Chức năng, nhiệm vụ của chính của Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (DNL) được thể hiện rõ trong quyết định số 106/QĐ-BTC ngày 14/01/2010 của Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ và Văn phòng thuộc Tổng cục Thuế như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp lớn ; Hướng dẫn, giải đáp cơ chế chính sách thuế, tham mưu đề xuất về cơ chế chính sách thuế đặc thù và quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn; Phối hợp thực hiện các chức năng quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn như thanh tra, quản lý nợ, xây dựng dự toán...
Việc hình thành bộ phận quản lý thuế DNL đã thể hiện tính kết hợp linh hoạt mô hình quản lý thuế theo chức năng với quản lý thuế theo đối tượng với mục tiêu: Thí điểm thực hiện một cơ cấu tổ chức, hệ thống và quy trình quản lý thuế mới; đảm bảo số thu NSNN bằng cách đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ cơ bản về khai và nộp thuế; nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra, nâng cao chất lượng quản lý nợ và phục vụ người nộp thuế là doanh nghiệp lớn tốt hơn.
Ngày 19/402010, Bộ Tài chính ký quyết định số 856/QĐ-BTC quy định danh sách doanh nghiệp thuộc diện Tổng cục Thuế trực tiếp tổ chức công tác quản lý thuế (DNL). Theo đó, Tổng cục Thuế (Vụ Quản lý thuế DNL) tham gia quản lý thuế đối với 35 Tổng công ty, Tập đoàn gồm 415 doanh nghiệp là các Công ty con trực thuộc, đơn vị liên kết... của 35 Tổng công ty, Tập đoàn. Các DNL có mạng lưới thành viên trên địa bàn cả nước, xong tập trung chủ yếu tại các địa bàn thành phố Hà Nội (158 doanh nghiệp), thành phố Hồ chí Minh (73), Quảng Ninh (26), Hải Phòng (16), Bà Rịa - Vũng Tàu (14), Đà Nẵng (8), Đồng Nai (6), Vĩnh Phúc (4), …
Doanh nghiệp lớn là một trong số các nguồn chủ yếu cung cấp tài chính cho NSNN thông qua thuế, phí và góp phần tạo ra tích luỹ cho nền kinh tế quốc gia. Có thể nói, đối với nhiều quốc gia đang phát triển, đóng góp của doanh nghiệp lớn và tổng thu nhập quốc dân và NSNN là rất lớn. Ngay cả với nhiều nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp lớn vào Tổng thu nhập quốc dân cũng khá lớn. Với số lượng 415 DNL ở Việt Nam trong năm 2009 và năm 2010 đóng góp khoảng 36% tổng thu NSNN/năm (bao gồm cả số thu từ dầu thô). Do đó, việc thực hiện quản lý thuế đối với DNL là rất cần thiết. Để quản lý thuế đối với DNL có rất nhiều nội dung cần thực hiện, trong đó nội dung 100% DNL khai thuế qua mạng là một yêu cầu cấp bách để thực hiện công tác quản lý thuế DNL ở Việt Nam
Kê khai thuế qua mạng Internet là việc doanh nghiêp kê khai thuế trên máy vi tính của mình và gửi tới cơ quan quản lý thuế bằng mạng Internet, mà không phải gửi qua đường bưu điện hoặc đến nộp trực tiếp hồ sơ bằng giấy cho cơ quan thuế. Kê khai thuế qua mạng là hình thức giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế, một trong những hình thức giao dịch được pháp luật về thuế quy định, đây là hình thức giao dịch văn minh, hiện đại.Chữ ký số là thông tin đi kèm dữ liệu nhằm mục đích xác định người chủ của dữ liệu đó. Chữ ký số có thể hiểu như con dấu điện tử của người phát hành văn bản, tài liệu trong giao dịch điện tử. Chữ ký số ngoài việc sử dụng cho kê khai thuế qua mạng, có thể được sử dụng trong giao dịch điện tử khác như Hải Quan điện tử, giao dịch với Ngân hàng, Chứng khoán…Chữ ký số đã được chứng minh đảm bảo về tính an ninh và được thừa nhận về pháp lý tương đương với con dấu và chữ ký của doanh nghiệp.
