẩu đều ở mức cao.
Cụ thể, giá tiêu dùng tháng 6/2011 so với cuối năm 2010 đã tăng 13,29%, vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội thông qua cho cả năm là không quá 7%. Nguyên nhân của hiện tượng này, theo Chính phủ, chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài như giá lương thực, xăng dầu, tình trạng lạm phát cao diễn ra ở nhiều nước nên thế giới. Trong nước, dư âm của việc sử dụng gói kích cầu từ năm 2008 đến 2010 và việc tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương… cũng tác động đáng kể đến đà tăng giá.
Tuy nhiên, theo đánh giá tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, bên cạnh những yếu tố nói trên, những yếu kém nội tai của nền kinh tế (thâm hụt thương mại lớn, kéo dài, bội chi ngân sách nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp…) mới là nguyên nhân chính gây lạm phát. Những tháng đầu năm 2011, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu điều chỉnh tỷ giá, tăng lãi suất dồn dập, cộng với sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý… cũng góp phần đẩy gây phản ứng tăng giá dây chuyền.
Chính phủ cũng cho rằng mặt bằng lãi suất cao hiện nay đang gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất huy động bình quân hiện tăng khoảng 2,9% so với thời điểm cuối năm 2010. Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khá lớn. Việc vay vốn tín dụng của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khó khăn. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng. Tiềm lực của hệ thống ngân hàng, thị trường chứng khoán tuy đã được tăng cường nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đã có dấu hiệu cải thiện trong những tháng đầu năm nhưng vẫn còn cao (khoảng 6,65 tỷ USD). Điều này trực tiếp gây sức ép lên tỷ giá, thị trường và dự trữ ngoại hối, mặc dù trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng được dự trữ ngoại hối lên khoảng 4 tỷ USD.
Theo Ủy ban Kinh tế, tỷ lệ nhập siêu tuy có giảm (chiếm 15,72% xuất khẩu, so với mục tiêu dưới 18% của cả năm) nhưng xu hướng giảm chưa bền vững, do chịu tác động của yếu tố tăng giá và xuất khẩu kim loại quý. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa xa xỉ vẫn không suy giảm (nhập ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy tăng 70%, đá quý tăng 20%...).
Chính phủ cho rằng trong thời gian còn lại của năm 2011 và 2012, tình hình kinh tế - xã hội vẫn ẩn chứa nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn tiềm ẩn do tác động của cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Thời gian tới, Chính phủ sẽ nỗ lực điều hành để đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2011 ở mức khoảng 6%. Đây là mức tăng trưởng hợp lý nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đồng thời, tạo tiền đề để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2012 và cao hơn trong những năm sau.
Về lạm phát, Chính phủ đề ra mục tiêu giữ CPI cả năm ở mức 15-17%, mặc dù theo Ủy ban Kinh tế, đây là con số khó đạt được. Trong những năm sau, Chính phủ cho biết sẽ phần đấu đưa lạm phát giảm dần về một con số và thấp hơn tốc độ tăng trường. Một số chỉ tiêu khác cũng được dự kiến là sẽ hoàn thành trong năm nay như khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 20%, nhập siêu không quá 15-16% xuất khẩu, bội chi ngân sách dưới 5% GDP.
Để thực hiện những mục tiêu này, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục kiên định chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt. Riêng tăng trưởng tín dụng sẽ được điều hành hợp lý theo quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là vào các thời điểm mùa vụ sản xuất, kinh doanh khi nhu cầu vốn tăng cao. Tuy nhiên, theo lưu ý của Ủy ban Kinh tế, việc làm này cần được tính toán kỹ lưỡng, giải ngân tín dụng và vốn ngân sách đều trong năm, tránh tình trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm, gây sức ép cân đối tiền - hàng, làm gia tăng lạm phát.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý giá cả - thị trường, đặc biệt là việc đăng ký, niêm yết giá. Cơ quan chức năng cũng sẽ có biện pháp cần thiết để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhanh chóng miễn giảm một số sắc thuế, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Trong tháng 10 tới, Chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tăng lương tối thiểu theo vùng, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo: VnExpress