Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Kiến nghị tăng cường quản lý nợ công, xây dựng chiến lược quản lý nợ rủi ro
Ngày cập nhật 01/08/2011

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng: Qua theo dõi các phương tiện truyền thông, cử tri rất lo ngại với tình trạng nợ của các doanh nghiệp nhà nước đã lên đến mức trên 50% GDP của cả nước. Với tổng dư nợ đang ở mức khá cao trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do giá xăng, giá điện và lãi suất cho vay tăng cao, cử tri lo ngại nguy cơ các doanh nghiệp nhà nước mất khả năng trả nợ giống như trường hợp Tập đoàn Vinashin, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp khác cũng như toàn bộ nền kinh tế. Cử tri đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cần tăng cường quản lý nợ công, có chiến lược quản lý nợ rủi ro để tránh đưa đất nước rơi vào gánh nặng nợ nần.

Cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, nợ là một chỉ tiêu trong cân đối tài chính và hình thành nên tổng tài sản của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước ngoài việc sử dụng nguồn lực từ vốn ngân sách nhà nước đầu tư, vốn tự tích luỹ, các quỹ và nguồn lực khác của doanh nghiệp, doanh nghiệp được huy động vốn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng; từ phát hành trái phiếu, tín phiếu; vay vốn ODA để đầu tư phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nêu rõ, đến 31/12/2010, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,65 lần. Theo quy định hiện hành của Nhà nước là Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu không được quá 3 lần (Thông tư 117/2010-TT-BTC ngày 5/8/2010  Hướng dẫn cơ chế tài chính của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu).

Đánh giá chung, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã không ngừng đổi mới về năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty nhà nước là nòng cốt dẫn dắt và là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế phát triển. Hàng năm các công ty nhà nước, trong đó nòng cốt là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà  nước đã đóng góp 40% GDP của cả nước, tạo ra 39,5% giá trị sản lượng công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu, đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ thiết yếu cho xã hội, các dịch vụ sản phẩm công ích, quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả kinh doanh thấp, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu.

Để sớm khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã có kết luận số 78-KL/TW ngày 26 tháng 7 năm 2010 về kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khoá IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 1568/CT-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2010 về việc triển khai thực hiện kết luận nói trên của Bộ Chính trị theo đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách sau:

- Ban hành Nghị định của Chính phủ về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- Ban hành Nghị định về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.

- Nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

- Nghị định về tổ chức, hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

- Nghị định về Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

- Ban hành Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; chế độ tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp đối với người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

- Ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế đấu thầu đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích.

- Ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; Cơ chế giám sát tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn; Quy định cụ thể chế độ báo cáo và công khai, minh bạch kết quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

- Ban hành tiêu chuẩn để lựa chọn nhân sự quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Các quy định trên sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ; các doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích do Nhà nước làm chủ sở hữu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Giải pháp tăng cường quản lý nợ công và phòng ngừa rủi ro

Nhằm tiếp tục thực hiện công tác quản lý nợ theo đúng các nguyên tắc an toàn và bền vững, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó:

- Bổ sung chỉ tiêu nợ công vào hệ thống chỉ tiêu giám sát an toàn nợ quốc gia.

- Tiếp tục duy trì các chỉ số nợ ở mức an toàn theo các chỉ tiêu quy định và phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Tổ chức thực hiện thanh toán trả nợ, đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế.

- Các cơ quan có liên quan cần có chính sách điều hành tốt kinh tế vĩ mô để tăng thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, tăng cường dự trữ ngoại tệ để cải thiện chỉ số nợ và các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm dần bội chi NSNN.

- Việc huy động các nguồn vốn vay của Chính phủ sẽ được thực hiện trên cơ sở tiến độ giải ngân, tránh đọng vốn, tăng chi phí trả lãi, đồng thời không gây nên tình trạng gia tăng áp lực cho thị trường.

- Tiếp tục thực hiện vay nước ngoài theo kế hoạch và cam kết, trong quá trình điều hành cần tăng cường huy động thêm nguồn vay ODA, vay ưu đãi cho cân đối ngân sách nhà nước để giảm áp lực phải huy động trong nước.

- Chú trọng công tác quản lý rủi ro đối với danh mục nợ, bao gồm rủi ro về đồng tiền vay, lãi suất, tỷ giá, khả năng thanh toán, tín dụng và hoạt động để hạn chế tới mức thấp nhất chi phí vay và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

- Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng vốn vay đặc biệt là các doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đầu tư, trả được nợ.

PV - Theo www.mof.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 3.348.777
Truy câp hiện tại 32
Chung nhan Tin Nhiem Mang