Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã nghiêm túc triển khai và đã đạt được một số kết quả bước đầu như sau:
Thứ nhất, Bộ Tài chính đã ban hành một số cơ chế, chính sách về thuế nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ... (Thông tư số 95/2011/TT-BTC ngày 04/7/2011 sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng sắt thép phê liệu, phế phẩm nhằm khuyến khích xuất khẩu phế liệu, phế thải trong nước không sử dụng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; Thông tư số 96/2011/TT-BTC ngày 04/7/2011 hướng dẫn thực hiện chính sách tài chính phhát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 12/2011/QD-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 102/2011/TT-BTC ngày 11/7/2011 sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi mặt hàng đào lộn hột chưa bóc vỏ để giảm chi phí dầu vào cho ngành chế biến hạt điều xuất khẩu; Thông tư số 103/2011/TT-BTC ngày 11/7/2011 sửa đổi Thông tư số 184/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 nhằm hướng dẫn rõ hơn quy định thu thuế nhập khẩu 10% đối với mặt hàng thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo để hạn chế gian lận thương mại).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục khẩn trương phối hợp với các hoàn thiện để ban hành chính sách thuế nhằm hạn chế tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô.
Thứ hai, Về kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu:
Bộ Tài chính đã tham gia ý kiến với Bộ Công Thương về biện pháp quản lý nhập khẩu rượu và mỹ phẩm, theo đó chỉ cho phép nhập khẩu rượu và mỹ phẩm qua 03 cảng biển quốc tế: Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh;
Thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của các doanh nghiệp trong các khu phi thuế quan tại Khu kinh tế cửa khẩu theo khoản b điểm 3 Nghị quyết 11/NQ- CP; Kiểm tra xuất xứ hàng hoá theo yêu cầu của Nghị quyết 11/NQ- CP.
Tiếp tục chỉ đạo xử lý xe ô tô nhập khẩu của các đối tượng ngoại giao đã hết nhiệm kỳ công tác hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam chưa làm thủ tục chuyển nhượng, nộp thuế.
Tính từ 16/06/2011 đến 15/07/2011, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 1.370 vụ việc vi phạm, trị giá ước tính 14 tỷ 86,6 triệu đồng, trong đó có 52 vụ về ma tuý.
Thứ ba, Về công tác quản lý giá cả thị trường:
Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời xây dựng phương án điều hành giá các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý giá như điện, than, xăng dầu, kiên trì và nhất quán nguyên tắc điều hành theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước trên cơ sở quy định của Nhà nước có tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã đề ra. Trong tháng 7/2011, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương để thực hiện các biện pháp tài chính, tiền tệ, thuế nhằm tiếp tục giữ ổn định giá các mặt hàng quan trọng như điện, than, xăng dầu...
Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý giá, bình ổn giá trên địa bàn; tiếp tục triển khai thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá; thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào.
Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo xuất cấp gần 56.200 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói kịp thời cho nhân dân trong thời kỳ giáp hạt, vùng bị khó khăn do thiên tai, xuất cấp các vật tư, thiết bị thiết yếu với tổng giá trị khoảng 512 tỷ đồng.
Thứ tư, Về công tác thanh tra, kiểm tra:
Bộ Tài chính đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm soát giá cả trên địa bàn.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với 7 mặt hàng tại 21 doanh nghiệp, gồm: 4 doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng, 4 doanh nghiệp sản xuất xi măng, 4 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng, 1 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón hóa học, 4 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, 2 doanh nghiệp sản xuất đường ăn và 2 doanh nghiệp kinh doanh sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm của các doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá, trong đó tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 169/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá để có đủ chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá, bảo đảm vừa thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa ổn định giá cả, chống các hành vi lợi dụng tăng giá, trục lợi, bảo đảm đời sống nhân dân./.
BD - Theo www.mof.gov.vn