Thưa ông, chúng ta đã và đang thực hiện Pháp lệnh Giá về quản lý, điều hành giá cả thị trường, vậy căn cứ vào những lý do nào khiến chúng ta cần phải nâng văn bản này lên thành Luật?
Pháp lệnh Giá được ban hành năm 2002, trước khi nước ta gia nhập WTO. Trong Pháp lệnh, mặc dù cơ chế giá thị trường đã được thể hiện, nhưng có những nội dung không còn phù hợp và cũng có những nội dung mới chưa được đề cập như: Pháp lệnh Giá chưa khẳng định Việt Nam “nhất quán” thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chưa quy định các cơ chế cạnh tranh về giá trong nền kinh tế như: thỏa thuận giá, đấu thầu, đấu giá, định giá dựa vào cạnh tranh.
Pháp lệnh Giá quy định biện pháp bình ổn giá “trợ giá nông sản khi giá thị trường xuống quá thấp, gây thiệt hại cho người sản xuất; trợ giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu khác” không rõ về phạm vi, mức độ, lộ trình nên “bị coi” là chưa thực hiện đúng với cam kết WTO. Trong khi các biện pháp bình ổn giá có hiệu quả để điều tiết mặt bằng giá như tài khóa, tiền tệ lại không được quy định.
Mặt khác, Pháp lệnh Giá chỉ quy định bình ổn giá đối với một số mặt hàng cụ thể mà chưa đề cập đến bình ổn giá của toàn bộ mặt bằng giá... Không những thế, sau khi Pháp lệnh Giá được ban hành thì Nhà nước cũng đã ban hành một số Luật khác có quy định liên quan đến giá, thẩm định giá, từ đó đã xuất hiện những nội dung không đồng bộ, không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn, chồng chéo như: Chống bán phá giá, kiểm soát giá độc quyền, định giá và thẩm định giá... Điều đó, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ xung Pháp lệnh Giá và nâng lên thành Luật, đáp ứng yêu cầu chung là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Được biết Dự thảo Luật Giá đã hoàn thành và tổ chức xin ý kiến rộng rãi để hoàn chỉnh, ông có thể cho biết quá trình soạn thảo Luật cho đến khi được cấp có thẩm quyền thông qua?
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Giá, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động sau:
- Bộ Tài chính đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập giúp việc cho Ban soạn thảo Dự thảo Luật Giá (thành lập ngày 14/6/2010). Từ khi được thành lập đến nay, Ban soạn thảo đã cùng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh (nòng cốt là các Sở Tài chính) tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về Giá, từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Giá từ năm 2002 đến nay. Đồng thời, Ban soạn thảo đã tổ chức các đoàn công tác tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về Giá tại 14 tỉnh, thành phố được lựa chọn đại diện cho các vùng, các khu vực trong cả nước.
- Tổ chức nghiên cứu, biên dịch tài liệu (Luật, các quy định về quản lý Giá), tham khảo kinh nghiệm thực tế về quản lý Giá và thẩm định Giá của một số nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaixia, Australia, New Zealand…).
Từ đó tiến hành xây dựng Dự thảo Luật Giá, báo cáo đánh giá tác động của Luật để tổ chức 2 cuộc Hội thảo với đại diện các Bộ, ngành, các Nhà khoa học, quản lý, các Sở Tài chính, một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định Giá để lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo. Tiến hành hoàn chỉnh Dự thảo sau các cuộc Hội thảo và gửi xin ý kiến các Bộ, các ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, đăng tải Dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính theo quy định.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo đã hoàn chỉnh lại để chuẩn bị các thủ tục cần thiết theo quy định để trình Chính phủ trong tháng 7/2011 và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào khoảng tháng 11/2011.
Khi được nâng lên thành Luật, Luật Giá sẽ có những điểm gì mới so với Pháp lệnh Giá đang được thực hiện?
Trong Dự thảo Luật Giá có đề cập 2 mô hình về tổ chức thẩm định giá gồm thẩm định giá Nhà nước và thẩm định giá độc lập của doanh nghiệp. Trong đó, thẩm định giá Nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ thẩm định giá tài sản được mua sắm từ nguồn Ngân sách Nhà nước; các tài sản của Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hoá… Còn doanh nghiệp thẩm định giá sẽ thực hiện thẩm định đối với tất cả các loại tài sản mà xã hội có nhu cầu thẩm định giá, kể cả tài sản mua sắm từ Ngân sách Nhà nước. Đây là điểm mới thứ nhất.
Điểm mới thứ hai là về thẩm định viên giá. Sẽ có 2 loại thẩm định viên về giá (gắn với mô hình về tổ chức thẩm định giá như trên đã đề cập): thẩm định viên về giá Nhà nước chỉ thẩm định tài sản trong cơ quan Nhà nước, không đăng ký hành nghề trong xã hội; Còn thẩm định viên về giá hoạt động trong các doanh nghiệp sẽ thi lấy thẻ “thẩm định viên” và được đăng ký hành nghề trong xã hội.
Ngoài ra, trong Dự thảo Luật cũng quy định về Hiệp hội thẩm định giá. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh Giá, theo đó tổ chức và hoạt động của Hiệp hội được đưa vào Luật và chịu sự quản lý của Nhà nước về hoạt động của mình…
Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu của việc xây dựng Luật Giá được đặt ra là tạo ra môi trường pháp lý công khai, minh bạch, một khuôn khổ pháp luật phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhằm có căn cứ pháp luật đưa công tác quản lý giá, chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá vào nề nếp và hiệu quả. Nhằm tạo ra cơ chế để giá cả hình thành và vận động theo các quy luật kinh tế khách quan vốn có của giá cả, khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức Nhà nước kinh doanh nhưng giá cả vẫn vận động bình ổn trong “tầm kiểm soát của Nhà nước”. Tạo ra chế độ phân cấp quản lý rõ ràng, minh bạch không chồng chéo giữa Nhà nước và thị trường, giữa Trung ương và địa phương, giữa địa phương và doanh nghiệp.
Điều quan trọng là đảm bảo việc quản lý, điều hành giá của Việt Nam phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện, nhằm sớm được cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường…
|
(Minh Hiếu - thực hiện) - Theo taichinhdientu.vn