Kê khai thuế qua mạng: Lợi ích đối với DN lớn, nhiệm vụ quan trọng trong cải cách và hiện đại hoá của ngành thuế
Không giới hạn số lần gửi 1 tờ khai: Khi doanh nghiệp kê khai sai và vẫn còn hạn nộp tờ khai, doanh nghiệp có thể gửi tờ khai thay thế với số lần gửi thay thế không hạn chế. Doanh nghiệp có thể gửi tờ khai vào trước 24h ngày cuối cùng nộp tờ khai vẫn không bị tính nộp chậm.
Không giới hạn về “Không gian”: Doanh nghiệp có thể khai thuế qua mạng khi ở cơ quan, đang đi du lịch, đang về quê cùng gia đình, đang đi công tác đột xuất…
Không giới hạn về thời gian: Doanh nghiệp có thể gửi tờ khai vào tất cả các ngày kể cả ngày lễ, tết, thứ 7, chủ nhật và có thể gửi vào bất kỳ thời gian nào trong ngày từ 0h00 đến 24h00.
Tiết kiệm chi phí: Tiết kiệm chi phí in tờ khai; tiết kiệm chi phí đi lại; tiết kiệm thời gian: thời gian tắc đường, thời gian xếp hàng …
Trường hợp không có mặt ở trụ sở: Người đại diện doanh nghiệp vẫn có thể tự ký chữ ký số và khai thuế thông qua mạng internet hoặc có thể uỷ quyền quản lý chữ ký số cho người được tin cậy để ký và nộp tờ khai.
Thông tin và số liệu khai thuế của doanh nghiệp: Đảm bảo được gửi đến cơ quan thuế một cách nhanh chóng, chính xác, không sai sót, nhầm lẫn do phần mềm HTKK hỗ trợ tính toán, kiểm tra lỗi không cố ý khi khai thuế.
Đối với cơ cơ quan thuế, khai thuế qua mạng là một nội dung quan trọng đối với công tác cải cách và hiện đại hóa ngành thuế. Đây là giải pháp nhằm giảm tình trạng quá tải, áp lực cho các cơ quan thuế mỗi khi đến kỳ hạn nộp hồ sơ khai thuế. Giảm thời gian, nhân lực tiếp nhận tờ khai, đặc biệt là giảm rất nhiều chi phí cho việc lưu trữ hồ sơ khai thuế cũng như tìm kiếm thông tin.
Có thể nói, khai thuế qua mạng internet là bước đi tất yếu trong giai đoạn hiện nay nhằm từng bước hiện đại hóa ngành thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, giảm áp lực cho ngành thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong thời kỳ kinh tế hội nhập hiện nay.
Một số DNL chưa thực hiện khai thuế qua mạng: Xuất phát từ nhiều nguyên nhân
Ngoài số DNL tại các Cục Thuế chưa tiến hành triển khai công tác khai thuế qua mạng, tính đến hết 31/5/2011 mới chỉ có 266/345 doanh nghiệp lớn tại 18 Cục Thuế thực hiện khai thuế qua mạng. Một số DNL chưa thực hiện khai thuế qua mạng xuất phát từ các lý do chính sau:
-Tại thông tư số 180/2010/TT-BTC ngày 10/11/2010 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế quy định Người nộp thuế có quyền tự do lựa chọn hình thức khai và nộp thuế. Nghĩa là hiện nay việc khai thuế qua mạng chỉ mang tính khuyến khích không bắt buộc đối với doanh nghiệp lớn.
- Một số DNL chưa thấy rõ lợi ích của phương thức khai thuế hiện đại này: Do công tác tuyên truyền lợi ích của dịch vụ khai thuế qua mạng chưa được đề cao, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa hiểu rõ dịch vụ này hoặc thấy đây là dịch vụ mới nên còn tâm lý e dè chưa đang ký tham gia thực hiện khai thuế qua mạng ngay mà đợi triển khai một thời gian sau đó mới đăng ký thực hiện
- Về mặt cơ chế, chính sách, hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định rõ trách nhiệm sử dụng, bảo quản chứng thư số, hoặc lưu trữ hồ sơ khai thuế điện tử khi khai thuế qua mạng. Các DNL khai thuế qua mạng vẫn phải in thêm hồ sơ giấy để lưu trữ phục vụ công tác thanh tra kiểm tra do một số cơ quan chức năng khi đi thanh tra kiểm tra không đồng ý sử dụng hồ sơ điện tử.
- Nhiều DN nước ngoài, DN khối ngân hàng... có chính sách an ninh thông tin hoặc phần mềm diệt virus đặc thù nên khó thực hiện cài đặt phần mềm. Một số doanh nghiệp sử dụng hệ thống thư điện tử bảo mật chặn mail thông báo cấp tài khoản và mật khẩu của hệ thống khai thuế qua mạng.
- Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện khai thuế qua mạng bởi họ quan tâm đến tính bảo mật của những thông tin kê khai qua mạng sẽ được thực hiện như thế nào
- Một số DNL không thích khai thuế qua mạng vì sợ bị cơ quan thuế tăng cường sự kiểm soát: Đây là một quan niệm không đúng vì Cơ quan thuế giám sát sự tuân thủ của NNT với mục tiêu giúp NNT thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế đối với NSNN.
Giải pháp hữu hiệu để tất cả DNL kê khai thuế qua mạng
Nằm trong chiến lược cải cách hiện đại hóa ngành thuế đến năm 2020, trong thời gian tới cơ quan thuế cần thực hiện một số nội dung sau để thực triển khai thành công việc khai thuế qua mạng internet đối với tất cả NNT, trong đó có mục tiêu 100% số lượng DNL thực hiện khai thuế qua mạng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý thuế đối với DNL:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của khai thuế qua mạng và sử dụng chữ ký số; Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống, nâng cấp hạ tầng mạng, đường truyền thiết bị cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế đảm bảo hệ thống hoạt động nhanh, ổn định; Ba là, đẩy mạnh triển khai hệ thống khai thuế qua mạng đối với các địa phương đã có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng về công nghệ thông tin; Bốn là, từng bước hoàn thiện khung pháp lý về khai thuế điện tử nhất là việc sử dụng hồ sơ điện tử đối với các doanh nghiệp. Chỉ khi nào hồ sơ điện tử của doanh nghiệp được sử dụng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thì lúc lấy giá trị của công việc khai thuế qua mạng mới được thể hiện đầy đủ đối với NNT.
Kết quả khai thuế qua mạng đối với doanh nghiệp lớn:
Tính đến cuối kỳ tính thuế tháng 5/2011 đã có 23.194 NNT tại 19 tỉnh, thành phố đăng ký khai thuế qua mạng và đã có 18.431 NNT thực hiện khai thuế qua mạng với tổng số Tờ khai điện tử đã nhận vào hệ thống quản lý thuế 259.337 tờ khai. Trong đó 266/345 doanh nghiệp lớn tại 18 Cục Thuế, đạt tỷ lệ gần 77 % DNL thực hiện kê khai thuế qua mạng (số DNL còn lại thuộc các địa bàn chưa triển khai hệ thống khai thuế qua mạng).
Các DNL tại Việt Nam có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như con người để thực hiện khai thuế qua mạng. Tuy nhiên, đến 31/5/2011 số lượng các doanh nghiệp lớn khai thuế qua mạng mới đạt con số 266/345 doanh nghiệp. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý thuế đối với Doanh nghiệp lớn. Vấn đề cần quan tâm ở đây là tại sao một số lượng lớn doanh nghiệp lớn lại chưa thực hiện khai thuế qua mạng trong khi lợi ích của việc khai thuế qua mạng đã được chứng minh rằng đó là lợi ích kép đối với doanh nghiệp lớn so với việc khai thuế thông thường (khai và nộp hồ sơ thuế bằng giấy)…
|
Lưu Ngọc Thơ - Vụ QLDNL Tổng cục Thuế
Theo www.mof.gov.vn